Không thể ngăn chặn tham vọng công nghệ của Trung Quốc, dù chiến tranh thương mại có hay không

30/09/2019 15:03 PM | Xã hội

Trung Quốc đang theo sát Mỹ trong một số lĩnh vực công nghệ và có thể sớm qua mặt nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nỗ lực kìm hãm Trung Quốc của Mỹ hiện tại là chưa đủ.

Báo cáo mới đây của tổ chức Hội đồng quan hệ quốc tế (CFR) khẳng định Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách công nghệ với Mỹ. Dù chưa thể bằng Mỹ, nhưng Trung Quốc là một trong các nước đứng đầu về công nghệ như trí tuệ nhân tạo, robot, dự trữ năng lượng, 5G, hệ thống thông tin lượng tử và có thể là cả công nghệ sinh học.

Dấu ấn kỹ thuật số Trung Quốc

Trung Quốc sẽ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 70 năm vào ngày 1/10/2019. Một phần quan trọng trong quá trình phát triển của nước này chính là công nghệ. Nền kinh tế kỹ thuật số chiếm hơn 34% GDP cả nước. Đây cũng là quê hương của một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới, bao gồm Alibaba và Tencent.

Điều đó có được nhờ bùng nổ Internet trong các năm qua. Theo số liệu của Trung tâm thông tin mạng Internet Trung Quốc, số lượng người dùng Internet cuối năm 2008 đạt 298 triệu, chỉ chiếm hơn 22% dân số. Tháng 6/2019, con số này đạt 854 triệu người, chiếm hơn 60%.

Hơn 99% người dùng Internet Trung Quốc truy cập mạng trên thiết bị di động. Tại Mỹ, tỉ lệ là 92%. Tập trung vào di động giúp các công ty nhanh chóng ra mắt sản phẩm trên quy mô lớn.

Trung Quốc trỗi dậy là mối đe dọa với vị trí đầu ngành công nghệ lâu năm của Mỹ. Trước đây, nhắc tới công nghệ Trung Quốc, người ta nghĩ ngay tới hình ảnh cỗ máy photocopy bởi hàng loạt cáo buộc đánh cắp trí tuệ nhân tạo và bắt chước.

Dù đó là điện thoại giống với iPhone, công cụ tìm kiếm hay các công ty thương mại điện tử, tất cả đều bị đem ra so sánh với Apple, Google, Amazon. Tuy nhiên, hình ảnh ấy đang thay đổi.

Rebecca Fannin, tác giả cuốn “Tech Titans of China” (tạm dịch: Các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc), nhận định Silicon Valley nhiều năm coi thường công nghệ Trung Quốc, tin là họ chỉ sao chép của mình. Song, ngày nay Trung Quốc được công nhận tiến bộ và đi đầu trong một số lĩnh vực.

Thậm chí, có dấu hiệu cho thấy một số hãng công nghệ lớn nhất nước Mỹ lại “học tập” đối thủ Trung Quốc. Chẳng hạn, Facebook ra mắt ứng dụng video dạng ngắn Lasso năm 2018 để cạnh tranh với TikTok. TikTok cũng trở thành hiện tượng toàn cầu, vươn tới cả nước Mỹ.

Thương chiến không thể cản bước Trung Quốc

Trong vài năm qua, Bắc Kinh công khai tham vọng phát triển công nghệ quan trọng của tương lai, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và 5G. Ngay trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, năm 2017, Trung Quốc đã không che giấu mong muốn trở thành người dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030. Một số công ty đứng đầu như Alibaba, Huawei, Tencent và Baidu đều đầu tư mạnh mẽ vào AI. Mới đây, Alibaba nối gót Huawei ra chip AI riêng.

Bắc Kinh cũng tuyên bố bán dẫn là lĩnh vực then chốt trong kế hoạch “Made in China 2025”. Đây là sáng kiến của chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất sản phẩm giá trị cao. Trung Quốc muốn sản xuất nhiều con chip hơn.

Trong khi đó, Huawei – nhà sản xuất thiết bị viễn thông số 1 thế giới – đang có nhiều hợp đồng 5G thương mại hơn các đối thủ Nokia và Ericsson. 5G hứa hẹn tốc độ truyền tải siêu nhanh và hỗ trợ các công nghệ mới như xe tự lái.

Vì vậy, công nghệ cũng là một chủ đề “nóng” trong thương chiến Mỹ - Trung. Đặc biệt, Huawei là nạn nhân lớn nhất. Gã khổng lồ Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách Entity List, cấm tiếp cận công nghệ Mỹ. Nhưng nó lại là động lực để Huawei “mài sắc” lưỡi dao, tập trung hơn vào tự sản xuất phần mềm, linh kiện để đáp ứng nhu cầu. Huawei có cả chip riêng và hệ điều hành riêng nhằm giảm lệ thuộc vào Mỹ.

Theo một chuyên gia, phản ứng của Washinton trước Trung Quốc hiện tại chỉ là ngăn chặn, thay vì vượt lên. Adam Segal, một trong các tác giả nghiên cứu của CFR, cho rằng cho đến nay, mọi nỗ lực chỉ để giảm tốc Trung Quốc, ngăn công nghệ quan trọng bay tới Bắc Kinh. Mỹ cần làm nhiều hơn để tăng tốc đổi mới tại quê nhà.

Ông Segal gợi ý Mỹ nên khôi phục quỹ liên bang dành cho nghiên cứu, phát triển như trước đây, đồng nghĩa tăng quỹ từ 0,7% lên 1,1% GDP thường niên, tương đương từ 146 tỷ USD lên 230 tỷ USD.

Fannin cũng đồng tình với một vài bình luận của Segal. Bà cho rằng Mỹ cần “chương trình nghị sự quốc gia” trong các lĩnh vực công nghệ trọng yếu. Cuộc chiến thương mại hiện nay không thể ngăn cản Trung Quốc. “Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm tổn thương cả hai bên. Tham vọng của Trung Quốc không thể bị ngăn chặn, dù có thương chiến hay không”.

Theo Du Lam

Cùng chuyên mục
XEM