Không phải tiềm lực tài chính, công nghệ mới là ‘vũ khí’ giúp Tencent từ kẻ ‘sao chép’ bị dè bỉu thành công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới

07/05/2019 09:17 AM | Kinh doanh

Thậm chí có thời điểm công ty Trung Quốc này còn vượt mặt Facebook về giá trị vốn hóa để trở thành công ty lớn thứ năm trên thế giới.

Ma Huteng hay Pony Ma là đồng sáng lập và CEO của Tencent. Theo thống kê của Forbes, tính đến ngày 23/1, Pony Ma sở hữu khối tài sản trị giá hơn 37 tỷ USD và là tỷ phú giàu nhất Trung Quốc.

Khởi đầu sự nghiệp với vai trò là lập trình viên của một công ty cung cấp dịch vụ máy nhắn tin điện thoại, Pony Ma đã tích lũy được những kinh nghiệm quý giá để xây dựng ứng dụng QQ và WeChat.

Năm 1998, Pony cùng một số người bạn sáng lập nên Tencent, một công ty nhỏ có trụ sở tại Thâm Quyến. Chỉ 10 năm sau, doanh nghiệp này đã xuất hiện trong danh sách Những công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới của tạp chí Forbes.

Không phải tiềm lực tài chính, công nghệ mới là ‘vũ khí’ giúp Tencent từ kẻ ‘sao chép’ bị dè bỉu thành công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới - Ảnh 1.

Chân dung Pony Ma, người đồng sáng lập và CEO của Tencent.

Nếu xét về số người sử dụng Internet thì Trung Quốc hiện là thị trường kỹ thuật số lớn nhất thế giới. Tuy không quá nổi tiếng tại phương Tây nhưng cuối năm ngoái, Tencent thậm chí đã vượt qua cả Facebook về giá trị vốn hóa và trở thành công ty có trị giá lớn thứ năm trên thế giới.

Khi nhắc đến Tencent, người ta không thể không nhắc tới ứng dụng WeChat đình đám, các tựa game trên di động và hệ sinh thái hơn 1 tỷ người dùng trên toàn cầu của họ.

Ra đời tại Trung tâm Nghiên cứu và Dự án của Tencent năm 2010, điểm khởi đầu của WeChat cũng tương tự WhatsApp hay Line: Là một ứng dụng nhắn tin qua Internet.

Tuy nhiên theo thời gian, nó dần tích hợp nhiều tính năng hơn bao gồm trò chuyện, chia sẻ hình ảnh, chơi game, mua sắm, thanh toán điện tử và gọi taxi… trong một giao diện duy nhất. Thậm chí giờ đây người dùng còn có thể đặt lịch hẹn với bác sĩ hay nộp đơn ly hôn trực tuyến qua WeChat. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, WeChat đã vượt trội hơn cả người anh em QQ - ứng dụng nhắn tin có hơn 800 triệu người dùng hoạt động hàng tháng của Tencent.

Không phải tiềm lực tài chính, công nghệ mới là ‘vũ khí’ giúp Tencent từ kẻ ‘sao chép’ bị dè bỉu thành công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới - Ảnh 2.

WeChat và QQ đều là những ứng dụng cực kỳ phổ biến tại Trung Quốc.

Tính đến năm ngoái, WeChat có hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Ứng dụng này chính là yếu tố đặt nền móng cho sự tăng trưởng vượt bậc và biến Tencent thành một trong những công ty có ảnh hưởng nhất tại Trung Quốc đồng thời thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư toàn cầu. Khi WeChat chính thức ra mắt năm 2011, vốn hóa thị trường của tập đoàn đã tăng lên hơn 10 lần.

Năm 2013, giá trị thị trường của Tencent chính thức vượt mốc 100 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên một công ty công nghệ Trung Quốc đạt được thành tích như vậy. Năm 2016, tập đoàn này đã chính thức nằm trong nhóm 10 tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới trong đó có một số đại gia công nghệ như Apple và Alphabet.

Tuy gia nhập thị trường game của Trung Quốc chậm hơn so với các công ty đối thủ nhưng hiện Tencent đã nắm được hơn nửa thị phần trò chơi trực tuyến tại đất nước tỷ dân. Hãng cũng chi hàng tỷ USD để sở hữu hai nhà phát hành game nổi tiếng là Supercell và Los Angeles Riot.

Ngoài ra, công ty của Pony Ma còn mở rộng sang một số lĩnh vực tiềm năng khác. Tencent Video hiện là dịch vụ xem phim trả phí lớn nhất Trung Quốc và được coi là "Netflix của châu Á" với hơn 900 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và hơn 80 triệu người đăng kí.

Ứng dụng nghe nhạc trực tuyến Tencent Music đạt giá trị khoảng 10 tỷ USD trong năm ngoái. Theo thống kê, có tới 2/3 dân số Trung Quốc đang sử dụng dịch vụ của Tencent và họ đã dành tổng cộng 1,7 tỷ giờ mỗi ngày để sử dụng các dịch vụ đó.

Ngoài việc là một trong những công ty cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất thế giới, Tencent còn là một nhà đầu tư lớn đối với các doanh nghiệp trên toàn cầu. Công ty công nghệ Trung Quốc này đã đầu tư hàng tỷ USD vào hơn 400 công ty lớn nhỏ, từ nhà bán lẻ truyền thống đến các hãng ô tô điện.

Tencent sở hữu 12% cổ phần công ty mẹ của Snapchat, 5% cổ phần Tesla và trao đổi cổ phần với ứng dụng nghe nhạc trực tuyến phổ biến nhất thế giới Spotify… Danh mục đầu tư của Tencent lớn gấp đôi so với đối thủ của họ tại Trung Quốc là tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma. Đại diện công ty cho biết hãng sẽ không ngừng đầu tư dù đã thực hiện một thương vụ lớn kỷ lục vào năm ngoái.

Không phải tiềm lực tài chính, công nghệ mới là ‘vũ khí’ giúp Tencent từ kẻ ‘sao chép’ bị dè bỉu thành công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới - Ảnh 3.

Tencent và Alibaba là hai đối thủ cân tài cân sức.

Tham vọng của Tencent là trở thành người dẫn đầu trong bất cứ xu hướng mới nổi nào trên thế giới và đội ngũ đầu tư của họ đang thăm dò nhiều công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau, từ công ty fintech ở Anh cho đến nhà phát triển game của Hàn Quốc.

Có thể nói, ngoài việc tập trung sử dụng công nghệ để phát triển và hoàn thiện sản phẩm, một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của Tencent hay một số tập đoàn lớn khác tại Trung Quốc là sự "tạo điều kiện" của chính phủ với chính sách "cấm cửa" Google, Facebook cùng hàng nghìn trang web khác. Nhờ vậy mà những công ty công nghệ như Tencent có thể thoát khỏi sự cạnh tranh đến từ các đại gia đến từ thung lũng Silicon.

Ít ai biết rằng ban đầu, Tencent cũng chỉ sao chép sản phẩm của công ty khác nhưng dần dần họ đã tùy biến sản phẩm để phục vụ nhu cầu đa dạng của người dùng. Từ một công ty khiêm tốn tại Thâm Quyến vào năm 1998, giờ đây Tencent đã vươn lên trở thành một gã khổng lồ ngang hàng với nhiều "ông lớn" trên thế giới, tất cả là nhờ yếu tố công nghệ và sự nhạy bén với xu hướng kinh doanh trong thời đại mới của các nhà lãnh đạo.

Việt Nam có 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên mọi lĩnh vực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Động lực tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư, … không còn nhiều dư địa trong nền kinh tế số. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, Việt Nam có nền kinh tế hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững, độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cần có động lực tăng trưởng mới có tính đột phá.

Để góp phần phát triển các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019", sẽ diễn ra vào Thứ 5, ngày 9/5/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành thảo luận tại diễn đàn

Sự kiện này sẽ có sự góp mặt của nhiều chính khách, doanh nhân nổi tiếng, đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghệ: ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC; bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast; ông Hùng Trần – Giám đốc Công ty Got It, ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCORP; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch – TGĐ Công ty VNG; ông Lữ Thành Long – Chủ tịch Công ty Misa; GS. Kim Hyun Chul, nguyên cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc; ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright…

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM