Không phải phụ nữ, đàn ông Việt Nam mới là người hay tự ti, tin rằng mình bị "bất công" trong công việc
Khi được hỏi về chênh lệch mức lương theo giới tính, 61% lao động nữ cho rằng họ bị trả lương thấp hơn nam giới ở cùng vị trí. Trong khi đó, có tận 67% lao động nam cho rằng mình mới là người bị thiệt thòi.
Chênh lệch về mức lương giữa nam và nữ là một biểu hiện của “trọng nam khinh nữ”, diễn ra ở nhiều quốc gia. Theo đó, mức lương của nữ giới luôn được đánh giá là thấp hơn so với các đồng nghiệp là nam. Điều này diễn ra ngay cả ở quốc gia phát triển hàng đầu như Mỹ.
Trung tâm Luật Phụ nữ Quốc gia của Mỹ cho biết lao động là nữ ở Mỹ chỉ kiếm được bằng 79% thu nhập của đàn ông. Mức chênh này tại châu Á còn rộng hơn. Theo dự báo của Euromonitor, phụ nữ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ kiếm được ít hơn 41,2% so với nam giới vào năm 2030, cao hơn mức trung bình của thế giới vào thời điểm đó là vào khoảng 35,7%.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, khảo sát của JobStreet.com mới đây lại cho thấy điều ngược lại: giới tính không ảnh hưởng đến mức lương của người lao động.
“3 yếu tố có tác động rõ rệt đến mức lương là cấp bậc công việc, trình độ học vấn và quá trình đào tạo. Theo đó, nếu người lao động có cùng những yếu tố kể trên, mức lương giữa nam giới và nữ giới không có sự khác biệt đáng kể tại Việt Nam”, JobStreet.com cho biết. Tuy nhiên, người lao động ở cả 2 giới không nghĩ như vậy.
Theo đó, 61% lao động nữ giới cho rằng họ bị trả lương thấp hơn nam giới (cùng vị trí) và 67% lao động là nam cho rằng mình bị “bất công” hơn với phụ nữ.
Và điều này ngược hẳn với thực tế. Bởi lẽ cho dù mức lương có sự tương đối công bằng nhưng không có nghĩa bất bình đẳng giới không diễn ra. Sự bất công được thể hiện ở những yếu tố khác như thăng tiến nghề nghiệp, ưu tiên trong tuyển dụng, tăng lương…
“Cả 2 giới đều nhận thức được nam giới đang được đối xử với những đặc quyền hơn nữ giới”, báo cáo cho biết.
Cụ thể, nam giới được cho là có khả năng dễ được “cất nhắc” thăng chức, nhận sự ưu tiên trong quá trình tuyển dụng, có tần suất tăng lương cao hơn cũng như dễ được đánh giá năng lực làm việc tốt hơn.
Thống kê chỉ ra, lượng lao động nam/nữ trong công ty không có sự khác biệt lớn nhưng có đến 63% cho biết sếp của họ đang là nam giới.
Mặc dù số lượng lao động nam giới và nữ giới trong công ty không cho thấy sự khác biệt lớn, nhưng có đến 63% cho biết sếp trực tiếp của họ hiện tại đang là nam giới.
25% lao động nữ cho biết họ từng là nạn nhân của việc phân biệt đối xử, trong khi tỷ lệ này ở nam giới chỉ là 17,7%.
Xét về mức độ (1: nhẹ, 5: rất nghiêm trọng), cả hai giới đều cho rằng những hành vi phân biệt đối xử họ gặp trong môi trường công sở nằm ở mức nhẹ đến tương đối nghiêm trọng (2,07/5 ở nam và 2,14/5 ở nữ).
Trong quá trình nghiên cứu, JobStreet.com nhận xét sự minh bạch trên thị trường tuyển dụng còn ở mức khá thấp. Đa phần người tìm việc phải dựa vào những báo cáo của một tổ chức nghiên cứu để nhận biết mức lương phù hợp để đàm phán với nhà tuyển dụng.
Ngoài ra, những mẩu tin tuyển dụng phân biệt giới tính (chỉ tuyển nam hoặc nữ) cũng khá phổ biến trên các trang mạng việc làm nội địa.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 1/5 của 12.300 quảng cáo tuyển dụng trong thời gian từ giữa tháng 11/2014 đến giữa tháng 1/2015 của những trang mạng việc làm tại Việt Nam có đưa ra yêu cầu về giới tính. Điều đáng buồn là ngoài một số vị trí đặc thù, có một lượng lớn yêu cầu tuyển dụng theo giới tính đến từ định kiến của nhà tuyển dụng.
Dù giới tính không phải yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc trả lương của doanh nghiệp, với việc hiển thị mức lương trong các mẩu tin là điều mà các nhà tuyển dụng cần làm để tạo sự công bằng cho mọi ứng viên.
Về phía doanh nghiệp, ngoài việc trả lương xứng đáng với thực lực của nhân viên, các nhà tuyển dụng cần loại bỏ định kiến về giới tính gắn liền với chức danh công việc cũng như có lộ trình phát triển và thăng tiến công bằng nhất đến nhân viên.