7 lý do khiến startup thất bại và cách khắc phục
Các startup sẽ dễ dàng thành công hơn khi người sáng lập có khả năng hiểu, thừa nhận và khắc phục những hạn chế của mình.
Mới đây, tổ chức nghiên cứu thị trường CB Insights đã tiến hành “mổ xẻ” 135 dự án startup thất bại. CB Insights khảo sát những người từng tham gia vào các dự án đó về việc họ nghĩ vì sao dự án lại thất bại.
Sau đây là 7 lý do quan trọng và phổ biến nhất khiến cho các dự án startup không thể thành công:
1. Ngạo mạn (85%)
Để khởi nghiệp thành công, sự tự tin là yếu tố cần thiết. Vì nếu không có đủ tự tin, bạn sẽ không dám đặt cược tất cả vào “ván cờ” khởi nghiệp. Tuy nhiên, sự tự tin sẽ biến thành ngạo mạn khi bạn quá chắc chắn vào tính “ưu việt” của ý tưởng đến mức bất chấp tình hình thị trường.
Sự ngạo mạn khiến startup thất bại vì phạm các sai lầm sau:
- Bất chấp nhu cầu thị trường: 47%
- Xác định sai thời điểm tung sản phẩm: 13%
- Mô hình kinh doanh chưa hợp lý: 17%
- Không tận dụng các mối quan hệ hoặc không tham khảo ý kiến các chuyên gia: 8%
Cách khắc phục: khiêm tốn nhận khuyết điểm và bình tĩnh tiếp thu ý kiến đóng góp dù cho đó có là lời chỉ trích để nhanh chóng tiến bộ.
2. Thiển cận (55%)
Nhiều startup không thể thành công vì không lên kế hoạch cụ thể về mọi thứ có liên quan đến dự án, không dự trù nhiều tình huống xấu có thể xảy ra...
Các startup thường phạm các sai lầm thể hiện sự thiển cận như sau:
- Tiêu hết tiền mặt: 29%
- Sai lầm trong tính toán giá cả/chi phí: 18%
- Không chú trọng yếu tố tài chính/nhà đầu tư: 8%
Cách khắc phục: duy trì một nguồn tiền dự trữ để đề phòng sự cố. Thêm vào đó, để thành công, bạn buộc phải là một người biết nhìn xa trông rộng. Một câu ngạn ngữ khá nổi tiếng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lên kế hoạch: “Thất bại trong việc lên kế hoạch có nghĩa là lên kế hoạch để thất bại”.
3. Xem thường yếu tố marketing và bán hàng (47%)
Rất nhiều nhà khởi nghiệp tin rằng “Nếu bạn làm ra cái bẫy chuột tốt hơn, cả thế giới sẽ tìm đường đến nhà bạn”. Quan điểm đề cao yếu tố kỹ thuật và ít chú trọng đến khâu tiếp thị và bán hàng đã trở nên lỗi thời.
Quả thật, có một thực tế đáng buồn là rất nhiều sản phẩm độc đáo hoặc thậm chí xuất sắc không thành công như mong đợi vì chiến lược tiếp thị và bán hàng kém hiệu quả.
Khi không chú trọng đến khâu tiếp thị và bán hàng, các startup thường phạm phải các sai lầm:
- Không cạnh tranh nổi với các đối thủ: 19%
- Chiến lược marketing nghèo nàn: 14%
- Bỏ qua khách hàng tiềm năng: 14%
Cách khắc phục: hãy chi trả xứng đáng để tìm được nhân viên tiếp thị và nhân viên bán hàng giỏi, bởi vì vai trò của họ trong công ty cũng quan trọng không kém các kỹ sư.
4. Tự cao tự đại (36%)
Các startup thường muốn được sở hữu những nhân viên tài năng, giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm và đầy nhiệt huyết. Thế nhưng để khởi nghiệp thành công, điều không thể thiếu là quá trình nỗ lực mang tính tập thể và điều quan trọng là mọi người phải phối hợp tốt với nhau khi làm việc.
Các sai lầm đến từ sự tự cao tự đại mà các startup thường mắc phải:
- Đội ngũ làm việc không phù hợp: 23%
- Bất hòa xảy ra giữa các thành viên/các nhà đầu tư: 13%
Cách khắc phục: trong cuốn sách mới xuất bản với tựa đề Team Genius, có một quy tắc trong xây dựng đội ngũ làm việc là: để có được một nhóm lý tưởng, trước khi tuyển người, bạn phải thực hiện việc nghiên cứu kỹ càng từ thực tế.
5. Cẩu thả (34%)
Nếu làm việc cẩu thả, các công ty lớn sẽ phải trả giá rất đắt, có thể là một số tiền lớn hoặc tệ hơn nữa là đánh mất đi uy tín thương hiệu của mình.
Vì thế, để trở thành doanh nhân, bạn phải là người tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Các startup thất bại do mắc lỗi cẩu thả như sau:
- Sản phẩm nghèo nàn: 17%
- Không chú trọng định vị thương hiệu: 9%
- Gặp phải các rủi ro pháp lý: 8%
Cách khắc phục: nếu muốn phát triển lớn mạnh, bạn phải hợp tác làm việc với những người biết định hướng cụ thể trong công việc.
6. Mất cân bằng (30%)
Rất nhiều bài viết và những cuốn sách nói về việc mất cân bằng trong công việc hoặc cuộc sống sẽ dẫn đến cảm giác căng thẳng và những quyết định sai lầm như thế nào. Thế nhưng rất nhiều người sáng lập các dự án startup lại làm việc trong tình trạng mất cân bằng như thế, và hệ quả là họ sẽ trở nên:
- Mất tập trung: 13%
- Thiếu kiên nhẫn: 9%
- Kiệt sức: 8%
Cách khắc phục: tập thể dục hoặc thiền mỗi ngày, tắt điện thoại khi ngủ, ăn uống khoa học, rèn luyện tính kỷ luật...
7. Thiếu linh hoạt (17%)
Lợi thế quan trọng nhất của một dự án startup so với các công ty đã được thành lập lâu năm là sự tự do và linh hoạt. Tuy vậy, con người thường có xu hướng tự nhiên là theo đuổi một điều gì đó đã từng được chứng minh là không khả thi. Sự cứng nhắc đó sẽ dẫn đến hậu quả:
- Thay đổi hướng kinh doanh không hợp lý: 10%
- Thất bại trong việc thay đổi hướng kinh doanh: 7%
Cách khắc phục: ngay từ đầu, hãy chuẩn bị đầy đủ tất cả những gì bạn cần. Tuy nhiên, khi sự cố xảy ra, phải sẵn sàng thay đổi cho phù hợp. Hãy thích ứng chứ đừng chống lại những sự thay đổi mang tính tất yếu.