Không chỉ chung tầm nhìn, đây là lý do vì sao Steve Jobs và Tim Cook là 'cặp đôi hoàn hảo' của Apple

26/11/2016 07:15 AM | Kinh doanh

Tại Apple, vai trò của Tim trở thành người "hiện thực hóa trực giác của Jobs", chức phận mà Tim thực hiện với thái độ cẩn trọng lặng lẽ.

Sự trở lại của Steve Jobs

Trở lại Apple lần hai, phương châm quản lí của Jobs là "Tập trung." Ông loại bỏ hết tất cả những dòng sản phẩm dư thừa và cắt giảm những thành phần ngoại lai trong phần mềm điều hành mới mà Apple đang phát triển. Ông từ bỏ thứ ham muốn cuồng-kiểm-soát kiểu bắt buộc phải sản xuất mọi sản phẩm trong các nhà máy của mình, thay vào đó là thuê ngoài việc chế tạo mọi thứ, từ các bảng mạch cho tới cả những chiếc máy tính hoàn thiện. Và ông thi hành kỉ luật khắt khe đối với các đối tác cung ứng của Apple.

Khi ông nắm quyền trở lại, Apple đang phải gánh chịu lượng sản phẩm tồn tương đương giá trị của hai tháng trong các nhà kho, nhiều hơn bất cứ công ty công nghệ nào. Giống như trứng và sữa, máy tính cũng có tuổi thọ trên kệ hàng rất ngắn, vậy nên lượng hàng tồn này tương đương với một đòn trị giá 500 triệu USD đánh vào lợi nhuận. Đến đầu năm 1998, Jobs đã giảm một nửa con số đó, xuống còn một tháng.

Làm sao để Steve Jobs làm được điều này? Câu trả lời chính là dám cắt bỏ, tập trung. Khi ông quyết định rằng một bộ phận của hãng chuyển phát nhanh Airbone Express không giao nhận các linh kiện máy tính đủ nhanh, ông lập tức ra lệnh cho quản lí của Apple chấm dứt hợp đồng. Khi vị quản lí này phản bác rằng làm như vậy sẽ dẫn tới kiện tụng, Jobs đáp lại, "Cứ thông báo với họ là nếu lằng nhằng, họ sẽ không đời nào kiếm được một cắc nào từ cái công ty này đâu, không đời nào." Vị quản lí kia cắt hợp đồng, rồi thì có kiện tụng thật, và phải mất một năm để dàn xếp đâu đó.

Nhà phân phối mới của Apple được yêu cầu cắt giảm lượng trữ kho xuống 75% và họ đã làm được. "Dưới trướng Steve Jobs, sẽ không có một mảy may dung thứ nào cho việc thực thi kém hiệu quả," CEO của hãng này nói.

Áp lực tìm kiếm người đảm đương

Sau ba tháng làm việc dưới trướng Jobs, giám đốc điều hành đương nhiệm của Apple không thể chịu nổi áp lực, và ông này từ chức. Trong suốt gần một năm trời Jobs tự mình gánh vác vị trí điều hành, vì tất cả các ứng cử viên triển vọng mà ông phỏng vấn đều "có vẻ là mẫu sản xuất theo kiểu cũ", ông kể lại.

Ông muốn ai đó có thể xây dựng những nhà máy và dây chuyền cung ứng thức thời, như những gì Michael Dell đã làm. Rồi, vào năm 1998, Steve Jobs gặp Tim Cook, một chuyên gia cung ứng và chuỗi cung ở hãng Máy tính Compaq, một người đàn ông ba mươi-bảy tuổi với phong thái nho nhã. Tim về sau không chỉ đảm nhận trọng trách giám đốc điều hành mà còn trở thành một thành viên hậu trường không thể thiếu trong việc vận hành cả hãng Apple.

Cook, con trai của một công nhân đóng tàu, sinh ra và lớn lên ở Robertsdale, Alabama, một thị tứ nhỏ nằm giữa Mobile và Pensacola, cách Gulf Coast chừng nửa giờ xe. Tim theo học chuyên ngành kĩ sư công nghiệp tại Auburn, có được tấm bằng kinh doanh ở trường Duke và trong suốt mười hai năm sau đó, Tim làm việc cho hãng IBM ở Trung tâm Nghiên cứu vùng Tam giác Bắc Carolin.

Vào thời điểm Jobs phỏng vấn, Tim vừa mới nhận việc ở Compaq. Từ trước tới nay, Tim luôn là một kĩ sư rất logic, và Compaq khi đó dường như là một lựa chọn sự nghiệp hợp lí hơn, nhưng Tim đã bị đánh bẫy bởi sức cuốn hút toát ra từ Steve.

"Chỉ năm phút trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với Steve, tôi đã muốn quẳng đi mọi sự phòng bị cùng logic và gia nhập Apple ngay lập tức," về sau Tim kể lại. "Trực giác nói với tôi rằng gia nhập Apple sẽ là cơ hội có-một-không-hai-trong-đời để được làm việc với một thiên tài sáng tạo." Và Tim đã làm thế thật.

Người hiện thực hóa trực giác của Jobs

Tại Apple, vai trò của Tim trở thành người "hiện thực hóa trực giác của Jobs", chức phận mà Tim thực hiện với thái độ cẩn trọng lặng lẽ. Không có ý định kết hôn, Tim dành toàn tâm toàn lực vào công việc. Hầu như hằng ngày ông đều thức dậy lúc 4h30 sáng, gửi email, rồi dành một giờ đồng hồ tập thể dục, và có mặt ở bàn làm việc chỉ sau 6h một chút. Ông xếp lịch tối Chủ nhật hằng tuần cho các cuộc hội thảo điện thoại để chuẩn bị cho tuần mới sắp tới.

Trong một công ty được lãnh đạo bởi một CEO có xu hướng cáu giận thất thường và luôn sẵn sàng rủa xả, Cook kiểm soát các tình huống với lối cư xử bình tĩnh và những cái nhìn lặng lẽ. "Mặc dù có thể đùa giỡn thật, nhưng nét mặt thường trực của Cook là cau có, và khiếu hài hước của anh ta thật là khiêm tốn," phóng viên Adam Lashinsky viết trên tờ Fortune. "Trong các buổi họp, Cook nổi tiếng với những quãng ngừng lời rất lâu và khó chịu, khi tất cả những gì anh nghe thấy là âm thanh loạt xoạt bóc lớp giấy bọc những thanh kẹo tăng lực mà anh ta hay ăn thôi."

Trong một cuộc họp khoảng đầu nhiệm kì của mình, Cook được thông báo là Apple có vấn đề với một trong những nhà cung cấp Trung Quốc. "Chuyện này tệ quá," ông thốt lên. "Ai đó ở Trung Quốc phải lèo lái vụ này." Ba mươi phút sau ông nhìn vào một giám đốc thừa hành có mặt ở bàn và lạnh lẽo hỏi, "Sao anh còn ở đây?" Vị giám đốc này đứng dậy, lái xe thẳng tới phi trường San Francisco, mua vé bay tới Trung Quốc. Anh này sau đó trở thành một trong những phó tướng thân cận nhất của Cook.

Cook giảm bớt số lượng nhà cung cấp trọng yếu của Apple từ một trăm xuống còn hai mươi tư, ép buộc họ phải đưa ra những thỏa thuận có lợi hơn nhằm giữ được hợp đồng, thuyết phục nhiều đối tác dời đến bên cạnh các nhà máy của Apple và đóng cửa mười trong số mười chín nhà kho của công ty.

Nhờ giảm thiểu số địa điểm mà hàng tồn kho có thể chất đống lại, Cook cũng giảm thiểu được lượng trữ kho. Jobs đã cắt giảm lượng trữ kho từ tương đương hai tháng xuống còn một tháng hồi đầu năm 1998. Đến tháng 9 năm đó, Cook đã giảm con số đó xuống còn sáu ngày.

Đến tháng 9 năm tiếp đó, nó đã giảm xuống thành một con số ấn tượng: giá trị hàng tồn tương đương hai ngày. Thêm vào đó, Cook còn cắt giảm quy trình sản xuất một chiếc máy tính Apple từ bốn tháng xuống còn hai tháng. Tất cả những hành động này không chỉ tiết kiệm tiền bạc, nó còn cho phép mỗi chiếc máy tính có được những thành phần tân tiến nhất sẵn có.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM