Khó hiểu vô cùng cách Genz tiêu tiền: ‘Ăn chực nằm chờ’, vung hàng chục triệu mua Labubu, đợi cả đêm để ‘săn’ bằng được chiếc ly hồng sapphire
Chi tiền triệu để bóc “túi mù”, xếp hàng từ đêm tới sáng, ngủ trên vỉa hè để mua đồ chơi Labubu với giá hàng chục triệu, rồi “phát cuồng” vì chiếc ly nước màu hồng sapphire của một thương hiệu có tiếng… đó là những hành vi tiêu tiền đầy khác biệt của thế hệ Gen Z.
Thời gian gần đây, người ta chứng kiến sự bùng nổ của Gen Z – thế hệ trẻ với những cách tiêu tiền đầy khác biệt và đôi khi khó hiểu. Một trong những xu hướng tiêu dùng nổi bật là việc giới trẻ sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng cho những món đồ chơi như Labubu, vung tiền bóc "túi mù" hay xếp hàng thâu đêm để săn lùng một ly nước. Điều này không chỉ khiến nhiều người ngạc nhiên mà còn đặt ra câu hỏi về giá trị thực sự của những sản phẩm này.
Những kiểu "đu trend" kì lạ
Nếu như trước đây, người ta từng chứng kiến những đoàn người xếp hàng dài, vạ vật chờ đợi, thậm chí ngủ đêm trên vỉa vè để sở hữu một phiên bản điện thoại mới ra mắt hay một món đồ công nghệ "hot hit" với giá trị cao, thì bây giờ, Gen Z cũng xếp hàng, cũng cắm trại, ngủ đêm bên ngoài trung tâm thương mại để… chờ mua một món đồ chơi.
Theo Báo cáo thị trường bán lẻ trực tuyến của Metric trên các sàn thương mại điện tử, chỉ trong vòng 3 tháng, số tiền người Việt chi để mua đồ chơi Labubu qua 5 sàn thương mại điện tử là 6,9 tỷ đồng, tương đương 49.400 sản phẩm. Labubu là món đồ chơi nghệ thuật do nghệ sĩ Hong Kong tên Kasing Lung thiết kế vào năm 2015, lấy cảm hứng từ con quái vật có răng nhọn của thần thoại Bắc Âu. Đặc biệt, loại đồ chơi này đã trở thành cơn sốt toàn châu Á khi được ca sĩ Lisa (Black Pink) nhiều lần đăng tải trên mạng xã hội. Từ nửa năm nay, các phiên bản đồ chơi hay các sản phẩm mang tạo hình Labubu đã tạo nên những trận bão mua sắm tại Việt Nam.
Các sản phẩm đồ chơi Labubu có giá từ 200.000 đến hơn 20 triệu đồng đều được giới trẻ săn đón. Sản phẩm chính hãng mở bán trên store cháy hàng chỉ sau vài giây, song nhiều bạn trẻ vẫn chấp nhận đặt qua "kênh ngoài" với mức giá chênh lệch từ 3 – 5 lần. Phương Mai (21 tuổi, Tp. Hồ Chí Minh) chia sẻ: " Mình có sưu tập được 8 con ở nhà nhưng vẫn thiếu phiên bản Labubu hoa cúc và Labubu pastel nên quyết tâm 'săn' bằng được. Hôm trước mình có xếp hàng ở store nhưng 6 tiếng đồng hồ vẫn không mua được do chưa tới lượt mình đã hết hàng, nên mình mua trên mạng, giá 1.000.000 đồng/con, trong khi ở store chính hãng chỉ 380.000đ".
Trước Labubu, một trào lưu "bóc túi mù" cũng đã và đang khiến giới trẻ không tiếc tay "vung tiền". Được lùng mua ngày càng nhiều, loại đồ chơi này tạo nên cơn sốt khó dứt trên các sàn thương mại. Blind box (túi mù, hộp mù) là sản phẩm chứa bên trong những món đồ ngẫu nhiên, có thể là mô hình con vật, hoa quả, bánh trái hay những nhân vật hoạt hình...đủ hình dáng, màu sắc. Và người mua sẽ chỉ biết đó là đồ gì sau khi bóc túi. Giá của túi mù cũng khá đa dạng, có loại rẻ vài chục nghìn đến trăm nghìn đồng nhưng cũng có loại cao cấp giá lên đến vài triệu đồng/hộp, bất chấp đó chỉ là những sản phẩm để trưng bày, không có nhiều công dụng.
Đỗ Ngọc Liên (23 tuổi, Hà Nội) cho biết, thứ hấp dẫn nhất của túi mù chính là cảm giác hồi hộp, bất ngờ mà nó mang lại: " Không biết bên trong hộp chứa gì, cảm giác háo hức như chơi trò may rủi, rất xả stress", và đây chính là điều thôi thúc những người trẻ như Liên liên tục "xuống tiền".
Một ví dụ khác là cơn sốt ly hồng sapphire đang gây sốt những ngày gần đây . Những chiếc ly này không chỉ đơn thuần là đồ uống mà còn trở thành biểu tượng cho sự "sành điệu" trong mắt nhiều bạn trẻ. Họ sẵn sàng xếp hàng dài chỉ để được sở hữu một chiếc ly "hot trend" này. Phan Hoàng Mai (19 tuổi, Hà Nội) cho biết: " Mình đã có ly cầu vồng, ly mùa hạ, ly mùa thu, nên rất muốn có được chiếc ly giáng sinh màu hồng sapphire này . Dù quán nào cũng đông, phải xếp hàng dài, hôm mình xếp hàng còn bị muộn giờ vào học, nhưng cầm ly trên tay để quay tiktok thì vẫn thấy rất vui". Sau khi có được sản phẩm, Hoàng Mai cảm thấy rất hào hứng và liên tục chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội.
Xu hướng hay lãng phí? Phong cách hay thiếu suy nghĩ?
Điểm chung ở những món đồ mà giới trẻ đang không tiếc tiền để sở hữu là chúng có thể tạo nên một bộ sưu tập, trong đó, có những phiên bản giới hạn có giá khá đắt đỏ và phải bỏ nhiều công sức mới có thể "săn" được. Nhiều bạn trẻ đang xem việc sở hữu một bộ sưu tập túi mù, Labubu hay ly Starbucks, ly hồng sapphire hoàn chỉnh là một niềm tự hào. Việc săn lùng những món đồ hiếm, độc đáo bỗng chốc trở thành cuộc đua, tạo nên một cộng đồng chia sẻ và khoe "chiến tích".
Tuy nhiên, việc chi tiêu cho những món đồ như vậy có thực sự cần thiết? Nhiều người cho rằng đây là một hình thức tiêu tiền lãng phí, khi mà giá trị sử dụng của những món đồ này gần như "bằng không"! Hơn nữa, việc dành thời gian xếp hàng thâu đêm chỉ để mua một sản phẩm có thể khiến cho nhiều người cảm thấy đây là hành động vô bổ, tốn thời gian mà không mang lại ích lợi gì.
Bà Nguyễn Thị Tuyết (63 tuổi, Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, khi thấy cháu gái cùng nhóm bạn của mình đăng hình xếp hàng mua Labubu trên mạng xã hội, bà đã rất tức giận: " Đọc báo đài thấy người ta đăng hình bên Trung Quốc, sinh viên đại học Thanh Hoa xếp hàng vào thư viện học tập đến gần sáng; còn cháu mình thì đăng hình xếp hàng mua đồ chơi cả đêm. Thật không hiểu bọn trẻ nghĩ gì".
Còn một bậc phụ huynh khác, anh Mạnh Cường (48 tuổi, Hà Nội) cũng không ngại thể hiện sự búc xúc khi con gái đam mê sưu tập túi mù: " Nhà chung cư bé tí, chật chội mà phải dành hẳn một góc để bày đồ chơi, đồ cũ thì bụi phủ mờ, nhưng tuần nào cũng mua thêm đồ mới. Vài năm nữa nó đi học xa nhà, đám đồ này rồi lại đóng thùng vứt đi".
Warren Buffett- tỉ phú tự thân người Mỹ, nổi tiếng với những khoản đầu tư không bao giờ thua lỗ - đã nói: " Nếu bạn mua những thứ không cần thiết, sớm muộn gì bạn cũng phải bán đi những thứ mình cần" . Và việc chi tiêu vô tội vạ cho những món đồ không cần thiết, không có giá trị sử dụng hay chỉ mang tính giải trí nhất thời có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tài chính không ổn định. Mặc dù những món đồ này mang lại niềm vui và sự hào hứng trong cuộc sống, nhưng chúng cũng đặt ra câu hỏi về cách tiêu tiền hợp lý và giá trị thực sự.
Có lẽ, việc tìm kiếm sự cân bằng giữa niềm vui tiêu dùng và giá trị lâu dài là điều mà thế hệ trẻ cần suy nghĩ nhiều hơn.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về lối tiêu tiền này?