Khủng bố tại Pháp, đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ đang là tin mừng với những công ty này
Các công ty vũ khí và những nhà thầu quốc phòng đang khá vui mừng trước tình hình biến động của thế giới hiện nay. Đối với họ, khủng bố, bạo lực, chiến tranh, xung đột và mất an toàn là những tín hiệu tốt cho doanh số.
Ngày 19/7 vừa qua, nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới Lockheed Martin thông báo lợi nhuận của họ đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay và dự đoán tình hình thậm chí sẽ còn khả quan hơn từ nay đến cuối năm 2016 do nhiều nước tăng cường chi tiêu cho quốc phòng.
Ngay sau thông báo trên, cổ phiếu của Lockheed Martin đã tăng thêm 2% và đạt mức giá kỷ lục mới trong lịch sử. Như vậy từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của nhà sản xuất vũ khí này đã tăng 20%. Cổ phiếu của những nhà sản xuất vũ khí khác như Northrop Grumman và Raytheon cũng tăng mạnh lên mức kỷ lục và tiếp tục trở thành tâm điểm của thị trường chứng khoán thời gian qua.
Rõ ràng, ngành vũ khí đang là hướng kinh doanh béo bở trong thời gian gần đây trước tình hình biến động trên toàn cầu. Rất nhiều cuộc chiến trên thế giới hiện nay cần những loại vũ khí tinh vi như tên lửa HellFire hay máy bay chiến đấu F35 của Lockheed. Nhiều quốc gia cũng tăng cường mua sắm trang bị của các nhà thầu Mỹ trước tình hình biến động địa chính trị tại nhiều khu vực.
Thêm vào đó, hầu hết các chuyên gia đều kỳ vọng chi tiêu cho quốc phòng sẽ gia tăng bất kể là ứng cử viên Hillary Clinton hay Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.
Báo cáo mới nhất của Lockheed cho thấy lợi nhuận đã tăng 13% và dễ dàng vượt qua mức tăng trưởng lợi nhuận dự đoán trước đó từ các chuyên gia Phố Wall. Ngoài ra, việc Lockheed mua lại Sikorsky (công ty sản xuất trực thăng chiến đấu Black Hawk nổi tiếng và trực thăng Marine One cho tổng thống) với giá 9 tỷ USD cũng khiến giá cổ phiếu đi lên.
Giá cổ phiếu của Lockheed Martin (USD)
Những dự đoán về kết quả kinh doanh trong năm nay với Lockheed và nhiều công ty vũ khí khác là rất lạc quan khi hàng loạt những vụ khủng bố đã diễn ra tại Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi tổ chức khủng bố IS vẫn chưa được tiêu diệt hoàn toàn. Thêm vào đó, những bất ổn chính trị tại Trung Đông, vùng Biển Đông và khu vực bán đảo Triều Tiên cũng làm gia tăng cơ hội kinh doanh cho các hãng trên.
Theo một số chuyên gia, khả năng Mỹ cùng nhiều đồng minh tại Châu Âu, Trung Đông và một số khu vực khác tăng cường quân bị cũng sẽ thúc đẩy nhà đầu tư đổ tiền vào cổ phiếu của Lockheed. Hiện nhà sản xuất này đang chiếm 1/5 doanh số bán vũ khí ngoài Mỹ và mới đây đã ký được một số hợp đồng cung cấp vũ khí béo bở.
Ví dụ tháng 5/2016, Mỹ đã cho phép công ty này bán hệ thống tên lửa HellFire cũng như các dịch vụ hậu cần, huấn luyện khác cho Các tiêu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) với tổng giá trị 475 triệu USD. Hãng Lockheed cũng thắng thầu hợp đồng cung cấp thiết bị và bảo dưỡng máy bay F16 cho Oman với tổng giá trị 260 triệu USD.
Việc Tòa án quốc tế ra phán quyết về Biển Đông cũng khiến nhiều chuyên gia dự đoán một số nước đồng minh với Mỹ ở Châu Á sẽ tăng cường mua sắm quân sự. Hiện Nhật Bản đang là khách hàng lớn thứ 2 của Lockheed ở thị trường này.
Bên cạnh đó, việc Triều Tiên mới bắn 3 quả tên lửa tại bờ tây của bán đảo đã khiến quân đội Hàn Quốc nâng mức báo động an ninh. Vụ việc này diễn ra ngay sau khi Hàn Quôc tuyên bố triển khai hệ thống tên lửa THAAD của Lockheed tại phía đông nam thủ đô Seoul.
Tại thị trường Mỹ, ngành công nghiệp vũ khí có vẻ chẳng chịu ảnh hưởng mấy từ cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Hiện cả bà Clinton lân ông Trump đều có quan điểm cứng rắn về chính sách ngoại giao và muốn duy trì sức mạnh của quân đội. Thậm chí tỷ phú Trump còn đề xuất nhiều kế hoạch điên rồ về việc tiêu diệt tổ chức khủng bố IS.
Không chịu kém cạnh với Mỹ, nhiều quốc gia sản xuất vũ khí khác cũng đang cố gắng bắt kịp với tình hình biến động hiện nay trên toàn cầu. Cả Trung Quốc và Nga hiện đang phát triển loại máy bay chiến đấu chiến lược thế hệ thứ 5 nhằm cạnh tranh với các dòng máy bay của Mỹ, đặc biệt là loại F22 Raptor của Lockheed.