Khi đàn ông FA là hiểm họa kinh tế cho toàn châu Á

19/04/2017 12:44 PM | Kinh tế vĩ mô

Chuyện đàn ông độc thân (FA) không có gì là lạ tại Châu Á khi tỷ lệ mất cân bằng giới tính đang ngày một cao. Tuy nhiên, câu chuyện nghiêm trọng hơn rất nhiều so với những gì mọi người lầm tưởng.

Trong thời gian gần đây, kết cấu dân số tại Châu Á đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều chuyên gia khi vấn đề này bắt đầu ảnh hưởng lớn đến khu vực có nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất trên thế giới. Kinh tế phát triển và đời sống lên cao đã đẩy tuổi thọ dài hơn, tỷ lệ sinh thấp hơn, qua đó giảm chất lượng lao động trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, không chỉ có vấn đề tuổi tác, sự mất cân bằng giới tính cũng đang diễn ra tại nhiều nền kinh tế lớn ở Châu Á do hậu quả của văn hóa chuộng con trai từ thập niên 1980. Đến năm 2035, Châu Á được dự báo sẽ dư thừa 65 triệu đàn ông so với nữ giới trong độ tuổi 20-40, kéo theo đó là những hệ lụy về sinh sản khi đây là độ tuổi lập gia đình.

Lượng dư thừa này chiếm khoảng 5% tổng dân số của khu vực vào năm 2035, như vậy cứ 10 người nữ thì sẽ có gần 11 người nam. Nói cách khác, tỷ lệ độc thân của cánh mày râu có lẽ sẽ ngày càng đáng báo động hơn trong tương lai.

[A Tùng] Khi đàn ông FA là hiểm họa kinh tế cho toàn châu Á - Ảnh 1.

Châu Á có quá thừa nam giới với hàng chục triệu chàng trai sẽ phải độc thân trong vài thập niên tới

Nữ giới là hàng hiếm

Vùng Jhajjar nằm cách 50km về phía Tây thủ đô New Delhi là khu vực vô cùng nổi tiếng tại Ấn Độ bởi tỷ lệ chênh lệch nam nữ tại đây. Năm 2011, bình quân Ấn Độ có mức chênh lệch 108 trai/ 100 gái nhưng Jhajjar có mức 128 trai/ 100 gái, thuộc một trong những vùng đứng đầu tại Ấn Độ về mất cân bằng giới tính.

Trò chuyện với những người trung tuổi tại đây, hầu hết họ đều muốn con trai bởi các ông bố bà mẹ kỳ vọng con trai sẽ chăm sóc cho họ, trong khi các cô con gái chỉ có thể quanh quẩn quanh nhà bếp của nhà chồng. Nói cách khác, con trai trở thành kênh đầu tư đầy hứa hẹn trong khi những cô con gái bị coi là gánh nặng của gia đình.

Tâm lý này không chỉ có tại Ấn Độ mà vô cùng phổ biến ở Châu Á, đặc biệt văn hóa Nho giáo tại Trung Quốc đề cao quyền lực nam giới đã ảnh hưởng đến các nền văn hóa trong khu vực. Trên thực tế, văn hóa nông nghiệp cần nhiều sức trai ở đây đã khiến quan điểm trọng nam khinh nữ ăn sâu qua nhiều thế hệ. Vào đầu thập niên 80, nông nghiệp chiếm ít nhất 30% GDP Trung Quốc và Ấn Độ trong khi vùng nông thôn chiếm tới 75% dân số của cả nước.

[A Tùng] Khi đàn ông FA là hiểm họa kinh tế cho toàn châu Á - Ảnh 2.

Trung Quốc quá thừa nam giới

Khi nền kinh tế bùng nổ và nông nghiệp giảm dần vai trò của mình, vị thế của phụ nữ vẫn không thể đi lên do đàn ông vẫn đóng vai trò chính để kiếm thu nhập cho gia đình tại nhiều nước. Thống kê năm 2015 của UNICEF cho thấy tỷ lệ nam nữ tại Ấn Độ đạt 107,6 nam/ 100 nữ và khả năng sống sót của các bé gái trước 5 tuổi tại đây thấp hơn rất nhiều so với bé trai.

Không riêng gì Ấn Độ và Trung Quốc, tình trạng này đang lan ra toàn khu vực Châu Á. Ước tính của Liên hiệp quốc (UN) cho thấy có 2,24 tỷ đàn ông tại Châu Á và Trung Đông năm 2015 nhưng nữ giới lại chỉ có 2,14 tỷ. Mức chênh lệch 100 triệu người này tương đương với mức tăng trưởng 70% kể từ năm 1985.

Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng tình hình lại trái ngược hoàn toàn ở Phương Tây khi Châu Âu thừa tới 26 triệu nữ giới còn Bắc Mỹ thừa 3 triệu phụ nữ vào năm 2015. Thông thường, phụ nữ có tuổi thọ tự nhiên dài hơn đàn ông và tại những nước có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt, việc thừa nữ giới là điều hiển nhiên.

[A Tùng] Khi đàn ông FA là hiểm họa kinh tế cho toàn châu Á - Ảnh 3.

Ấn Độ quá thừa nam giới

Khởi nguyên của nạn nhập khẩu cô dâu

Tại Ấn Độ, thống kê của ILO cho thấy nữ giới chỉ chiếm 27% trong lực lượng lao động vào năm 2014, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân 50% toàn cầu. Mặc dù nền kinh tế này tăng trưởng 7% nhưng việc bỏ lại cả một lực lượng lao động nữ khiến tiềm năng của quốc gia này bị lãng phí.

Nghiên cứu của Viện McKinsey Global năm 2015 cho thấy GDP của Ấn Độ sẽ cao hơn 60% vào năm 2025 nếu phụ nữ được tham gia thị trường lao động tương đương như nam giới.

Tỷ lệ này thậm chí còn tồi tệ hơn Nam Á khi nữ giới chỉ tham gia 31% lực lượng lao động và trở thành một trong những khu vực mất cân bằng giới tính nhất trên thế giới.

Không chỉ kinh tế, việc mất cân bằng giới tính còn có tác động trên nhiều mặt của xã hội. Những vụ bạo hành gia đình, tội phạm hiếp dâm hay lạm dụng tình dục ngày một tăng cao khi cân bằng giới tính bị ảnh hưởng.

Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ mất cân bằng nam nữ lớn với 106,2 nam/100 nữ vào năm 2015 theo thống kê của UN. Đi cùng với đó là tỷ lệ tội phạm xã hội cũng tăng cao. Những vụ bạo hành gia đình, lạm dụng tình dục, buôn bán nữ giới, trẻ em đang ngày càng đáng báo động và thậm chí vượt xa cả biên giới Trung Quốc.

[A Tùng] Khi đàn ông FA là hiểm họa kinh tế cho toàn châu Á - Ảnh 4.

Tỷ lệ tội phạm tình dục tại Trung Quốc tăng theo tỷ lệ mất cân bằng giới tính

Năm 2016, Trung tâm phát triển và bảo về quyền con người Campuchia (CHRDA) đã nhận được 15 trường hợp khiếu nại buôn bán phụ nữ qua biên giới đến Trung Quốc để phục vụ mục đích hôn nhân. Tổ chức CHRDA cho biết đây mới chỉ là phần rất nhỏ của tảng băng chìm trong mảng buôn phụ nữ xuyên quốc gia này.

Việc thực hiện chính sách 1 con trong thời gian trước cùng với văn hóa Nho giáo khiến Trung Quốc thiếu nữ giới trầm trọng và tạo điều kiện cho tệ nạn buôn người từ các quốc gia láng giềng. Tệ hại hơn, Trung Quốc có số trẻ sinh mới năm 2016 cao hơn 1,31 triệu trẻ so với năm 2015, tương đương mức tăng 7,9% nhưng do có thể xét nghiệm giới tính trẻ sớm nên tỷ lệ phá thai cũng cao và mất cân bằng giới tính vẫn tồn tại.

Tại Việt Nam, tỷ lệ mất cân bằng giới tính đã tăng từ 106,2 nam/100 nữ vào năm 2000 lên 112,8 nam/100 nữ vào năm 2015, vượt qua cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ. Thậm chí, tỷ lệ này được dự đoán sẽ đạt 125 nam/100 nữ vào năm 2020. Sự tình nghiêm trọng đến mức đã có những đề xuất chính phủ thưởng tiền cho các gia đình sinh con gái, nhưng hiện vẫn chưa có kế hoạch nào như vậy được xây dựng cụ thể.

[A Tùng] Khi đàn ông FA là hiểm họa kinh tế cho toàn châu Á - Ảnh 5.

Nhật Bản quá thừa nam giới

Câu chuyện mất cân bằng giới tính tại Châu Á đối với nhiều người có lẽ không có gì to tát nhưng biến động dân số của Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam, chiếm 60% dân số Châu Á sẽ ảnh hưởng nhiều đến những nước còn lại trong khu vực.

Về kinh tế, mất cân bằng giới tính làm hạn chế tiềm năng tăng trưởng, qua đó ảnh hưởng xấu đến thương mại với các nước. Về xã hội, những hiểm họa từ việc khó lấy vợ sẽ khiến các quốc gia láng giềng trở thành “con mồi” trong mắt bọn buôn người, qua đó ảnh hưởng đến nguồn nhân lực các nền kinh tế.

BT

Cùng chuyên mục
XEM