Không chỉ cấm cửa iTunes, iBooks, Trung Quốc còn có thể làm cho Apple phá sản sau vài tháng
Việc cấm iTunes, iBooks mới chỉ là bước đầu của những "đe dọa" từ chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh còn có thể làm cho Apple phá sản ngay sau vài tháng. Tim Cooks trả lời ra sao về vấn đề này?
Việc cấm iTunes, iBooks, dường như mới chỉ là những bước đi đầu tiên của Bắc Kinh trong việc "thể hiện quyền lực" của mình với "quả táo cắn dở". Có lẽ bộ mã gốc, phương tiện để giải mã những chiếc iPhone, mới là mục tiêu cuối cùng của chính phủ Trung Quốc.
Tình trạng kiểm soát thông tin một cách nghiêm ngặt của chính phủ Trung Quốc có lẽ không phải là một điều gì quá xa lạ. Và rõ ràng, những dịch vụ và thiết bị được bảo mật quá chặt chẽ của Apple không làm vừa lòng nhà chức trách nước này. Trong khi đó, Trung Quốc lại là một thị trường, một đất nước quá quan trọng với Apple.
Ngoài việc đất nước Đông Á này là một trong những thị trường quan trọng hàng đầu, thì phần lớn các thiết bị của Apple cũng được sản xuất ở đây. Chính quyền Trung Quốc có thể đóng cửa Foxconn, công ty gia công chính của Apple, có lẽ là chỉ trong vài giây. Và điều này có lẽ sẽ gây ra một cơn khủng hoảng khó có thể cứu vãn cho Apple.
Foxconn, đối tác gia công chính của Apple, là một công ty Đài Loan nhưng lại có phần lớn các nhà máy đặt ở Trung Quốc đại lục.
Đương nhiên, chính phủ Trung Quốc cũng sẽ có những đánh đổi nhất định. Làm cho hàng trăm nghìn công nhân (của Foxconn) mất việc sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường cho quốc gia này. Không chỉ thế, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài cũng chắc chắn sẽ sụt giảm với một động thái gây bất ổn như thế.
Các nhà máy của Foxconn, nơi lắp ráp phần lớn các sản phẩm của Apple.
Thái Lan hay Ấn Độ cũng sẽ là những sự lựa chọn thay thế cho Apple, nếu điều tồi tệ nhất xảy ra. Tuy nhiên, với cơ sở hạ tầng kém như Ấn Độ hay nền tảng chính trị kém ổn định như ở Thái Lan, có lẽ Trung Quốc vẫn là lựa chọn tốt nhất dành cho Apple hiện nay.
Với địa vị như hiện nay trên trường quốc tế, Trung Quốc hoàn toàn có thể "đánh sập" Apple dù cho có những tổn thất nhất định.
Ở một đất nước quá đông dân và có một truyền thống kiểm soát thông tin chặt chẽ như Trung Quốc, việc đánh đổi một phần tiếng tăm về môi trường đầu tư để có được quyền lực kiểm soát thông tin là điều hoàn toàn có thể diễn ra.
Đường lối rõ ràng của Tim Cook, trong việc mở khóa các thiết bị Apple cho chính phủ, cả với Mỹ và Trung Quốc, có lẽ sẽ là một lựa chọn tương đối nguy hiểm cho công ty lớn nhất thế giới này.
Với Mỹ, mọi thứ mới chỉ đi tới các vụ kiện. Nhưng ở Trung Quốc, căng thẳng có thể đi xa hơn thế rất nhiều. Khi nào thì Tim Cook sẽ có câu trả lời cho những "đòn" mới đây của chính phủ Trung Quốc như việc cấm cửa iTunes, iBooks?