Không phải khen ngợi, bố mẹ Tây đã luôn dạy con điều này để trẻ thành tài
Xu hướng cha mẹ quá đề cao khả năng của con, không ngừng khen ngợi con có thể tạo nên lớp những người ái kỷ - chỉ biết yêu và quá yêu bản thân.
Hầu hết bố mẹ Việt đều nỗ lực tìm cách khích lệ sự tự tin, ý thức về giá trị của bản thân bằng cách không ngừng khen ngợi con.
Tuy nhiên, các nhà tâm lý đã chỉ ra rằng chúng ta cần phải dạy trẻ trở thành những người biết thất bại - những người thua cuộc tích cực thay vì chỉ dạy con về giá trị của chiến thắng.
Để con thất bại có lẽ là điều tốt nhất bạn có thể làm cho con
Cụm từ mà thời gian qua rất hay nhắc đến "sự kiên gan bền chí" (grit), về bản chất đó là khả năng đương đầu với những thất vọng, nghịch cảnh. Khả năng chịu đựng khó khăn, linh hoạt thích nghi cho phép chúng ta kiên trì vươn lên, theo đuổi mục tiêu cuối cùng.
Dạy trẻ nhỏ chấp nhận thất bại sẽ mang lại lợi ích lâu dài khi trẻ lớn lên, trưởng thành (Ảnh minh họa).
Nhà tâm lý học Julia Simens, tác giả cuốn sách "Emotional Resilience and the Expat Child", cho biết, chúng ta nên khen ngợi những nỗ lực của trẻ thay vì tập trung vào kết quả.
Muốn giúp con tập trung vào toàn bộ hành trình để trở thành một con người có tinh thần tranh đấu nhưng vô cùng lịch thiệp và công bằng, Simens đưa ra gợi ý 4 bước sau:
1. Hãy thành thật về tiến bộ và những thành tựu mà con bạn đạt được.
2. Hãy vạch ra những mục tiêu có thể đạt được để giúp con tiến bộ hơn.
3. Hãy chia sẻ với con truyện về những người thành công đã thất bại thế nào trước khi vươn tới đỉnh cao, như JK Rowling, nữ nhà văn đã bị các nhà xuất bản từ chối tới 12 lần trước khi nổi danh khắp thế giới với tượng đài Harry Potter.
4. Hãy nói với con về những lần chính bản thân bạn thất bại và quan trọng hơn cả, về những gì bạn đã làm để vượt qua cảm giác thất vọng, chán chường vì thất bại.
Carlota Zimmerman, chiến lược gia thành công ở New York, cho rằng, dạy trẻ nhỏ chấp nhận thất bại sẽ mang lại lợi ích lâu dài khi trẻ lớn lên, trưởng thành. Bà nhắc nhở chúng ra rằng trong cuộc sống, thất bại là chuyện "thường ngày ở huyện".
"Cuộc đời đầy rẫy mất mát, thua thiệt. Nhưng vẫn ổn thôi. Cuộc đời vẫn tuyệt vời, vẫn đáng sống, nhưng không phải lúc nào bạn cũng chiến thắng". Quan trọng là xây dựng tinh thần dũng cảm vượt khó vươn lên, biết thay đổi để thích nghi và tiến bộ.
Dạy con bạn nhiều kĩ năng thông qua sự thất bại
Thất bại đã được chứng minh là làm tăng khả năng sáng tạo và củng cố các kỹ năng giải quyết vấn đề. Khi biết cách nào đó không hiệu quả, bạn có thể tập trung tìm các cách khác hiệu quả hơn.
Thất bại đã được chứng minh là làm tăng khả năng sáng tạo và củng cố các kỹ năng giải quyết vấn đề (Ảnh minh họa).
Trước hết, bạn cần điều chỉnh kỳ vọng của mình để phù hợp với giai đoạn phát triển cũng như tính cách của con. Chúng ta không thể trông mong một bé 3 tuổi biết vui vẻ khi thất bại.
Nhưng chúng ta có thể giúp trẻ bắt đầu phát triển những kỹ năng này theo từng bước nhỏ như các hoạt động được gợi ý dưới đây:
1. Xác định những lần một trẻ khác hoặc một người lớn khác được quyết định các bạn sẽ đi đâu, sẽ làm gì tiếp theo, để cho con thấy, không phải lúc nào trẻ cũng được lựa chọn đầu tiên.
2. Bắt đầu chơi các trò chơi với bảng – board games – và không để con lần nào cũng thắng.
3. Làm gương cho con trong việc giành chiến thắng và thất bại một cách phù hợp, cho trẻ thấy tinh thần thượng võ là như thế nào.
4. Thấu hiểu, trân trọng những cảm xúc của trẻ và trao cho con thật nhiều yêu thương, ủng hộ, trợ giúp.
Kaleigh Boysen, nhà trị liệu các vấn đề gia đình và hôn nhân cho biết thất bại là cơ hội để dạy con bạn nhiều kỹ năng như kỹ năng chịu đựng gian khó, thích ứng, biết nhìn xa trông rộng và sự thấu cảm.
Nguồn: Romper