Không thể tích hợp trừ tiền vào tài khoản ngân hàng khi thu phí không dừng, vì sao?

29/07/2022 19:01 PM | Kinh doanh

Đại diện các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng lý giải nguyên nhân không tích hợp trừ tiền thu phí vào tài khoản ngân hàng của chủ phương tiện khi triển khai thu phí không dừng từ ngày 1/8/2022.

Từ ngày 1/8, tất cả các tuyến cao tốc trên toàn quốc sẽ triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC - Electronic Toll Collection). Đây là hình thức thu phí áp dụng công nghệ tự động nhận diện phương tiện di chuyển qua và trừ tiền vào tài khoản giao thông. Vì thế, chủ phương tiện khi đi qua làn ETC không cần dừng xe lại trả tiền mà vẫn có thể đi qua trạm thu phí.

Chiều 29/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Thu phí không dừng: Quyền lợi và trách nhiệm". Tại toạ đàm, trả lời câu hỏi vì sao không thể tích hợp trừ tiền thu phí vào tài khoản ngân hàng của chủ phương tiện, ông Bùi Trình, Tổng Giám đốc Cty cổ phần Giao thông số Việt Nam VDTC cho biết, có hai lý do không thể tích hợp.

 Không thể tích hợp trừ tiền vào tài khoản ngân hàng khi thu phí không dừng, vì sao?  - Ảnh 1.

Ông Bùi Trình (trái) và ông Hồ Trọng Vinh tại toạ đàm. Ảnh: VGP

Theo ông Trình, tốc độ xe qua trạm thu phí phải đạt tối thiểu 30km/h. Trạm sẽ nhận diện xe và gửi lên hệ thống để tính cước. Hệ thống của ngân hàng không đủ tốc độ để xử lý có thể khiến barie đóng mở không đúng thời điểm, có thể gây tai nạn, sự cố.

"Thứ hai, theo quy định, tài khoản giao thông chỉ là tài khoản giao thông chứ không phải là ví điện tử, thành ra, chủ phương tiện phải nạp tiền vào tài khoản giao thông. Với VDTC thì Viettel có ví điện tử Viettel Pay, Viettel Money, chủ phương tiện hoàn toàn có thể kết nối, liên kết trực tiếp sang ví điện tử để lưu thông qua trạm, số tiền dư hoàn toàn có thể dùng sang việc khác", ông Trình nói.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Cty thu phí tự động VETC cho biết, đến nay, tất cả các đơn vị triển khai thu phí không dừng trên toàn quốc, trên thế giới cũng chưa có đơn vị nào triển khai được việc trừ trực tiếp từ tài khoản ngân hàng.

"Thứ nhất về thời gian chỉ có 200mili giây để mở barie. Mà từ lúc ăng ten đọc đầu thẻ cho đến barie mở chỉ có 18 mét nên không đủ thời gian. Như thẻ ATM chúng ta rút tiền cũng mất mấy phút. Thời gian truy cập vào hệ thống ngân hàng không bao giờ đủ bởi có rất nhiều tường lửa của ngân hàng", ông Vinh nói.

Lý do thứ hai, theo ông Vinh, tài khoản ngân hàng là tài khoản bảo mật của cá nhân các chủ phương tiện, không một ngân hàng nào cho phép một đơn vị thứ ba truy cập vào hệ thống của ngân hàng để xử lý lấy tiền của khách hàng.

Ông Vinh cho biết, VETC đã liên thông với rất nhiều ngân hàng, từ tài khoản ngân hàng có thể đặt định mức chuyển sang tài khoản giao thông. Khi hết định mức, theo nguyên tắc bình thông nhau, tiền từ tài khoản ngân hàng sẽ chuyển sang tài khoản giao thông.

"Khách hàng không cần phải nhớ về số dư, về nạp tiền nữa, thuận tiện cho khách hàng. Chúng tôi cũng xây dựng việc chuyển tiền, kết nối với các ngân hàng lớn để đảm bảo 80% số lượng khách hàng tham gia được", ông Vinh nói thêm.

Về câu hỏi có những người một năm chỉ đi một hai lần, số tiền nạp vào tài khoản giao thông có thể rút ra không, ông Vinh cho biết, bản chất tiền khách hàng nạp vào tài khoản giao thông vẫn là tiền của khách hàng chứ không phải là tiền của đơn vị cung cấp dịch vụ. Khách hàng đi qua trạm bị trừ tiền thì lúc đó mới là tiền của nhà cung cấp dịch vụ để thanh toán cho các nhà đầu tư BOT.

"Khách hàng nếu không có nhu cầu sử dụng thì có quyền rút lại phần số dư. Thủ tục thì đơn giản, nhưng khách hàng phải mang căn cước công dân chính chủ đến làm việc trực tiếp", ông Vinh nói thêm.

Theo Trường Phong

Cùng chuyên mục
XEM