Kim cương trồng nhân tạo: Rẻ hơn 30% so với thông thường, đến chuyên gia cũng không tìm ra điểm khác biệt

05/06/2018 09:51 AM | Xã hội

Ước tính của Morgan Stanley cho thấy kim cương nhân tạo dù mới chỉ chiếm 1% tổng doanh số kim cương toàn cầu nhưng chúng sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Khi anh Jatson Payne tìm nhẫn cầu hôn bạn gái, anh thực sự phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn. Bạn gái anh là một người ghét "kim cương máu", những viên kim cương được khai thác trái phép, bóc lột sức lao động trẻ em từ Châu Phi.

Bởi vậy, anh Jatson quyết định cầu hôn bằng nhẫn đá sapphire và cảm thấy đây là một quyết định đúng đắn cho đến khi đọc được tài liệu rằng các nhà khoa học đã có thể "trồng" kim cương nhân tạo trong phòng thí nghiệm, một phát minh có thể lật đổ cả ngành đá quý hàng trăm tỷ USD này.

Tuy nhiên câu chuyện không dừng lại đó, vị hôn thê của anh Jatson là cô Lindsay Reinsmith muốn đính thêm đá quý vào chiếc nhẫn đính hôn họ đã chọn nhưng cặp đôi này nhận ra không có công ty nào chịu đính kim cương nhân tạo.

Theo anh Jatson, những nhà khoa học phát minh ra việc "trồng" kim cương nhân tạo không có hứng thú với việc thương mại hóa công nghệ này. Tại thành phố San Francisco nơi cặp đôi trên sinh sống, không có một cửa hiệu đá quý nào hợp tác với các phòng thí nghiệm để triển khai kỹ thuật này.

Kim cương trồng nhân tạo: Rẻ hơn 30% so với thông thường, đến chuyên gia cũng không tìm ra điểm khác biệt - Ảnh 1.

Anh Jatson Payne và cô Lindsay Reinsmith

Thế rồi một ý tưởng chợt nảy ra, chỉ với chưa đến 1 triệu USD vay mượn từ bạn bè và gia đình, cặp đôi Jatson đã thành lập nên Ada Diamonds vào năm 2015 nhằm sản xuất nhẫn cưới, trang sức và các sản phẩm xa xỉ khác có sử dụng kim cương nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Theo công ty, những kim cương được trồng như vậy có giá rẻ hơn 30% so với việc khai thác kim cương thông thường.

Nguồn cung cấp kim cương nhân tạo của Ada đến từ hầu hết các nơi trên thế giới, từ phóng thí nghiệm tại Tel Aviv-Israel cho đến Sanfrancisco-Mỹ.

Trên thực tế, công nghệ mà hãng Ada đang sử dụng để kinh doanh đã xuất hiện từ năm 1953 và được phát triển bởi General Electric. Công nghệ này đã phổ biến tới mức ông lớn trong ngành kim cương, tập đoàn DeBeers cũng phải tuyến bố sẽ sử dụng chúng cho kinh doanh.

Tuy vậy tại thời điểm đó, công nghệ này có giá thành khá đắt đỏ, chủ yếu được sử dụng để sản xuất thiết bị cắt nén. Chỉ đến 5 năm trở lại đây, giá thành loại công nghệ này đã giảm xuống và ứng dụng trồng kim cương mới dần được ứng dụng rộng rãi trong thương mại.

Thay vì phải đợi hàng triệu năm để áp lực tự nhiên của trái đất tạo nên những viên kim cương trong các mỏ, phòng thí nghiệm của Ada có thể nén đá quý với nhiệt độ thích hợp để tạo nên sản phẩm tương tự chỉ trong vòng 1 tuần.

"Nếu bạn lộn ngược tháp Eiffel lại và dùng toàn bộ sức nặng nén lên đỉnh tháp thì đấy chính là độ lớn áp suất cần có để tạo nên những viên kim cương. Suy cho cùng chúng cũng chỉ là những viên đá quý bằng carbon", anh Jatson nói.

Theo ước tính của Morgan Stanley, công nghệ này tạo ra được những viên kim cương có chất lượng tương đương nhưng rẻ hơn rất nhiều so với những sản phẩm tự nhiên. Dẫu vậy để có thể sản xuất đại trà cho thương mại, sản phẩm dùng công nghệ này chỉ có thể rẻ hơn 30% so với kim cương thông thường.

Kim cương trồng nhân tạo: Rẻ hơn 30% so với thông thường, đến chuyên gia cũng không tìm ra điểm khác biệt - Ảnh 2.

Một thiết bị nén kim cương nhân tạo

Theo Viện kim cương quốc tế (IGI), chất lượng của những viên kim cương nhân tạo tương đương với kim cương tự nhiên, từ màu sắc, độ sáng, kích cỡ cho đến vết cắt.

Tuy nhiên, điều khiến kim cương nhân tạo kiểu này thu hút khách hàng là nguồn gốc của sản phẩm. Doanh số của hãng Ada đã tăng 100% trong vòng 2 năm qua và công ty này cho biết cũng giống như việc người tiêu dùng ưa chuộng thực phẩm sạch, họ cũng mong muốn viên kim cương mà mình mua không xuất phát từ những mỏ bóc lột sức lao động trẻ em ở Châu Phi.

Câu chuyện độc quyền kim cương

Để kiểm chứng, hãng tin CNBC đã lấy một chiếc nhẫn gắn kim cương nhân tạo giá 4.000 USD của Ada đi đánh giá. Theo hãng Rapaport, một chiếc nhẫn kim cương tự nhiên giống vậy sẽ được bán với giá hơn 5.000 USD tại các cửa hiệu, tuy nhiên giá thu mua tại các cửa hàng sẽ rẻ hơn do cần đảm bảo lợi nhuận.

Đúng như dự đoán, chiếc nhẫn mà CNBC đem đi bán được định giá lần lượt 3.000 USD và 3.800 USD tại các cửa hiệu. Điều thú vị là không có một cửa hàng nào nhận ra đây là kim cương nhân tạo, thậm chí cửa hiệu định giá 3.800 USD còn khuyên CNBC nên thay chiếc nhẫn bằng kim cương nhân tạo.

Kim cương trồng nhân tạo: Rẻ hơn 30% so với thông thường, đến chuyên gia cũng không tìm ra điểm khác biệt - Ảnh 3.

Viên kim cương 4.000 USD của Ada

Tuy nhiên, ngoại trừ lo sợ nguồn gốc không trong sạch, tại sao kim cương nhân tạo chỉ rẻ hơn 30% lại có thể phá hủy cả ngành kim cương tự nhiên?

Tất cả mọi chuyện bắt đầu từ thập niên 1930 khi De Beers thực hiện chiến dịch quảng bá kim cương của mình. Thời kỳ đó, kim cương vẫn chưa phải là biểu tượng của tình yêu và việc kết hôn không nhất thiết phải đi kèm với mặt hàng xa xỉ này.

Thế rồi chiến dịch quảng bá kim cương biểu tượng cho tình yêu vĩnh cửu của De Beers xuất hiện thành công thu hút được người tiêu dùng Mỹ, khiến mặt hàng này hút khách hơn bao giờ hết cho đến tận thập niên 1950 khi hãng này nhận ra kim cương sẽ mất giá với tình trạng khai thác như hiện tại.

Ngay lập tức, De Beers đã hợp tác với các nhà cung cấp kim cương khác để khống chế thị trường cũng như giữ giá kim cương. Khẩu hiệu "Kim cương bất tử" được De Beers tiếp tục phổ biến thành công đến nỗi tổng doanh số của hãng đã đạt 2,1 nghìn tỷ USD vào năm 1979, cao hơn nhiều so với mức 23 triệu USD năm 1939.

Tuy nhiên, thứ mà De Beers bán không chỉ là kim cương bởi dù quý hiếm đến đâu, lượng khai thác lớn cùng như cầu hữu hạn cũng sẽ khiến sản phẩm này mất giá. Điều khiến kim cương luôn giữ được vị thế là thông điệp "tình yêu bất tử" do các hãng bán hàng quảng bá đi kèm với việc kiểm soát giữ giá thị trường.

Bởi vậy, khi kim cương nhân tạo được làm ra với giá rẻ hơn 30% cùng nguồn gốc trong sạch, kim cương tự nhiên hoàn toàn mất ưu thế bởi chúng không còn giá trị gì độc hữu. Ước tính của Morgan Stanley cho thấy kim cương nhân tạo dù mới chỉ chiếm 1% tổng doanh số kim cương toàn cầu nhưng chúng sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Quảng cáo kim cương bất tử của De Beers

AB

Cùng chuyên mục
XEM