Không phải Trung Quốc hay Mexico, đây mới là kẻ thù thực sự của ông Trump
“Nếu bạn ngăn chặn các thỏa thuận thương mại như hiện nay thì một số nhà máy sản xuất sẽ quay trở lại Mỹ nhưng việc làm thì không quay trở lại với người lao động mà sẽ được ưu tiên cho robot”, giáo sư Daron Acemogul của trường đại học MIT cho biết.
Những động thái gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump như hạn chế lao động nhập cư hay rút khỏi hiệp định TPP cho thấy nhà lãnh đạo mới này đang cố gắng bảo vệ người lao động Mỹ khỏi các đối thủ như Trung Quốc và Mexico.
“Các thỏa thuận thương mại tự do là những hiệp định có lợi 1 chiều cho phía đối tác chứ không phải Mỹ, bắt đầu từ thỏa thuận NAFTA với rất nhiều công việc và doanh nghiệp rời bỏ nước Mỹ”, ông Trump cho biết trên trang Twitter.
Tuy nhiên, hãng tin CNN lại có cái nhìn khác khi trích dẫn lời tuyên bố của Cựu tổng thống Barack Obama: “Làn sóng tái cấu trúc lại nền kinh tế không đến từ nước ngoài mà nó đến mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghệ, tự động hóa, qua đó lấy đi rất nhiều công việc của tầng lớp trung lưu.”
Theo hãng tin CNN, số việc làm tại Mỹ mất vì công nghệ tự động hóa nhiều hơn rất nhiều so với nguyên nhân từ thương mại với Trung Quốc, Mexico hay những quốc gia khác.
Hiện số lượng việc làm trong các ngành sản xuất của Mỹ ít hơn 5 triệu công việc so với năm 2000. Nghiên cứu của giáo sư David Autor của trường đại học MIT cho thấy giao thương với Trung Quốc khiến Mỹ mất 985.000 việc làm trong khoảng 1999-2011, còn nghiên cứu của tổ chức chính sách kinh tế EPI cho thấy thương mại với Mexico lấy mất 800.000 việc làm của Mỹ trong khoảng 1997-2013.
Những con số này nhìn có vẻ cao nhưng hãng tin CNN nhấn mạnh rằng tổng số việc làm nước Mỹ tạo mới trong năm 2015 nhiều hơn so với tổng số việc làm bị mất cho thương mại với các nước khác trong những năm trước đó.
Trong khi đó, nghiên cứu của các giáo sư trường đại học Ball State cho thấy trong khoảng 2000-2010, khoảng 87% số việc làm tại Mỹ biến mất là do không còn hiệu quả do sự phát triển của công nghệ tự động hóa và chỉ 13% số việc làm biến mất là do thương mại với các nước khác.
Nói một cách dễ hiểu hơn, ví dụ nước Mỹ ngày nay cần ít lao động để sản xuất 1 chiếc xe hơi hơn so với hồi năm 2000 và đây là nguyên nhân khiến nhiều người mất việc. Bằng chứng rõ ràng nhất là dù các nhà máy sa thải nhiều lao động nhưng tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp Mỹ lại lên mức cao kỷ lục.
Giáo sư kinh tế J. Bradford Jensen của trường đại học Georgetown cho biết: “Bằng chứng trên là dấu hiệu đầu tiên cho thấy việc nước Mỹ mất nhiều việc làm không phải do thương mại với các nước khác. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ mới là nguyên nhân khiến nhu cầu lao động ngày một giảm đi, nó bao gồm tự động hóa, sử dụng nhiều phần mềm hơn, ít phần cứng và nhân lực hơn.”
Vậy tại sao nước Mỹ không tìm cách giải quyết vấn đề công nghệ ảnh hưởng đến lao động mà lại nhàm vào những người nhập cư cũng như thương mại với nước ngoài?
Tổng thống Trump chọn biện pháp đơn giản nhất
Theo giáo sư Jensen, việc chỉ trích những hiệp định thương mại và người lao động nhập cư dễ dàng hơn rất nhiều so với việc nhắm vào sự phát triển của công nghệ. Thậm chí, rất nhiều người dân Mỹ hiện nay vẫn không nhận ra chính công nghệ mới là thủ phạm lấy đi việc làm của họ.
Chính các chuyên gia hiện nay cũng không thể xác định chính xác tự động hóa đã xóa xổ bao nhiêu công việc tại Mỹ bởi chính công nghệ cũng đang tạo ra rất nhiều việc làm cho người dân nước này.
Giáo sư Daron Acemoglu của trường đại học MIT lấy những chiếc máy rút tiền tự động (ATM) làm ví dụ. Mặc dù những chiếc ATM khiến công việc của các giao dịch viên được giảm bớt nhưng rất khó để xác định chúng khiến bao nhiêu nhân viên ngân hàng mất việc. Nguyên nhân rất đơn giản, ngân hàng cũng cần nhân viên vận hành cho những chiếc ATM này và dù các giao dịch viên ít việc hơn thì họ sẽ có những nhiệm vụ khác phải hoàn thành chứ không phải bị sa thải.
Một yếu tố nữa khiến chính quyền Washington cũng như nhiều cử tri Mỹ nhắm vào người nhập cư và thương mại nước ngoài là việc giải quyết khó khăn bằng cách chấm dứt các hiệp định và đuổi lao động nhập cư dễ dàng hơn so với việc đối phó sự phát triển của tự động hóa.
Những người lao động trong các nhà máy sản xuất và nhiều ngành nghề khác sẽ phải nâng cao tay nghề, trình độ nếu muốn chống lại sự phát triển của công nghệ nhưng điều này không hề dễ dàng so với việc đuổi bớt lao động nhập cư cũng như ép các doanh nghiệp quay trở lại sản xuất ở Mỹ.
Một bằng chứng dễ thấy là vào tháng 11/2016, Mỹ có khoảng 324.000 việc làm mới và hầu hết chúng đều yêu cầu lao động có trình độ nhất định.
“Nếu bạn ngăn chặn các thỏa thuận thương mại như hiện nay thì một số nhà máy sản xuất sẽ quay trở lại Mỹ nhưng việc làm thì không quay trở lại với người lao động mà sẽ được ưu tiên cho robot”, giáo sư Acemogul cho biết.