Không chịu thua kém đối thủ, FPT Retail cũng lần đầu tiên đi vay hơn 6.000 tỷ đồng, gấp 2,4 lần đầu năm

14/03/2022 09:10 AM | Kinh doanh

Trong năm qua, vay nợ của Thế Giới Di Động lần đầu tiên vượt 1 tỷ USD. Trong khi đó, vay nợ của FPT Retail cũng tăng vọt lên hơn 6.000 tỷ đồng khi công ty đẩy mạnh mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) mới đây đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.

Theo số liệu tại ngày 31/12021, nhiều chỉ tiêu của FPT Retail đã tăng vọt so với đầu năm. Cụ thể, tài sản tăng gấp đôi lên 10.786 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 2,3 lần lên 1.820 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng 2,7 lần lên gần 5.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong cơ cấu nguồn vốn của FPT Retail, vay nợ của công ty lần đầu tiên trong lịch sử vượt quá 6.000 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần đầu năm.

Không chịu thua kém đối thủ, FPT Retail cũng lần đầu tiên đi vay hơn 6.000 tỷ đồng, gấp 2,4 lần đầu năm - Ảnh 1.

FPT Retail cho biết, các khoản vay ngân hàng của công ty là các khoản vay không có tài sản đảm bảo, với thời gian đáo hạn dưới 1 năm và lãi suất theo từng khế ước vay, nhằm mục đích bổ sung vốn kinh doanh. Trong đó, các khoản vay bằng USD có lãi suất chỉ từ 1,8-2,67%/năm và các khoản vay bằng VND có lãi suất từ 1,9-4,5%/năm.

Như vậy, tương tự với đối thủ Thế Giới Di Động, FPT Retail cũng vay được tiền với lãi suất thấp và đi gửi tiền với lãi suất cao. FPT Retail hiện gửi tiền ngân hàng kỳ hạn 1-3 tháng được hưởng lãi suất lên tới 3,8-4%/năm, còn nếu gửi kỳ hạn 3-12 tháng được hưởng lãi suất 4-7,5%/năm. Trong năm qua, các khoản tiền gửi kỳ hạn 3-12 tháng đã tăng từ 788 tỷ đồng lên 1.820 tỷ đồng.

Một điểm chung nữa giữa FPT Retail và Thế Giới Di Động, là phần lớn vay các ngân hàng nước ngoài. Các ngân hàng đang cho FPT Retail vay nhiều nhất là HSBC Việt Nam (965 tỷ đồng), Standard Chartered Việt Nam (805 tỷ đồng), HSBC Hong Kong (754 tỷ đồng), DBS Việt Nam (734 tỷ đồng), Overseas Bank Việt Nam (675 tỷ đồng).

Thời điểm hiện tại, FPT Retail chỉ vay từ 2 ngân hàng trong nước, là Vietinbank (500 tỷ đồng) và BIDV (155 tỷ đồng), cùng là 2 ngân hàng có vốn nhà nước. Cuối năm ngoái, FPT Retail còn vay của Vietcombank và MB nhưng đã trả hết nợ trong năm qua.

Bên phía Thế Giới Di Động, công ty này cũng gần như chỉ vay từ các ngân hàng nước ngoài, và vay thêm từ 3 ông lớn ngân hàng trong nước là Vietinbank, BIDV, Vietcombank.

Không chịu thua kém đối thủ, FPT Retail cũng lần đầu tiên đi vay hơn 6.000 tỷ đồng, gấp 2,4 lần đầu năm - Ảnh 3.

Các chủ nợ của FPT Retail

Việc tăng vay và tăng hàng tồn kho tại FPT Retail cho thấy công ty này đang trong quá trình mở rộng mạnh mẽ. Thực tế, năm qua FPT Retail đã mở thêm tới 200 nhà thuốc Long Châu với quyết tâm thống trị thị trường dược phẩm. Trong năm qua, Long Châu đã đem về 3.977 tỷ đồng doanh thu cho FPT Retail và lợi nhuận 4,9 tỷ đồng. Số lãi vẫn còn thấp nhưng đánh dấu năm đầu tiên Long Châu có lãi. Năm ngoái, Long Châu lỗ tới 116 tỷ đồng.

Quy mô tài sản của Long Châu đã tăng lên 2.144 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần đầu năm.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM