Không phải sợ mất việc làm hay thâm hụt thương mại, tụt hậu về công nghệ mới là thứ khiến 'người khổng lồ' Mỹ e dè trước Trung Quốc
Người Mỹ đã nhận ra rằng công nghệ là mảng hiếm hoi còn sót lại khiến họ có lợi thế hơn Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện ngày càng căng thẳng với thứ vũ khí truyền thống: Hàng rào thuế quan. Những mảng sản phẩm chủ lực từ xe hơi đến sắt thép đều chịu ảnh hưởng của cuộc chiến này trong khi những người nông dân, lao động cả 2 nước đang ngóng trông một tương lai tốt đẹp hơn cho cả 2.
Trong khi giới truyền thông dồn sự chú ý vào cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 cuối tuần này thì các chuyên gia lại hướng đến một mặt trận mà nhiều người không để ý: Công nghệ.
Trên thực tế, thứ mà Tổng thống Trump lo ngại nhất không phải là mất việc làm hay thâm hụt thương mại mà là sự đánh cắp công nghệ, cướp mất ngôi vương của Trung Quốc. Trong nhiều thập niên, Mỹ đã là ông hoàng của công nghệ thế giới, từ phát triển trí tuệ nhân tạo đến những thiết bị kỹ thuật cao, đặc biệt là các sản phẩm bán dẫn.
Đối với mảng chip điện tử, Mỹ cũng là quốc gia dẫn đầu nhiều năm nhưng Trung Quốc lại đang vươn lên mạnh mẽ trong ngành này. Đây là nguyên nhân chính khiến Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc ăn cắp sở hữu trí tuệ cũng như kỹ thuật của Mỹ.
Mặt trận không thể thua
Tại Mỹ, ngành công nghệ, đặc biệt là chip điện tử đóng vai trò vô cùng quan trọng cho một nền kinh tế số cũng như an ninh quốc phòng. Một chiếc xe lái tự động cần chip, hệ thống ngân hàng điện tử cần chip, mạng lưới phòng không, tên lửa hay nhiều thiết bị quốc phòng cũng cần chip.
Từ trước đến nay, Mỹ và các đồng minh như Hàn Quốc hay Đài Loan là những ông lớn trong mảng công nghệ bán dẫn và chip điện tử. Trung Quốc dù đã là nền kinh tế thứ 2 thế giới nhưng họ vẫn phải phụ thuộc vào những con chip công nghệ cao khó lòng sao chép. Thậm chí kim ngạch nhập khẩu hàng bán dẫn của Trung Quốc còn cao hơn tổng kim ngạch nhập khẩu dầu mỏ, loại nhiên liệu chiến lược cho nền kinh tế hay quốc phòng.
Trên thế giới hiện nay, danh sách 15 công ty bán dẫn có doanh số cao nhất thế giới không hề có một cái tên Trung Quốc nào, bất chấp đây là thị trường số 1 toàn cầu.
Nhập khẩu chip bán dẫn vượt dầu thô tại Trung Quốc (tỷ USD)
Nhận thức được điều đó, chính quyền Bắc Kinh năm 2014 đã đổ 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (150 tỷ USD) thành lập quỹ đầu tư chuyên về mảng công nghệ bán dẫn. Lĩnh vực này cũng là trọng điểm chú ý của kế hoạch "Made in China 2025" mà Trung Quốc đề ra.
Kế hoạch trên của Trung Quốc được thiết lập kể từ khi người tiền nhiệm Barack Obama của Tổng thống Trump cấm Intel bán một số thiết kế chip của mình cho Trung Quốc vào năm 2015, qua đó khiến chính quyền Bắc Kinh nhận rõ nguy cơ của mình trong mảng công nghệ.
Không riêng gì Mỹ, nhiều công ty của châu Âu, Hàn Quốc hay Đài Loan cũng có những động thái ngăn chặn việc Trung Quốc mua lại những hãng công nghệ cao của họ nhằm bảo vệ lợi thế sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, Trung Quốc buộc các tập đoàn nước ngoài phải có lộ trình chuyển giao công nghệ nếu muốn tiếp cận thị trường số 1 thế giới này.
Hiểu được tầm quan trọng của công nghệ cao, Tổng thống Trump đã cấm xuất khẩu chip và phần mềm cho hãng viễn thông hàng đầu Trung Quốc ZTE, khiến công ty này gần như phá sản chỉ sau vài ngày. Vụ việc chỉ được giải quyết khi Chủ tịch Tập Cận Bình có cuộc điện đàm với Tổng thống Trump.
Người Mỹ đã nhận ra rằng công nghệ là mảng hiếm hoi còn sót lại khiến họ có lợi thế hơn Trung Quốc. Đây là một trong nhưng nguyên nhân chính khiến nước này hạn chế xuất khẩu cho Fujian Jinhua, một tập đoàn công nghệ của Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc là ăn cắp công nghệ. Hiện Nhà Trắng đang mở rộng kiểm soát hơn cho hàng loạt những công nghệ khác mà Mỹ đang bán cho Trung Quốc.
Ở phía bên kia Thái Bình Dương, chính quyền Bắc Kinh cũng nhận ra rằng họ không thể dựa dẫm quá nhiều vào Mỹ nữa. Sau vụ ZTE, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc nói chuyện với những người đứng đầu các tập đoàn công nghệ và Alibaba, Baidu, Huawei… đã đổ hàng đống tiền vào mảng sản xuất chip.
Kể từ đây, hàng loạt vấn đề xuất hiện khi các công ty Phương Tây khó tiếp cận thị trường Trung Quốc hơn nếu không lộ kỹ thuật, trong khi quân đội Mỹ và Châu Âu lại dè chừng dùng chip Trung Quốc sau những báo cáo về bảo mật và khả năng bị hack an ninh mạng.
Tổng giá trị ngành bán dẫn của Trung Quốc (tỷ USD) và tốc độ tăng trưởng hàng năm (%)
Chiến thuật nào cho tương lai
Cuộc chiến giữa 1 bên cố gắng duy trì ngôi vương và bên kia cố bám sát sẽ chưa có hồi kết. Câu hỏi đặt ra là liệu Nhà Trắng có duy trì nổi cuộc chiến hiện nay không khi công nghệ bán dẫn đã ngày càng phổ biến trên thế giới. Bình quân mỗi nhà máy bán dẫn tại Mỹ có khoảng 16.000 hãng cung cấp thiết bị và hơn 50% trong số đó đến từ nước ngoài. Vậy điều gì sẽ đảm bảo công nghệ không bị tiết lộ?
Thêm nữa, Trung Quốc là thị trường số 1 thế giới và là nguồn tiêu thụ chính của nhiều mặt hàng công nghệ cao. Hãng Qualcoom có 2/3 doanh số là ở Trung Quốc và việc ngăn chặn các công ty tiếp xúc với Trung Quốc không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn cho người lao động, người tiêu dùng cũng như nền kinh tế.
Một yếu tố nữa khiến Tổng thống Trump buộc phải tăng sức ép chiến tranh thương mại hiện nay là cho dù có thế nào, Trung Quốc vẫn sẽ phát triển công nghệ. Những động thái hiện nay của Mỹ có thể làm Trung Quốc chậm lại nhưng không ngăn được quốc gia này đầu tư cho công nghệ và đến một ngày, lệnh giới hạn của người Mỹ sẽ mất tác dụng.
Cũng tương tự như Thung lũng Silicon hỗ trợ hình thành nên sức mạnh của kinh tế, quốc phòng Mỹ, chính quyền Bắc Kinh cũng đang đổ tiền để xây các trung tâm công nghệ. Hàng loạt các dự án thu hút nhân tài từ nước ngoài, chủ yếu là từ Đài Loan được hình thành. Những tập đoàn công nghệ lớn như Huawei đã thành công từ bỏ sự phụ thuộc vào Intel để phát triển phần nào công nghệ bán dẫn cho các sản phẩm của mình.
Ngoài ra, sự bùng nổ công nghệ của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm khá nhạy cảm khi con người có những bước tiến đáng kể trong kỹ thuật chip bán dẫn. Hàng thập niên trở lại đây mảng chip bán dẫn đã phát triển đến một giai đoạn bão hòa và chuyển sang những kỹ thuật cũng như vật liệu mới, thời điểm mà Trung Quốc có nhiều cơ hội để đi tắt đón đầu.
Liệu Trung Quốc có giành được chiến thắng trong trận chiến này không vẫn còn là câu hỏi chờ được giải đáp trong tương lai. Tuy nhiên, chắc chắn vấn đề chip bán dẫn, công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ sẽ là trọng tâm cho cuộc gặp tới đây giữa 2 nhà lãnh đạo của 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.