Không phải chung cư, nhà riêng lẻ mới gây kẹt xe ở TP.HCM

01/11/2018 10:31 AM | Xã hội

Tại hội thảo “Quy hoạch đô thị TPHCM - Thực tiễn và cơ hội đầu tư” mới đây, các chuyên gia cho rằng, thực tiễn phát triển đô thị trong những năm qua cho thấy, TPHCM đang đứng trước rất nhiều thách thức cả cũ và mới của quá trình phát triển.

Hiện tại, cấu trúc đô thị của TP.HCM vẫn lan tỏa, mở rộng từ trung tâm với mô hình nhà ở riêng lẻ, dẫn tới sử dụng đất chưa hiệu quả, tạo áp lực lên giao thông, gây ngập lụt, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, TP.HCM sẽ không điều chỉnh quy hoạch xây dựng hết mà xác định mục tiêu ưu tiên, có giá trị cho từng giai đoạn.

Theo đó, TP.HCM sẽ tiếp tục chỉnh trang khu trung tâm hiện hữu, gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm điều tiết phân bổ lại dân cư. Ưu tiên phát triển theo định hướng giao thông công cộng, điều tiết dân số, phân bố dân cư và nhà ở hợp lý hơn.

Ông Lý Khánh Tâm Thảo, Quyền Trưởng Phòng hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, cho biết về chủ trương xây dựng thành phố thành đô thị thông minh - là tác nhân quan trọng nhất ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị của Thành phố. Từ đó, thời gian qua Sở tham gia đề án này và từ năm 2017 đã đưa ra sử dụng hệ thống cung cấp thông tin quy hoạch trên web, phone, hiện đang tiếp tục cải tiến hệ thống.

Chủ trương thứ 2 là phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông gồm quận 2, quận 9, quận Thủ Đức với diện tích chiếm khoảng 11% diện tích thành phố, dân số chiếm hơn 11%. Khu này nằm trên hướng phát triển ưu tiên về phía Đông, có nhiều điều kiện thuận lợi về giao thông kỹ thuật, đầu tư bài bản, có động lực phát triển đô thị, tăng trưởng kinh tế.

Ông Thảo cho rằng vấn đề là làm sao kết nối các động lực trên thành một tổng thể, có cơ chế chính sách thích hợp để phát triển khu vực này.

Một chủ trương nữa, ông Thảo cho biết TP.HCM có biển (biển Cần Giờ), chủ trương thành phố là đưa biển gần hơn với người dân, với người tham quan du lịch, học tập, giải trí với định hướng phát triển khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

Các định hướng yêu cầu trong điều chỉnh quy hoạch đó là kế thừa những nội dung thích hợp, không tham điều chỉnh mọi thứ, giải quyết mọi thứ trong quy hoạch chung, mà chọn lọc mục tiêu có giá trị, quan trọng trong từng giai đoạn. Đó là yêu cầu xem xét hướng ưu tiên phát triển thành phố. Gồm 4 hướng, trong đó có 2 hướng chính là phía Đông và Nam, 2 hướng phụ là Tây Bắc và Tây Nam.

"Để chuẩn bị công tác quy hoạch chung, Sở QHKT cũng nhận thức được những thách thức đô thị mà TP.HCM đang đối mặt, đó là cấu trúc đô thị hiện hữu của thành phố hiện nay vẫn theo hướng lan tỏa từ trung tâm hiện hữu, nghĩa là lõi đô thị hiện hữu toàn TP.HCM với mật độ đô thị và hoạt động công nghiệp tập trung cao, khi chúng ta đi xa dần khu vực trung tâm và nội thành hiện hữu, thì mật độ tập trung càng ít hơn, đây là một thách thức mà chúng ta phải tính đến trong quy hoạch", ông Thảo cho biết thêm.

Ông Michel Fanni, Giám đốc Phát triển và cải tiến đô thị cho đô thị mới Marne la Vallee (Pháp), cho rằng, cấu trúc đô thị theo vết dầu loang sẽ gây ra khó khăn cho việc di chuyển của người dân, trong khi nhà ở khu vực ngoại ô còn các hoạt động kinh tế, giải trí lại tập trung ở nội đô. Để giải quyết vấn đề này, Pháp đã xây dựng một số TP mới xung quanh thủ đô Paris.

Vị chuyên gia nước ngoài này nhấn mạnh, giải pháp quy hoạch đô thị không đến từ một cá nhân hay một công ty tư vấn mà là trí tuệ tập thể, là yếu tố quan trọng cho sự phát triển tương lai của TP.HCM. Về định hướng quy hoạch, ông gợi ý: Hà Nội và TP.HCM có tính chất bổ sung cho nhau, vì thế TP.HCM có thể lấy Hà Nội để bổ sung cho định hướng phát triển của mình và ngược lại, nhằm xây dựng một thành phố sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về phía chính quyền địa phương, lãnh đạo UBND TP.HCM nhìn nhận, trong quá trình phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh, TP.HCM đang đứng trước nhiều thách thức về giao thông, vệ sinh môi trường, ngập nước do yếu kém về quy hoạch, ở cả 3 khâu: xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Về pháp lý quy hoạch, cứ 5 năm Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh quy hoạch, nhưng nếu chất lượng quy hoạch tốt như ở các nước châu Âu, quy hoạch cả trăm năm không cần thay đổi. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ nâng cao chất lượng quy hoạch đảm bảo phù hợp với sự phát triển chung; đồng thời sẽ tính toán để điều chỉnh bổ sung quy hoạch ít nhất chu kỳ 10 năm thay vì 5 năm như hiện nay. Điều này TP có thể thực hiện được vì đã có các công cụ để thực hiện và có thể thuê các nhà tư vấn quốc tế hỗ trợ.

Về mục tiêu phát triển, TP.HCM sẽ tiếp tục hoàn thiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm, giải quyết vấn đề tồn đọng và biến nơi đây thành một trung tâm tài chính quốc tế. TP.HCM đang mời gọi các chuyên gia tư vấn chính sách để thu hút nguồn lực tài chính quốc tế.

TP.HCM cũng có ý định phát triển đô thị thông minh ở quận 1, quận 12 và Củ Chi; đô thị sinh thái ở Cần Giờ; đô thị cảng ở quận 9, Nhà Bè; khu công nghệ cao, đô thị sáng tạo ở quận 2, 9 và Thủ Đức.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, để phục vụ nhu cầu phát triển, TP.HCM đang kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực đô thị 253 dự án với tổng vốn đầu tư 870.000 tỷ đồng.  Hiện TP.HCM đang chuẩn bị triển khai đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán ký kết hợp đồng khoảng 85 dự án với tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng.

Liên quan đến các cơ chế, chính sách, đảm bảo đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, về cơ chế sẽ thực hiện theo Nghị quyết 54/2017/QH14 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Theo đó, đối với các dự án có quy mô thu hồi đất trên 10 ha, thành phố sẽ được quyết định thay vì phải trình ra Thủ tướng Chính phủ như trước đây, tương tự, thành phố cũng được ra quyết định đối với các dự án nhóm A của lĩnh vực PPP.

Đối với các dự án  PPP sẽ có các điểm ưu đãi nổi bật như nhà đầu tư được miễn hoặc giảm tiền thuê đất đối với phần diện tích được giao trong thời gian khai thác; Được thế chấp tài sản, quyền sử dụng đất, quyền triển khai công trình để đi vay vốn thực hiện dự án;

Mục đích sử dụng đất được đảm bảo trong suốt thời gian thực hiện dự án không phải đổi mục đích sử dụng đất. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài được mua ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng và được hoạt động ngoại hối để đáp ứng nhu cầu hoạt động.

Theo Nam Phong

Cùng chuyên mục
XEM