Ông chủ AirAsia: Bây giờ tôi không có bất cứ kế hoạch nào ở Việt Nam sau 3 lần thử

24/11/2019 08:28 AM | Kinh doanh

Nikkei Asia Review cho biết Tony Fernandes đang chuyển trọng tâm sang các nước khác trong khu vực sau nhiều lần thất bại trong việc thành lập hãng bay tại Việt Nam.

Trong bài viết mới đây của mình, Nikkei Asia Review thông tin ông chủ AirAsia đang xem xét nghiêm túc việc thành lập chi nhánh ở Campuchia, theo sau đó là Trung Quốc và Myanmar.

"Tôi thích Campuchia, Trung Quốc và Myanmar," Fernandes, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Tập đoàn AirAsia, nói với Nikkei Asian Review trong một cuộc phỏng vấn. Ông cũng nói thêm rằng ông hiện đang tìm kiếm một đối tác Campuchia.

Sau nhiều lần nỗ lực để thành lập hãng bay tại Việt Nam nhưng thất bại (lần gần nhất là hồi tháng 4/2019 khi huỷ bỏ liên doanh với Thiên Minh Group), Fernandes cho biết ông đã chuyển trọng tâm sang các nước khác trong khu vực.

"Bây giờ tôi không có bất kỳ kế hoạch nào ở Việt Nam sau 3 lần thử", ông Fernandes nói. "Chúng tôi không thể tìm được đối tác phù hợp và bây giờ tôi nghĩ có quá nhiều hãng hàng không ở đó… thời điểm của chúng tôi sẽ đến".

Đối tác của cũ của ông Fernandes, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Thiên Minh Group đã thành lập hãng hàng không Cánh diều – KiteAir với vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, dự kiến bay vào quý I/2020.

Pháp luật của Campuchia không hạn chế quyền sở hữu nước ngoài trong ngành hàng không. Tuy nhiên, các hãng bay mới được yêu cầu đầu tư khoảng 30 triệu USD vào nước này trong 3 năm đầu tiên, ngoại trừ máy bay.

Việc Campuchia đang nổi lên như là một điểm đến du lịch đã thu hút một số hãng hàng không do Trung Quốc hậu thuẫn.

Bên ngoài Thủ đô Phnom Penh, sân bay quốc tế Siem Reap là một trong những cảng bận rộn nhất ở Đông Nam Á. Năm ngoái, nơi đây đã đón tiếp 4,5 triệu khách do sự quan tâm đặc biệt của du khách quốc tế với khu phức hợp đến Angkor Wat gần đó – được xem là di tích tôn giáo lớn nhất thế giới.

Về lâu dài, Fernandes cho biết ông muốn AirAsia thành lập một hãng hàng không tại Trung Quốc, nơi ông coi làm một nền kinh tế thân thiện với đầu tư nước ngoài. Trung Quốc đã trở thành một thị trường rất quan trọng với AirAsia khi 20% doanh thu hàng năm của hãng đến từ các điểm đến của nước này.

"Chúng tôi phải đảm bảo rằng mình có liên quan với một thị trường lớn như vậy", ông chủ AirAsia nhấn mạnh.

Bên cạnh các cơ hội mở rộng thị trường, Fernandes cũng đang đẩy mạnh các hoạt động để biến công ty trở nên dẫn đầu về công nghệ với khoản đầu tư hàng năm là 100 triệu Ringgit. Ông cho biết AirAsia sẽ là "hãng hàng không kỹ thuật số" vào quý I/2020. Hiện công ty đã đi được gần 1/3 chặng đường.

Theo Hà Thư

Cùng chuyên mục
XEM