Không thoát khỏi xu thế chung: Những thương hiệu mang tính biểu tượng của Anh cũng đang bị thương mại điện tử nuốt chửng!

29/01/2021 09:08 AM | Kinh doanh

Các nhà bán lẻ thời trang trực tuyến Boohoo Group Plc và Asos Plc đang tìm cách giải cứu những thương hiệu bán lẻ trụ cột nhưng đang trong tình trạng “ốm yếu” của Vương quốc Anh như Debenhams và Topshop.

Hôm thứ Hai, Boohoo cho biết họ đang mua lại thương hiệu Debenhams với giá 55 triệu bảng Anh (75 triệu USD). Về phần mình, Asos cho hay họ cũng trong quá trình đàm phán để mua thương hiệu Topshop và các nhãn hàng khác.

Mặc dù các nhà bán lẻ trực tuyến đang tìm cách hồi sinh những ngưởi ủng hộ trung thành lâu năm của các trung tâm mua sắm ở đất nước này, nhưng các thương hiệu như Debenhams 240 năm tuổi có thể chỉ tồn tại trên web, đồng nghĩa với việc vị trí của hàng nghìn nhân viên bị đe dọa sau khi ngành bán lẻ của Vương quốc Anh sa thải hơn 100.000 việc làm vào năm ngoái.

Boohoo đã tăng trưởng 5,7% ở London, trong khi Asos tăng 3,5%.

Ngoài Debenhams, Boohoo cho biết họ sẽ mua lại Manta Ray và Principles. Giá mua khiêm tốn phản ánh thực tế là Boohoo sẽ không mua bất kỳ hàng tồn kho nào của Debenhams hay giữ lại 124 cửa hàng của nhà bán lẻ này. Khi đợt phong tỏa hiện tại của Vương quốc Anh kết thúc, họ sẽ chỉ mở cửa trở lại đủ lâu để bán số lượng hàng hóa còn lại trước khi đóng cửa trở lại.

Thỏa thuận phút cuối

Cú lội ngược dòng vào phút chót của Boohoo phản ánh mong muốn mở rộng các dịch vụ trực tuyến của nhà bán lẻ đang phát triển nhanh chóng này, ngoài lượng khách hàng chính là các cô gái tuổi teen và tuổi đôi mươi. Debenhams, với 12.000 nhân viên, chủ yếu làm việc tại các cửa hàng, là một trong những thương hiệu bán lẻ nổi tiếng nhất của Anh.

Chuỗi cửa hàng bách hóa này đã gặp khó khăn trong thời gian gần đây, khi giá thuê nhà và thuế bất động sản quá cao. Sự cạnh tranh khốc liệt từ thương mại điện tử ở Vương quốc Anh đã khiến người tiêu dùng đến các cửa hàng ít thường xuyên hơn, và đại dịch càng đẩy nhanh xu hướng này. Debenhams bắt đầu rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán vào tháng 12 năm ngoái và hiện đang trong quá trình thanh lý.

Trong khi đó, Boohoo đã mua lại Karen Millen và Oasis vì cả hai thương hiệu này không có khả năng thanh toán vào năm 2019.

Mặc dù Debenhams đã yếu đi trong nhiều năm qua, nhưng doanh nghiệp này vẫn đang giữ một thị phần lớn trên thị trường làm đẹp và trang web của họ thu hút hơn 300 triệu lượt truy cập mỗi năm, khiến nó trở thành một trong 10 địa chỉ bán lẻ trực tuyến hàng đầu ở Anh.

"Đây có vẻ là một thương vụ mua lại hợp lý. Nó cho phép Boohoo thâm nhập vào các thị trường có liên quan như làm đẹp, thể thao và đồ gia dụng - đồng thời củng cố thị phần của họ trong lĩnh vực quần áo dành cho nữ giới và nam giới", Greg Lawless, một nhà phân tích bán lẻ tại Shore Capital, nói.

Đàm phán mua lại Topshop

Asos đã xác nhận các cuộc đàm phán mua lại Topshop và một số thương hiệu Arcadia khác sau khi Sky News đưa tin rằng họ là người tiên phong trong việc mua những tài sản đó từ công ty bị vỡ nợ này. Theo bản tin, mức giá hơn 250 triệu bảng Anh (343 triệu USD) đang được thảo luận.

Theo một tuyên bố, các cuộc đàm phán cũng có mặt những thương hiệu Topman, Miss Selfridge và HIIT, dù không nêu rõ một giao dịch có bao gồm bất kỳ cửa hàng nào hay không.

Asos muốn mở rộng cơ sở khách hàng của mình và có một doanh nghiệp mạnh ở Mỹ và châu Âu, nơi mức độ nhận diện thương hiệu của Topshop hiện khá cao. Nhãn hiệu thời trang này đã gặp khó khăn trong những năm gần đây kể từ khi đế chế vững chắc một thời của Philip Green sụp đổ sau thương vụ bán đi cửa hàng bách hóa BHS của mình vào năm 2015 và khi tình trạng phong tỏa khiến doanh số sụt giảm nghiêm trọng.

Nhà bán lẻ thời trang Next Plc và một loạt công ty mua lại tiềm năng khác trước đây được cho là có quan tâm đến Topshop.

Asos cho biết bất kỳ thương vụ nào cũng sẽ được trả bằng tiền mặt. Tuy nhiên, không có gì chắc chắn là sẽ có giao dịch xảy ra, họ nói thêm.

Các nhà phân tích tại Berenberg cho biết động thái mua lại những thương hiệu Topshop, Topman và Miss Selfridge của Asos có "ý nghĩa chiến lược tốt" vì những cái tên vừa kể là khá nổi tiếng đối với các khách hàng mục tiêu của nhà bán lẻ này và "phù hợp một cách tự nhiên" với phần còn lại của doanh nghiệp.

Lê Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM