Kịch bản đầy khát vọng của World Bank: Năm 2035, nông dân Việt Nam sẽ thành trung lưu, nông nghiệp đóng góp đến 1/5 GDP
Nông nghiệp Việt đang đứng giữa ngã ba đường. Theo kịch bản đầy khát vọng của Ngân hàng Thế giới, nếu đi đúng hướng, đến năm 2035, nông dân Việt Nam sẽ là tầng lớp trung lưu. Nông nghiệp Việt sẽ đóng góp 20% GDP, và Việt Nam lọt Top 20 nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới…
Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 với nội dung Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố sáng nay đã thể hiện bức tranh khát vọng, mong muốn của nông nghiệp Việt Nam đến năm 2035.
Trong báo cáo, các chuyên gia đều chung nhận định: Nông nghiệp Việt Nam đang đứng ở ngã ba đường, không chuyển đổi sẽ không còn kịp nữa.
Và một kịch bản nông nghiệp 2035 được phác ra mà nếu đi đúng hướng, nông nghiệp Việt Nam sẽ có một vị thế xứng đáng với kỳ vọng của Chính phủ và người dân.
Theo kinh nghiệm các nước khác và căn cứ vào điều kiện và thành tích đã đạt được tại Việt Nam, ta có thể hình dung một “tổ hợp nông – lương” 15 – 20 năm nữa như sau:
- Đóng góp khoảng 1/5 GDP, trong đó sản xuất sơ cấp chiếm 6 – 8%, tổ hợp công – nông, dịch vụ phân phối và kho vận lương thực và các dịch vụ khác liên quan mật thiết với nông nghiệp chiếm 12 – 14%. Vai trò của nông nghiệp tại một số địa bàn (ví dụ đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên) sẽ quan trọng hơn so với một số khu vực khác.
- Là nguồn sinh kế chính và trực tiếp, mang lại 25 – 30% tổng việc làm cho toàn bộ lực lượng lao động, đảm bảo một mức sống của tầng lớp trung lưu cho những hộ thuần nông và một mức sống cao hơn cho những người kết hợp lao động nông nghiệp với các nguồn thu nhập cao hơn từ các ngành công nghiệp, lao động chuyên môn khác.
- Đáng tin cậy: Nông nghiệp sẽ giữ vai trò chính đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng cho cả nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về thực phẩm và đòi hỏi của người tiêu dùng trong nước về an toàn, chất lượng, giá cả nhờ vào chuỗi giá trị được vận hành tốt, và các hình thức đa dạng về bán lẻ và thói quen ăn uống bên ngoài gia đình.
- “Xanh”: thực hành quản lý nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, quản lý chất thải, năng lượng và các phương pháp khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng đồng thời ngăn ngừa thoái hóa môi trường, qua đó đóng góp một cách tích cực vào dịch vụ sinh thái. Nền nông nghiệp Việt Nam sẽ thực hiện nhiều chức năng, trong đó có cả bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, hỗ trợ du lịch sinh thái…
- Năng lực cạnh tranh cao: Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 20 nước xuất khẩu hàng đầu nông sản dùng làm nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, các mặt hàng tiêu dùng có giá trị trung bình và cao, tận dụng được lợi thế về vị trí, điều kiện sinh thái đa dạng, năng suất cao và các khoản đầu tư giúp Việt Nam chiếm được vị thế cạnh tranh tốt trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, để hiện thực hóa kịch bản này, Chính phủ Việt Nam cần tăng kiến tạo, giảm chỉ đạo. Thị trường có những nguyên tắc riêng để tự chữa lành vết thương. Và những người dân cũng cần khoan dung hơn trước một vài sai sót và các trục trặc thị trường.
Cũng theo ông Tuấn, Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia duy nhất trên thế giới chỉ mất 10 năm chuyển đổi từ giai đoạn Hoàn toàn dựa vào nông nghiệp sang giai đoạn Tiền chuyển đổi, và cũng chỉ mất 10 năm từ giai đoạn Tiền chuyển đổi sang Chuyển đổi. Nước còn lại là Trung Quốc.
Ngay cả các nước thành công thì để bước qua các giai đoạn này cũng cần đến 20 năm.
Các nước có thể thành công chuyển từ giai đoạn Chuyển đổi sang giai đoạn Đô thị hóa như Hàn Quốc không nhiều. Theo thống kê, trong 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 300 năm qua chỉ có hơn 40 nước vượt qua được giai đoạn này, còn phần lớn là vẫn bế tắc và nằm yên.
Philippines là một ví dụ. Quốc gia này đã tắc trong giai đoạn Chuyển đổi từ những năm 1970s đến giờ mà không thể nào vượt qua được để chuyển sang giai đoạn Đô thị hóa.