Khi phụ nữ phải chịu mức lương thấp: Xử trí thế nào và ‘đòi hỏi’ ra sao?

27/03/2018 13:55 PM | Sống

Tại sao lại ngần ngại đòi hỏi quyền lợi cho chính bản thân trong khi điều tệ nhất ta có thể nhận lại chỉ là một lời từ chối?

Chúng ta nhìn chung ít khi có tư duy ‘đòi hỏi’ thêm về quyền lợi của mình mỗi khi đi phỏng vấn, kể cả nam giới hay phụ nữ. Riêng đàm phán về lương lại càng hiếm có hơn cả, nhất là với tâm lí hay ‘ngại’ hoặc ‘cả nể’. Vô hình chung, điều này khiến chúng ta đôi khi làm việc với tâm lý không thật sự thoải mái và dễ so bì, tị nạnh.

Theo nhiều nghiên cứu, những người bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi tình trạng này chính là nữ giới. Bởi lẽ, sự mềm mỏng của phụ nữ đôi khi chính là điều khiến họ trở thành thế yếu trong một cuộc đàm phán trong công việc, và cả mức lương. 

Nhưng tại sao phụ nữ lại phải cố gắng chịu đựng một mức lương và mức đãi ngộ thấp hơn trong khi lượng công việc họ phải làm cũng giống như bao người khác? Đó là do các chị em chưa tự tin và chưa biết cách ‘đòi hỏi’ mà thôi.

Nên đưa ra đòi hỏi về mức lương và quyền lợi với những công việc nào?

Một số chuyên gia cho rằng chúng ta nên luôn luôn nêu ra yêu cầu của mình về mức lương hoặc đòi hỏi thêm lương. Nhưng trước khi làm thế, hãy chắc chắn bạn đã tìm hiểu kỹ về công việc và cả nhà tuyển dụng, để đảm bảo rằng ‘họ’ là những người có thể đàm phán được. 

Hiện nay, một số vị trí tuyển dụng thường được đưa ra với mức lương ấn định trước, mặt tích cực của mức lương công khai này đó là chúng ta thấy rõ sự công bằng, không phân biệt giới tính hay bất kì điều gì khác. Nhưng điều này cũng có mặt tiêu cực của riêng nó, đó là bạn chẳng có cơ hội ‘trả giá’ nào hết. 

Một số công việc thường có mức lương cố định hiện nay gồm: Nhân viên chăm sóc khách hàng, phục vụ khách sạn, nhân viên theo giờ, một số vị trí cấp cao, nhân viên trong công ty lớn,… Càng là những công việc có tính cạnh tranh cao, mức lương sẽ càng khác biệt và dễ có cách biệt về lương giữa nam và nữ giới.

Ngoài ra, có rất nhiều công việc mà mức lương được đưa ra dựa trên năng lực của ứng viên, và đây cũng là một ‘cái bẫy’ mà nhiều phụ nữ không nhận ra. Có thể khi bắt đầu, bạn còn chưa hoàn toàn thích ứng với công việc và phải nhận mức lương thấp hơn, nhưng khi bạn đã thành thạo công việc và xứng đáng với một mức lương cao hơn, đừng ngần ngại đòi hỏi.

Hãy cân nhắc trước khi gật đầu!

Một điều mà các bạn nên luôn tâm niệm, đó là hãy dành thời gian để đánh giá về công việc mình ứng tuyển chứ đừng quá vội vàng đồng ý, kể cả khi đã vô cùng ưng ý. Trước khi tới phỏng vấn, tìm hiểu về công việc, công ty, nhà tuyển dụng là một điều vô cùng cần thiết. Nếu có người quen trong công ty thì càng tốt, bạn càng dễ tiếp cận với chính sách và môi trường làm việc.

Sau khi phỏng vấn, hãy dành chút thời gian xem xét công việc mới với công việc cũ của bạn, về các triển vọng tương lai và so với cả những công việc mà bạn đã ứng tuyển. Nếu tất cả đều có vẻ ổn thỏa, đặc biệt là triển vọng phát triển trong tương lai, thì việc đòi hỏi thêm về lương có thể tạm gác qua một bên.

‘Chiến lược đòi hỏi’ một cách hợp lí

Biết mình cần gì: Chắc chắn trước khi đi phỏng vấn, ai cũng có mục tiêu và kì vọng trong mình về công việc. Nếu bạn cần nhất là kinh nghiệm, chuyện lương lậu có thể là thứ yếu. Còn nếu đã có kì vọng riêng về mức lương, thì hãy luôn lấy điều đó làm tiêu chuẩn. Nếu mức lương mời chào quá thấp so với kì vọng và khó mà đàm phán lên quá cao, thì không cần phải suy nghĩ quá nhiều. Tương tự, ngay từ bước tìm việc, chúng ta đã có thể loại bỏ bớt những công việc không như mong muốn.

Khi phụ nữ phải chịu mức lương thấp: Xử trí thế nào và ‘đòi hỏi’ ra sao? - Ảnh 1.

Biết mình ‘được phép’ đòi hỏi: Có thể chính bạn sẽ cảm thấy không thoải mái nếu tỏ ra quá quan tâm đến chuyện lương thưởng, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không được phép hỏi. Tốt nhất hãy thử hỏi rằng liệu bạn có thể thương lượng thêm về mức lương không. Dù đó có là một công ty trong mơ với một lời mời chào vô cùng hấp dẫn, không mở miệng cũng đồng nghĩa với việc bạn có thể đã bỏ qua chút quyền lợi cho chính mình.

Nhận thức được những khác biệt về giới: Hiện nay có lẽ ít có nhà tuyển dụng nào có tư tưởng phân biệt mức lương riêng cho nam giới và nữ giới, nhưng ít không có nghĩa là không có. Tìm hiểu kỹ càng, thương lượng trực tiếp, nếu không đạt được một thỏa thuận về một mức lương tốt hơn thì chút lợi ích về tiền thưởng hay tương lai phát triển cũng có thể chấp nhận được.

‘Tận dụng’ quản lí tuyển dụng: Một khi người tuyển dụng đã vô cùng hài lòng về bạn, thì họ có thể thuyết phục các cấp trên nhận bạn, hoặc có chút đề nghị về một mức lương tốt hơn cho bạn. Thử tiếp cận bằng cách: "Em rất hài lòng với vị trí và công việc này, nhưng liệu có thể có mức lương thưởng tốt hơn nữa không ạ?" Bởi đơn thuần bạn chỉ đang thắc mắc chứ đâu phải đòi hỏi!

Hãy có sự chuẩn bị: Dù có chuẩn bị ‘đòi hỏi’ mức lương bao nhiêu, thì bạn cũng nên đưa ra một lí do hợp lí rằng vì sao bạn lại xứng đáng với số tiền đó. Ví dụ như năng lực làm việc của bạn thế nào, bạn đã làm được những gì, và bạn hứa hẹn sẽ làm việc ra sao,…

Cẩn thận lời lẽ: Có nhiều cách để đề cập và thương lượng mức lương, mà không phải cách nào, từ ngữ nào, lời lẽ nào ta cũng ‘vạ miệng’ dùng được. Đừng để cách tiếp cận của bạn khiến nhà tuyển dụng thấy không thoải mái hoặc thay đổi cái nhìn về bạn.

Suy nghĩ tích cực: Khi gặp một công việc không như mong muốn có thể khiến bạn ít nhiều khó chịu. Nhưng đừng biến những suy nghĩ tiêu cực của bạn thành lời nói, cũng không cần tốn công cố đàm phán thêm, chỉ cần cảm ơn nhà tuyển dụng và từ chối lời đề nghị mà thôi.

Biết rằng mình luôn có sự lựa chọn: Bạn đi tìm việc, bạn cần công việc, nhưng bạn không cần thiết phải chấp nhận mọi yêu cầu mà nhà tuyển dụng đưa ra nếu bạn không vừa lòng. Không nhận công việc này, bạn vẫn có cơ hội tìm được công việc khác tốt hơn, đừng nghĩ quá nhiều.

Dù việc thương lượng để có một công việc hoàn toàn vừa ý không hề dễ dàng, nhưng cũng đừng ngại đưa ra những nguyện vọng và câu hỏi của mình. Chỉ cần bạn chịu mở miệng hỏi han, bạn có thể nhận được nhiều hơn những gì bạn nghĩ.

Quỳnh Anh

Cùng chuyên mục
XEM