Không phải Hà Nội hay Sài Gòn, chính cố đô Huế mới là thành phố đắt đỏ nhất Việt Nam. Đây là lý do tại sao

06/09/2016 10:45 AM | Kinh tế vĩ mô

So sánh trong 5 thành phố, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có giá cả rẻ nhất. Ngược lại, cố đô Huế mới chính là nơi đắt đỏ nhất cả nước.

Từ lâu, thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế, tập trung dân số lớn nhất cả nước là thành phố Hồ Chí Minh vẫn được coi là những nơi có mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam. Tuy nhiên, những phân tích từ các số liệu có vẻ như đang mang đến kết quả ngược lại.

Dựa vào những số liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cung cấp bởi Tổng cục thống kê, Cafebiz đã khảo sát biến động của mức giá chung tại 5 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng.

Phương pháp Cafebiz đã thực hiện là dùng số liệu CPI để tính toán mức tăng tuyệt đối của giá cả từng tháng tại các thành phố trong 5 năm gần đây, với tháng gốc được chọn là tháng 8/2011. Sau đó các mức tăng này được mang đi so sánh với mức tăng giá tuyệt đối của giá cả chung cả nước.

Điều đó có nghĩa, trục hoành 100% là mức giá chung của cả nước, nếu Hải Phòng cao hơn 2,5%, tức giá cả ở Hải Phòng đắt hơn cả nước 2,5%. Cách hiểu này áp dụng cho đồ thị trong bài viết này.

Mức giá cả 5 thành phố so với giá chung của cả nước - Số liệu từ 8/2011 – 8/2016.
Mức giá cả 5 thành phố so với giá chung của cả nước - Số liệu từ 8/2011 – 8/2016.

Khảo sát đã mang về kết quả khá bất ngờ khi cố đô Huế hiện tại mới chính là thành phố đắt đỏ nhất Việt Nam. Mức giá ở Huế vào tháng 8/2016 này đang cao hơn mức giá chung cả nước tới hơn 9%, bỏ xa các thành phố khác.

Ngược lại, thành phố Hồ Chí Minh lại là nơi có giá cả rẻ nhất. Mức giá cả tại thành phố này đang rẻ hơn mức giá chung của cả nước hơn 5%.

Các vị trí còn lại xếp theo thứ tự giá cả rẻ dần lần lượt là Hải Phòng, Đà Nẵng và Hà Nội. Cả 3 thành phố này trong 5 năm qua đều có mức giá cả hầu như ngang bằng với mức giá chung cả nước.

Sự đắt đỏ của giá cả tại Huế và mức giá rẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể làm bất ngờ nhiều người nhưng thật ra, đây là một thực tại đã có từ rất lâu.

Cách đây 2 năm, Cafebiz cũng từng có cuộc khảo sát tương tự với dữ liệu được lấy trong 10 năm, từ năm 2004 – 2014.

Chênh lệch mức giá tại các thành phố lớn so với mức giá chung cả nước từ năm 2004 – 2014.
Chênh lệch mức giá tại các thành phố lớn so với mức giá chung cả nước từ năm 2004 – 2014.

Trong đồ thị của CafeBiz 2 năm trước, trục hoành 0% là mức giá chung của cả nước, nếu Hải Phòng cao hơn 2,5%, tức giá cả ở Hải Phòng đắt hơn cả nước 2,5%.

Kết quả lần khảo sát đó cũng cho thấy rằng trong 10 năm, cố đô Huế chính là nơi có giá cả đắt nhất Việt Nam khi đắt hơn bình quân cả nước hơn 9%. Ở chiều ngược lại, Hà Nội là thành phố rẻ thứ nhì và, thành phố Hồ Chí Minh là nơi rẻ nhất với khoảng cách giá chênh lệch tới 16% so với Huế.

Ở thời điểm hiện tại, việc giá cả tại Huế đắt nhất có thể lý giải chủ yếu là do giá nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế đã tăng tới hơn 72% so với tháng trước.

Do điều chỉnh giá viện phí, mỗi người Huế khi đến bệnh viện vào tháng 8 vừa qua phải trả số tiền nhiều tới gấp đôi so với tháng trước.

Ngược lại, ở thành phố Hồ Chí Minh, giá cả rẻ có thể lý giải bởi nhiều lý do. Trước hết, trong giai đoạn từ 2011 – 2014, giá nhà ở và vật liệu xây dựng thành phố này nhìn chung giảm liên tục do bong bóng bất động sản đã bị vỡ từ năm 2010.

Ngoài ra, lý do điều chỉnh giá xăng, dầu theo xu hướng giảm thời gian qua, làm giá mặt hàng giao thông giảm sâu cũng phần nào lý giải việc CPI thành phố này bị giảm.

Những “định kiến” về việc thủ đô Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước có lẽ đến từ giá của đồ ăn thức uống nơi đây - thứ mà người dân tiếp xúc nhiều nhất. Thật vậy, dù có mức giá chung thuộc hàng rẻ hơn các thành phố khác nhưng giá dịch vụ ăn uống tại Hà Nội vẫn luôn ở mức cao hơn giá chung cả nước.

Thực vậy, giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống của Hà Nội đã liên tục tăng nhanh hơn cả nước suốt từ nửa sau năm 2008 tới nay, và hiện đã đắt hơn 13% so với trung bình cả nước. Ngược lại, giá đồ ăn ở Huế lại là rẻ nhất, và giúp thành phố này che bớt phần nào "bộ mặt thật" của mình trước khách du lịch bốn phương.

Một cách giải thích là từ sau khi Hà Tây nhập vào Hà Nội năm 2008, hàng loạt dự án bất động sản được khởi động ở vùng đất vẫn cung cấp thực phẩm chính cho thủ đô. Đất đai để trồng trọt và chăn nuôi không còn, tất đẩy giá lên khi người Hà Nội phải tìm đến những khu vực xa hơn để có cái ăn.

Chênh lệch mức giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tại các thành phố lớn so với mức giá hàng ăn uống cả nước qua các năm
Chênh lệch mức giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tại các thành phố lớn so với mức giá hàng ăn uống cả nước qua các năm

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM