Khốn khổ vì Covid-19, CEO AirAsia kêu gọi Việt Nam và Đông Nam Á nối lại bay quốc tế
CEO Tập đoàn AirAsia, Tony Fernandes, đã kêu gọi các nền kinh tế Đông Nam Á mở cửa biên giới. Vị CEO này cho biết rằng, nếu các quốc gia tiếp tục hạn chế đi lại, AirAsia có thể sẽ phải sa thải nhiều lao động hơn nữa.
Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Kuala Lumpur, ông Fernandes cho biết AirAsia sẽ buộc phải thu hẹp quy mô hơn nữa nếu biên giới vẫn đóng cửa trong trung hạn. "Tôi hy vọng không phải thu hẹp quy mô nhưng có rất nhiều yếu tố khác mà chúng tôi phải tính đến. Chúng tôi có thể sẽ không còn lựa chọn nào khác", ông nói.
Hãng hàng không đã cắt giảm khoảng 30% tổng lực lượng lao động của mình trong năm nay, ở mức 20.000 người vào tháng 1. Họ cắt giảm đáng kể đội ngũ tiếp viên, các đơn vị hậu cần của cả AirAsia và chi nhánh đường trung bình AirAsia X. Tập đoàn AirAsia hoạt động tại Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines.
AirAsia X cho biết họ đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về dòng tiền và sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chủ nợ để cơ cấu lại các khoản vay của mình. "Trong ngắn hạn, công ty sẽ cần phải thỏa thuận với các chủ nợ lớn để cơ cấu lại các khoản nợ chưa thanh toán".
AirAsia ước tính rằng các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ vẫn đóng cửa với du lịch quốc tế cho đến cuối năm. Nhưng ông Fernandes, phát biểu tại văn phòng trung tâm của hãng hàng không ở Kuala Lumpur, cho biết các nhà lãnh đạo quốc gia "nên dũng cảm" và tiến thêm một bước để nối lại du lịch quốc tế.
Đầu tiên, Fernandes cho biết các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm thấp nên mở cửa cho việc đi lại xuyên biên giới. Theo ông, biên giới Malaysia-Thái Lan nên được mở theo cách tương tự như biên giới Malaysia-Singapore đã được mở vào ngày 17/8, phục vụ đi lại thiết yếu.
"Thái Lan có chưa tới 10 ca dương tính mới mỗi ngày. Tại sao Malaysia và Thái Lan không thể bố trí làn đường xanh?" Fernandes hỏi. Ông nói: "Tôi không coi người Malaysia hay người Thái là mối đe dọa du lịch, dựa trên hệ thống sàng lọc nghiêm ngặt mà chúng tôi có. Việt Nam, Campuchia và Lào cũng nên mở cửa biên giới cho các chuyến du lịch quốc tế vì họ là những quốc gia được coi là "xanh" - gần như an toàn trước đại dịch chết người".
Dù đã nỗ lực tiết chế chi phí nhưng AirAsia vẫn lỗ nặng trong 6 tháng đầu năm. Fernandes và nhà đồng sáng lập hãng hàng không Kamarudin Meranun đã đồng ý không giảm lương trong trung hạn. Các quyền lợi của nhân viên, bao gồm các chuyến bay miễn phí và giảm giá, tiền thưởng, tăng lương và các ưu đãi, đã bị tạm dừng, chỉ trả phụ cấp đi lại và lương cơ bản.
Trong quý 2, AirAsia báo cáo lỗ ròng 992,9 triệu ringgit (237 triệu USD) so với lợi nhuận ròng 17,34 triệu ringgit đã đăng ký trong quý tương ứng vào năm 2019. Doanh thu trong ba tháng giảm từ 2,9 tỷ ringgit xuống còn 119 triệu ringgit. .
Lũy kế 6 tháng đầu năm, khoản lỗ ròng của hãng hàng không ở mức 1,8 tỷ ringgit.