DN sản xuất chất độc màu da cam vừa sáp nhập với cha đẻ aspirin trong thương vụ M&A 'đáng sợ' nhất lịch sử ngành nông nghiệp

15/09/2016 11:30 AM | Kinh doanh

Monsanto - nhà sản xuất chất độc màu da cam và Bayer - công ty sản xuất aspirin vừa đồng ý sáp nhập trong một thương vụ trị giá 66 tỉ USD.

Ngày hôm qua, hai gã khổng lồ trong ngành nông nghiệp và hóa chất gồm Monsanto của Mỹ và Bayer của Đức đã đồng ý sáp nhập trong một thương vụ trị giá tới 66 tỉ USD.

Nếu hoàn tất, đây sẽ là thương vụ lớn nhất trong năm và sẽ tạo thành nhà cung cấp hạt giống và chất hóa học dùng trong nông nghiệp lớn nhất thế giới với doanh thu gộp lên tới 26 tỉ USD mỗi năm.

Sự kết hợp giữa Monsanto và Bayer mang một ý nghĩa đặc biệt bởi truyền thống lịch sử lâu đời của hai công ty lâu nay vốn định hình nên những thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày, những loại thuốc chúng ta uống và cách nông dân trồng cấy.

Bayer - Cha đẻ của aspirin

Bayer được tạo nên bởi 2 người bạn thân với ý tưởng ban đầu sản xuất thuốc nhuộm từ hắc ín vào năm 1863. Đến năm 1896, nó trở thành công ty sản xuất thuốc và hóa chất nổi tiếng khi tuyên bố sử dụng heroin như một loại thuốc điều trị ho và sau đó vào năm 1899 aspirin - loại thuốc giảm đau, kháng viêm được sử dụng phổ biến ngày nay ra đời.

Hiện nay Bayer có trụ sở tại Leverkusen, Đức, chuyên sản xuất thuốc và có một chi nhánh sản xuất thuốc diệt cỏ và trừ sâu. Mục tiêu của Bayer là trở thành công ty thống trị thị trường dược phẩm và hóa chất cho cả người, cây trồng và vật nuôi.

Monsanto - Nhà sản xuất chất độc màu da cam

Trong khi đó, Monsanto được thành lập năm 1901, khởi nguồn là công ty sản xuất chất phụ gia thực phẩm trước khi mở rộng sang ngành công nghiệp hóa chất, dược phẩm và sản phẩm nông nghiệp như hiện tại.

Công ty này nổi tiếng sản xuất những loại hóa học cực độc và gây tranh cãi như polychlorinated biphenyls mà hiện nay đã bị cấm hay loại chất độc màu da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam.

Công ty này bán loại thuốc diệt cỏ Roundup nổi tiếng vào những năm 1970 và bắt đầu phát triển hạt giống đậu và bắp biến đổi gen vào năm 1980. Đến năm 2000, một tập đoàn Monsanto mới được hình thành sau hàng loạt thương vụ sáp nhập.

Thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto:

Monsanto gần đây cố gắng định vị họ như một cửa hàng hóa chất và hạt giống hàng đầu dành cho nông dân. Monsanto đang cố gắng sử dụng thông tin trực tiếp từ các cánh đồng để tìm ra chính xác khi nào và ở đâu những người nông dân nên sử dụng chất hóa học cho cây trồng để có được năng suất tốt nhất.

Monsanto không phải là công ty duy nhất có ý tưởng này. Tháng 12 năm ngoái, Dow Chemical và DuPont nói rằng họ cũng sẽ sáp nhập sau khi chia thành 3 mảng kinh doanh – một trong số đó sẽ cung cấp hạt giống biến đổi gen và hóa chất. Một vài tháng sau đó, China National Chemical cũng tuyên bố sẽ mua lại Syngenta - công ty sản xuất thuốc trừ sâu lớn nhất thế giới.

Liệu thỏa thuận này có hoàn tất?

Nếu hoàn tất, việc sáp nhập Monsanto và Bayer sẽ trở thành thương vụ lớn nhất trong lịch sử ngành nông nghiệp thế giới. Tuy nhiên, trước mắt nó đang gặp phải một vài trở ngại.

Đầu tiên là luật chống độc quyền. Việc hợp nhất Bayer và Monsanto sẽ tạo ra một công ty lớn nhất trong một ngành công nghiệp với chỉ 3 công ty khổng lồ đang hoạt động.

Thêm nữa, thỏa thuận sẽ đặc biệt gặp khó khăn tại Đức – nơi mà phần lớn người dân đều băn khoăn về mức độ ăn toàn của việc ăn và trồng những loại thực phẩm biến đổi gen (GMO).

Cuối cùng, Monsanto vốn lâu nay không có được cái nhìn thiện cảm tại Đức và thuốc trừ sâu của họ được cho là nguyên nhân dẫn tới cái chết của rất nhiều loại bướm tại Bắc Mỹ.

Tương lai ngành nông nghiệp sẽ ra sao?

Việc thống trị của Monsano trong lĩnh vực giống cây trồng và sức mạnh của Bayer trong ngành hóa chất nông nghiệp có nghĩa là toàn bộ hóa chất sử dụng trong nông nghiệp và hạt giống biến đổi gen mà nông dân cần sẽ phụ thuộc vào chỉ 1 công ty sau khi sáp nhập.

Ngoài ra, hiện Monsanto còn đang đầu tư mạnh cho lĩnh vực nông nghiệp chính xác để giúp nông dân tìm ra chính xác bao nhiêu phân bón hoặc hạt giống nên sử dụng. Cả 2 công ty đều khẳng định, việc này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu sữa và thịt đang ngày một tăng trên thế giới.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM