Kĩ năng tự có, không cần “training”: Bốc hơi, bùng làm, nhảy việc... Người trẻ ơi, bao giờ mới chịu trưởng thành?

18/01/2019 11:15 AM | Sống

Đi xin việc thì thề non hẹn biển, khi nghỉ việc lại chẳng buồn nói một lời. Người trẻ ơi, sao lại thiếu chuyên nghiệp như vậy?

(1)

Lòng trung thành với một đơn vị, tổ chức là một thứ gì đó khá xa xỉ trong xã hội hiện đại. Thời buổi hiện nay, việc tuyển dụng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, nhân viên "săn đầu người" không gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận những người đang có nhu cầu tìm việc. Ở chiều ngược lại, chỉ bằng vài cú click chuột, những người đang có nhu cầu tìm việc cũng dễ dàng tìm thấy những vị trí hấp dẫn với những chính sách đãi ngộ rất ổn đến từ công ty tuyển dụng. 

Chính vì vậy, khi cảm thấy không thoả mãn với công việc hiện tại, hoặc khi thấy nơi khác có chế độ lương thưởng hấp dẫn hơn, nhiều bạn sẵn sàng "nhảy việc", mục đích là để hưởng mức thu nhập xứng đáng, phù hợp với mình hơn. Khi đã hạ cánh an toàn ở nơi làm việc mới, họ sẵn lòng dứt áo ra đi, thậm chí dội cho tập thể ban lãnh đạo công ty những lời giã từ tựa như những gáo nước lạnh.

Các bạn trẻ thời buổi hiện nay đầy cá tính, năng động. Họ khát khao kiếm tiền ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường. Những bản CV có nội dung song ngữ bóng bẩy, trang trí kì công và rải tới bất kì công ty nào bắt gặp trên mạng. Họ suy nghĩ đơn giản, mình rải đơn như vậy, nếu đỗ công ty nào thì thử làm một thời gian, sau đó lọc ra công ty phù hợp nhất. Suy nghĩ này đã châm ngòi cho rất nhiều tình huống dở khóc, dở cười, điển hình là trường hợp sáng ứng viên nhận thông báo trúng tuyển, chiều nhắn tin xin lỗi nhà tuyển dụng vì đã tìm được một nơi khác phù hợp hơn…

Tôi cũng từng là "nạn nhân" của những thông báo nghỉ việc chóng vánh của không ít bạn trẻ. Cậu sinh viên mới ra trường này về làm việc ở công ty tôi. Rất sáng dạ, có triển vọng, dần được giao các nhiệm vụ quan trọng của công ty. Đùng một cái, vào một buổi sáng đẹp trời, cậu nhắn tin cho tôi xin nghỉ vì "việc gia đình". Ngặt một nỗi, vào thời điểm đó, công ty đang tổ chức một sự kiện cần kíp, và cậu là người nắm đầu việc. Sự biến mất bất ngờ của cậu đã làm toàn bộ thành viên trong công ty một phen "hết hồn chim én". Và tất cả những gì cậu làm để đền đáp, đáng buồn không phải là bàn giao công việc cho ai, mà chỉ rối rít xin lỗi vì cậu bị vướng "việc gia đình".

Dĩ nhiên với màn ảo thuật "bốc hơi" của mình, hình tượng tốt đẹp cậu gây dựng những ngày đi làm sụp đổ hoàn toàn. Cậu trở thành một "hình mẫu" tiêu biểu để công ty tôi lấy ra giáo huấn và răn đe những thực tập sinh mới. 

Bẵng đi một thời gian, tôi hay tin cậu đang chật vật kiếm việc làm. Mặc dù những câu trả lời phỏng vấn của cậu rất mẫu mực, nhưng cậu vẫn lọt danh sách đen trong mắt những người tuyển dụng, nguyên nhân là do cậu đã nhảy việc quá nhiều trong thời gian quá ngắn.

Đi xin việc thì thề non hẹn biển, khi nghỉ việc lại chẳng buồn kiếm một lời tử tế để nói với nhau. Người trẻ ơi, sao lại thiếu chuyên nghiệp như vậy?

Kĩ năng tự có, không cần “training”: Bốc hơi, bùng làm, nhảy việc... Người trẻ ơi, bao giờ mới chịu trưởng thành? - Ảnh 1.

(2)

Trong quy chế của hầu hết công ty, nhân viên muốn xin nghỉ phải thông báo trước ít nhất một tháng. Nhưng thực tế, nhiều người "đánh tiếng" xin nghỉ rất đường đột, và quyết định không đến công ty cũng bất ngờ không kém, làm bộ phận nhân sự choáng váng xoay sở. Thậm chí, nhiều người chọn "điểm rơi nghỉ việc" đúng vào lúc công ty đang bận rộn nhất, để sự ra đi của mình thêm phần long trọng và ý nghĩa.

Một văn hoá nhiều người trẻ vẫn chưa nắm được, đó là thông báo nghỉ việc từ sớm và bàn giao công việc cho người khác trước khi rời đi. Họ vẫn luôn ý thức công việc của mình là công việc nhỏ, nên sự ra đi của mình không cần phải báo trước làm gì, mình thích thì mình nghỉ thôi. Và đây là một sai lầm nghiêm trọng, làm xấu xí lai lịch vốn đang rất sạch đẹp của họ. 

Trong trường hợp bạn đang làm việc ở chỗ này nhưng quyết định đi phỏng vấn xin việc ở nơi khác, hãy đề xuất thời gian phỏng vấn và thời gian có thể nhận công việc hợp lí. Làm được như vậy, bạn sẽ được nhà tuyển dụng công ty mới và ban lãnh đạo công ty cũ đánh giá cao.

Khi đi phỏng vấn xin việc, bạn trả lời phỏng vấn bằng tất cả sự nhiệt huyết và tận tâm của bạn. Đến lúc nhận việc, bạn vui mừng khôn xiết, cảm ơn toàn thể ban lãnh đạo công ty. Quyết định nghỉ việc, bạn cũng nên dành một lời biết ơn chân thành đến những người đã trao cho mình cơ hội để phát triển. 

Nếu bạn nhận thấy đã đến lúc để mình rời đi, hãy cố sắp xếp một buổi để gửi lời tri ân đến ban lãnh đạo và bộ phận tuyển dụng của công ty, trình bày thật khéo léo nguyên nhân dẫn tới quyết định nghỉ việc của mình. 

Lời nói chẳng mất tiền mua, đừng tiếc những lời có cánh để dành tặng cho công ty cũ của mình. Khi làm việc ở công ty mới, tuyệt đối đừng bôi tro trát trấu vào công ty cũ, hãy luôn dành cho nơi ấy một sự tôn trọng xứng đáng, bởi dù tốt dù xấu, công ty cũ cũng đã giúp bạn trưởng thành hơn.

Để đảm bảo quyền lợi của bạn, khi nghỉ việc hãy soạn một đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động có chữ kí của hai bên. Để rèn cho mình phong thái chuyên nghiệp, hãy làm việc thật trách nhiệm cho đến ngày cuối cùng. Đừng vì chắc chắn nắm được một cơ hội tốt hơn, mà để tinh thần làm việc trở nên hời hợt, thiếu chuyên nghiệp những ngày cuối cùng. 

Hãy để lại ấn tượng tốt đẹp nơi những người đồng nghiệp cũ của bạn, bởi Trái Đất tròn lắm, chúng ta đâu biết được liệu sau này công việc của mình có cần đến sự trợ giúp của họ hay không.

Kĩ năng tự có, không cần “training”: Bốc hơi, bùng làm, nhảy việc... Người trẻ ơi, bao giờ mới chịu trưởng thành? - Ảnh 2.

(3)

Trong các buổi phỏng vấn, khi nhà tuyển dụng hỏi về lí do xin nghỉ việc ở công ty cũ, nhiều ứng viên không ngần ngại mà trả lời: "Vì công việc ấy không phù hợp với tôi..."

Những câu trả lời như vậy đã tạo nên một cái hố rất to để chôn vùi cơ hội nghề nghiệp của họ sau này. Nhà tuyển dụng có thể nghĩ thầm: "Nếu công việc cũ không phù hợp, vậy lấy gì để đảm bảo công việc mới này sẽ phù hợp với những người này?"

Nhảy việc liên tục không hẳn là điều xấu, bởi các công việc ở những vị trí mới sẽ cho bạn sự dạn dày về kinh nghiệm. Tuy nhiên, đừng nhảy việc quá nhiều trong một thời gian quá ngắn, bởi khi làm như vậy, bạn sẽ không thể tập trung nâng cao năng lực chuyên môn của mình ở bất kì ngành nghề nào cụ thể. Bạn sẽ nhanh chóng phải gánh chịu hậu quả không ngờ từ sự "biết tất cả mọi thứ, nhưng thực chất lại không biết gì"

Tuổi trẻ đừng ngại ngần thử nghiệm. Bạn không nhất thiết phải bó hẹp mình trong một công việc sau khi kết thúc quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Hãy thử thách bản thân, tìm cho mình một công việc mình thực sự yêu thích, và cố gắng rèn luyện năng lực trong tương lai dựa trên 6 nguyên tắc sau:

1. Đừng vội vã nghỉ việc chỉ vì một chút vấn đề nhỏ tại công ty.

2. Nhanh chóng thôi việc khi không nhìn thấy cơ hội thăng tiến.

3. Luôn dành cho đồng nghiệp cũ sự yêu mến, tôn trọng.

4. Đừng liệt kê hết tất cả những công việc bạn đã từng làm, chỉ gạch đầu dòng những công việc thật sự xứng đáng và yêu cầu những năng lực phù hợp với vị trí công việc đang ứng tuyển.

5. Học hỏi kinh nghiệm từ những bộ phận phòng ban khác. Biết đâu bạn sẽ thấy lĩnh vực mình thực sự yêu thích.

6. Khi chưa có công việc mới, đừng vội vã nghỉ việc. Thay vì ở nhà và không làm gì cả, hãy tiếp tục bồi bổ và rèn giũa năng lực của mình, sẵn sàng nắm bắt cơ hội khi nó đến.

Nhảy việc là một thuật ngữ gắn liền với giới trẻ thời buổi hiện nay. Lòng trung thành với một đơn vị là một thứ gì đó mang nét hoài niệm và thuộc về phạm trù quá khứ. Tuy nhiên, trước khi nói lời chia tay, hãy nghĩ về lí do tại sao mình bắt đầu.

Đình Trọng

Cùng chuyên mục
XEM