Khi nước Mỹ thừa lợn: Nỗi đau của người nông dân vì Trung Quốc 'quay xe' quá nhanh

28/05/2023 10:09 AM | Xã hội

Việc Trung Quốc tạo bong bóng thịt lợn rồi bất ngờ xì hơi nhanh chóng đang khiến nông dân Mỹ than trời khi càng nuôi càng lỗ.

Khi nước Mỹ thừa lợn: Nỗi đau của người nông dân vì Trung Quốc 'quay xe' quá nhanh - Ảnh 1.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết Trung Quốc là nước tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất thế giới với 55,41 triệu tấn năm 2022, chiếm tới 60% toàn cầu.

Với thị trường tiềm năng như vậy thì không có gì lạ khi ngành chăn nuôi heo xuất khẩu tại Mỹ với tổng trị giá lên đến 54 tỷ USD đã tăng trưởng chóng mặt vượt cả nhu cầu nội địa bất chấp chi phí đi lên cùng những tiêu chuẩn khắt khe hơn về môi trường, bảo vệ động vật...

Tuy nhiên cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung đã khiến mảng xuất khẩu thịt lợn bị ảnh hưởng và nhiều nông trại chăn nuôi của Mỹ đang có nguy cơ phải đóng cửa vì thua lỗ nặng nhất suốt nhiều thập niên qua.

Khi nước Mỹ thừa lợn: Nỗi đau của người nông dân vì Trung Quốc 'quay xe' quá nhanh - Ảnh 2.

Hàng loạt những công ty sản xuất thịt như Smithfield Foods, Tyson Foods hay JBS đều than vãn rằng lợi nhuận ngành bán thịt heo đang giảm mạnh khiến chuỗi cung ứng, từ các trang trại đến nhà máy chế biến, phải giảm công suất.

“Toàn ngành đang phải chịu áp lực cực kỳ lớn”, CEO Shane Smith của hãng thịt lợn lớn nhất Mỹ là Smithfield thừa nhận.

Càng nuôi càng lỗ

Tại bang Iowa, nơi số lượng heo còn đông hơn cả dân số, chủ trang trại Swight Mogler cho biết anh lỗ đến 30-40 USD cho mỗi chú heo mình bán và thậm chí chưa thu được đồng lợi nhuận nào từ đầu năm đến nay.

Hàng loạt những kế hoạch mở rộng sản xuất hay cải tiến công nghệ chăn nuôi buộc phải tạm hoãn khi tình hình trở nên khó khăn.

Làm ăn bết bát khiến anh Mogler cho biết sẽ buộc phải thay đổi kế hoạch, thu nhỏ quy mô trang trại, vốn đâng nuôi 4.400 con lợn, thay vì mở rộng. Đồng thời trang trại của Mogler cũng sẽ không gia hạn hợp đồng cung ứng thịt với nhà máy nữa để đề phòng khả năng rút lui khỏi ngành.

Khảo sát của trường đại học bang Iowa cho thấy những người nông dân chăn nuôi lợn tại Mỹ đã có 4 tháng đầu năm tệ nhất trong suốt 20 năm qua. Nhu cầu tăng mạnh tại Trung Quốc khi dịch bệnh cúm heo khiến nước này cần nhập khẩu gấp thịt lợn từ nước ngoài đã thổi bùng bong bóng tại Mỹ để rồi bất ngờ xì hơi.

Số liệu chính thức cho thấy xuất khẩu thịt lợn của Mỹ đạt kỷ lục 7,3 tỷ pound, tương đương 3,7 triệu tấn năm 2020. Thế nhưng con số này đã giảm 10% trong năm 2022 sau khi xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang và chính quyền Bắc Kinh nhanh chóng xây dựng lại đàn lợn của mình.

Lối thoát nào cho thịt lợn Mỹ?

Dưới thời kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump, Trung Quốc đã nâng hàng rào thuế quan cho thịt lợn đông lạnh nhập khẩu nhưng vì người nông dân Mỹ chưa tăng sản lượng nên chịu tác động không lớn.

Thế nhưng chính quyền Bắc Kinh lại giảm thuế này vào năm 2020 khi dịch bệnh khiến đàn lợn của họ bị thiêu hủy và cung không đủ cầu. Thế rồi thị trường này tiếp tục “quay xe” năm 2022 khi căng thẳng 2 nước leo thang.

Khi nước Mỹ thừa lợn: Nỗi đau của người nông dân vì Trung Quốc 'quay xe' quá nhanh - Ảnh 3.

Trớ trêu thay là lúc này các trang trại lợn tại Mỹ đã đua nhau tăng sản lượng để bán sang cho Trung Quốc thì nay mắc kẹt với số heo dư thừa. Phía Mỹ thậm chí đã tính đến việc xuất khẩu bớt sang các thị trường Châu Á khác nhưng đồng USD mạnh lại khiến thịt lợn của họ đắt đỏ hơn so với sản phẩm địa phương.

Tờ WSJ nhận định việc dư thừa nguồn cung sẽ làm hạ giá thịt lợn và giúp kiềm chế lạm phát trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu hiện nay. Thế nhưng các hãng sản xuất thịt lại chưa vội hạ giá khi họ đã tốn quá nhiều chi phí mở rộng sản xuất, còn người nông dân thì cũng chẳng muốn bán lỗ trừ phi quyết định rời bỏ ngành.

Từ đầu tháng 5, hãng Smithfield đã bắt đầu đóng cửa hơn 30 nông trại chăn nuôi lợn của mình và đang thu hẹp lại chuỗi cung ứng.

Tập đoàn mẹ của Smithfield là WH Group mới đây công bố thua lỗ lợi nhuận hoạt động đến 218 triệu USD tại thị trường Mỹ và Mexico, mức trái ngược hoàn toàn so với lợi nhuận 50 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, doanh thu quý I của JBS cũng giảm đến 81%. Hãng Tyson Foods thì giảm 9% doanh thu xuống còn 1,4 tỷ USD cùng với khoản lỗ 33 triệu USD của mảng kinh doanh thịt lợn 3 tháng đầu năm.

*Nguồn: WSJ

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM