Không phải Mỹ hay Nhật, Australia mới là nhà vô địch thế giới về thời gian tăng trưởng kinh tế

15/06/2017 07:33 AM | Kinh tế vĩ mô

Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Châu Âu là những cái tên thường được nhắc đến khi nói đến tăng trưởng kinh tế cũng như thị trường lớn. Tuy nhiên, nếu xét đến độ dài tăng trưởng thì Australia mới là nhà vô địch hiện nay.

Nhờ kết hợp những chính sách kinh tế hợp lý cùng một lượng lớn tài nguyên mà Australia đã giữ được tăng trưởng trong một thời gian rất dài từ năm 1991. Dẫu vậy, quốc gia chuột túi này cũng đang phải đứng trước những thử thách do chính mình tạo ra.

Trong khi sự gia tăng dân số thúc đẩy nguồn lao động của quốc gia có nền kinh tế khá ổn định này cùng với nguồn tài nguyên dồi dào xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc đảm bảo nguồn ngoại tệ ổn định thì Australia lại đang gặp khó trong việc cải thiện năng suất lao động.

Những số liệu chính thức cho thấy sản lượng của các ngành sản xuất tại Australia đang giảm tốc, qua đó ảnh hưởng đến tiêu chuẩn cuộc sống cũng như tâm lý của cử tri nước này. Ngoài ra, bong bóng thị trường bất động sản đang tăng cao do lãi suất ở mức thấp, qua đó thúc đẩy nợ xấu trong các hộ gia đình và đe dọa đến ổn định ngành tài chính. Tồi tệ hơn, một ngân sách thâm hụt đang khiến Australia có nguy cơ bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức tín dụng quốc tế.

Một quốc gia được xếp vào dạng suy thoái kỹ thuật khi có 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp và Australia có tình trạng đó lần cuối cùng là vào năm 1991. Sau đó, nền kinh tế này trải qua 8 năm cải cách triệt để nhằm tạo nên một thị trường cạnh tranh, cởi mở và thông thoáng.

Tuy nhiên, công cuộc cải cách này cũng mở đường cho việc kéo dài lạm phát thấp cũng như xói mòn tăng trưởng năng suất khi người dân không còn có nhiều động lực.

Không phải Trung Quốc, đây mới là nhà vô địch thế giới về thời gian tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1.

Australia tăng trưởng lâu nhất so với nhiều nước hiện nay kể từ năm 1991

Trong suốt 30 năm khi Trung Quốc bùng nổ, Australia đã được lợi vô cùng lớn do xuất khẩu được tài nguyên sang thị trường số 1 thế giới này. Thậm chí khi nền kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng năm 2008, Australia vẫn thuộc những nước chịu ảnh hưởng ít nhất nhờ nguồn thu ngoại tệ từ Trung Quốc.

Tuy vậy, cuộc vui nào cũng chóng tàn khi Trung Quốc bắt đầu chuyển mình từ tập trung xuất khẩu, sản xuất mặt hàng kỹ thuật thấp sang tiêu dùng và công nghệ cao. Từ đây, như cầu nguyên liệu tài nguyên đối với Australia vẫn còn nhưng không được như trước. Thêm vào đó, các ông lớn tại Trung Quốc giờ đã đủ giàu để có thể mua lại những trang trại, hầm mỏ, công ty tại Australia nhằm phục vụ cho công việc kinh doanh của chính họ.

Bên cạnh đó, việc tập trung quá nhiều cho xuất khẩu tài nguyên như dầu khí, dầu mỏ khiến Australia có lượng ngoại tệ lớn, đẩy giá đồng nội tệ lên cao, khiến các sản phẩm của nước này bị mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Saul Eslake nhận định Australia đã tránh được cuộc khủng hoảng đầu tư vào ngành khai khoáng cho xuất khẩu nhờ lượng lớn người nhập cư vào nước này thúc đẩy kinh tế trong nước. Dẫu vậy chính yếu tố này lại thúc đẩy hàng loạt những vấn đề mới.

Chuyên gia kinh tế Ian Harper cũng cho rằng Australia có thời gian dài tăng trưởng nhờ chính sách đầu tư của chính phủ cho khai khoáng, xuất khẩu tài nguyên. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này thấp cũng góp phần giúp Australia vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 dễ dàng.

Không phải Trung Quốc, đây mới là nhà vô địch thế giới về thời gian tăng trưởng kinh tế - Ảnh 2.

Trung Quốc nhập khẩu lớn quặng sắt và nhiều mặt hàng của Australia (tỷ Dollar Australia)

Những người da trắng nghèo khó

Cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng cảnh báo Australia có thể trở thành “những người da trắng nghèo khổ” ở Châu Á nếu quốc gia này không tìm thấy con đường đi đúng cho nền kinh tế của mình.

Ngay từ năm 1983, chính phủ Australia đã thực hiện hàng loạt các cải cách như thả nổi tỷ giá, giảm các quy định ràng buộc về tài chính, cải cách thuế, cắt giảm hàng rào thuế quan… Cho đến tận năm 2000, quốc gia này vẫn tích cực thực hiện các cải cách nhằm thúc đẩy nền kinh tế đất nước.

Kể từ đây, cơn khát tài nguyên của Trung Quốc bắt đầu tác động mạnh vào nền kinh tế Australia, qua đó giúp chính phủ có đủ tiền chi mạnh cho đầu tư công nhưng vẫn giữ được thặng dư ngân sách.

Đây là nguyên nhân khiến Australia có đủ tiền chi trả trực tiếp cho các hộ gia đình và duy trì niềm tin trên thị trường khi khủng hoảng 2008 xảy ra.

Dẫu vậy, đây có lẽ là thành tựu cuối cùng của Australia khi chính phủ nước này ngày càng hạn chế đưa ra các chính sách cứng rắn, cải cách mạnh nền kinh tế vì lo sợ phản ứng tiêu cực của cử tri. Hệ quả là hàng loạt những chính sách quan trọng bị trì hoãn như việc giải quyết thâm hụt ngân sách vào năm 2010 hay việc duy trì xếp hạng tín nhiệm.

Không phải Trung Quốc, đây mới là nhà vô địch thế giới về thời gian tăng trưởng kinh tế - Ảnh 3.

Giá nhà bình quân (triệu Dollar Australia) tăng đều so với mức tăng dân số (nghìn người)

Kể từ năm 2010 đến nay, Australia đã thay 4 thủ tướng, nhiều hơn nhiều so với chỉ 3 thủ tướng trong khoảng 1983-2007 và điều này khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ về khả năng điều hành của chính phủ nước này trong giai đoạn hiện nay.

Mặc dù vậy, hiện tượng này cũng đã từng xảy ra trước đây khi Australia thay tới 5 thủ tướng trong khoảng 1966-1972 sau khi chỉ thay 3 thủ tướng trong khoảng 1941-1966. Nói cách khác, có thể chính phủ nước này đang cố gắng tìm cách cân bằng quyền lực cũng như hướng đi mới trong tình hình mới.

Ngoài những thách thức về chính trị, Australia cũng đang gặp khó khi giá nhà tại nước này đã tăng gấp đôi kể từ năm 2009, qua đó khiến tỷ lệ nợ tư nhân đạt 187% tổng thu nhập của người dân. Việc tiền lương tăng chậm sẽ khiến nhiều hộ gia đình phải cắt giảm chi tiêu, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế khi chi tiêu tiêu dùng đóng góp đến hơn 50% GDP cho đất nước.

Hiện Australia đang cố gắng thắt chặt các quy định cho vay đầu tư bất động sản nhằm hạn chế bong bóng thị trường. Số liệu mới nhất cho thấy lượng nhà đầu tư vay tiền đầu tư bất động sản ở Australia trong tháng 2/2017 đã tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất trong 1 năm qua.

Suy thoái chậm

Cơn khát tài nguyên của Trung Quốc đã giúp Australia tăng trưởng trong nhiều năm, nhất là với quặng sắt. Tuy nhiên, hầu hết những nhà đầu tư đến từ nước ngoài và điều này là một rủi ro lớn cho ngành khai khoán.

Kể từ khi giá quặng sắt tăng mạnh từ năm 2004 do nhu cầu xây dựng của Trung Quốc, ngành khai khoáng, luyện kim của Australia đã tăng trưởng nhanh, chiếm tới 10% lao động toàn quốc.

Không phải Trung Quốc, đây mới là nhà vô địch thế giới về thời gian tăng trưởng kinh tế - Ảnh 4.

Nợ tăng trong khi mức lương tăng không nhiều

Kể từ đây, Australia ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc khi 1/3 hàng xuất khẩu của xứ sở chuột túi là đến Trung Quốc, cao hơn rất nhiều so với mức 2% của năm 1991.

Việc xuất khẩu được nhiều tài nguyên đã khiến đồng Dollar Australia tăng giá mạnh, ở mức 1,1 USD/AUD và nhiều chuyên gia nhận định đồng tiền nước này sẽ còn mạnh trong vòng 2 năm tới nhờ nguồn tài nguyên dồi dào.

Chính sức mạnh của đồng tiền đang khiến cho các ngành sản xuất trong nước gặp khó. Năm 2013, 2 trong 3 công ty sản xuất ô tô lớn nhất tại nước này cho biết sẽ chuyển nhà máy khỏi đây và hãng cuối cùng cũng đang có kế hoạch tương tự vào năm 2018.

Tồi tệ hơn, Australia đã tiêu tốn lượng ngoại tệ họ có được trong những năm tháng bùng nổ để đầu tư dàn trải, trong khi cơ sở hạ tầng trong nước không được đầu tư đúng mức. Hệ quả là khi thặng dư ngân sách xuất hiện, Australia lâm vào cảnh lúng túng khi không đủ tiền để thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng nguồn thu cho đất nước.

Trước những yếu tố này, chuyên gia Eslake cho rằng nhiều khả năng tình hình kinh tế Australia sẽ có những dấu hiệu tiêu cực trong thời gian tới. Ông cho rằng tỷ lệ thất nghiệp của nước này sẽ tăng ít nhất 1,5 điểm phần trăm trong vòng 18 tháng tới.

Trong lịch sử, Nhật Bản và Đài Loan là những nền kinh tế từng có quãng thời gian tăng trưởng dài nhất và lâu hơn so với Australia hiện nay nhưng cả 2 quốc gia này đều lâm vào những khó khăn riêng khi tăng trưởng chấm dứt.

Không phải Trung Quốc, đây mới là nhà vô địch thế giới về thời gian tăng trưởng kinh tế - Ảnh 5.

Trong lịch sử, chỉ có Nhật Bản và Đài Loan là từng tăng trưởng dài hơn Australia, nhưng quốc gia chuột túi vẫn conf có thể tăng tiếp

Hiện nay, tính bình quân Australia tăng trưởng 2,5%/năm và vẫn chưa có quý nào tăng trưởng âm. Dẫu vậy chuyên gia Eslake nhận định rủi ro trước mắt của Australia là rất lớn khi động lực tăng trưởng quá phụ thuộc vào Trung Quốc và dường như đã hết lựa chọn khi quốc gia Châu Á giảm tốc.

Kể từ khi lạm phát của nước này đạt đỉnh 18% vào năm 1991 gây ra khủng hoảng, tỷ lệ này liên tục giảm trong những năm sau đó xuống mức thấp. Yếu tố này kết hợp với sự tăng trưởng chậm mức tiền lương có thể sẽ tác động xấu đến nền kinh tế Australia.

Trong khi đó, giáo sư Bob Gregory của trường đại học quốc gia Australia (ANU) nhận định những gì đang diễn ra hiện nay là một cuộc suy thoái chậm của nền kinh tế, khi không có một cuộc khủng hoảng lớn nào diễn ra mà số liệu mỗi năm mỗi xấu hơn.

Theo các chuyên gia, rủi ro này còn nguy hiểm hơn cả những cuộc khủng hoảng thường bởi chính phủ không lường trước được các hậu quả cũng như có chính sách hợp lý cần thiết để giải quyết tình hình.

Không phải Trung Quốc, đây mới là nhà vô địch thế giới về thời gian tăng trưởng kinh tế - Ảnh 6.

Tỷ lệ lao động toàn thời gian trên tổng dân số (%)

BT

Cùng chuyên mục
XEM