Trung Quốc và cơn đau đầu dân số già hóa đúng lúc kinh tế cần cất cánh

30/03/2017 22:54 PM | Kinh tế vĩ mô

Dân số Trung Quốc đang già hóa rất nhanh. Trên thực tế, tốc độ già hóa của họ còn nhanh nhất thế giới. Và chính phủ Trung Quốc đang tỏ ra không kham nổi khi phải chăm lo cho họ.

Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), tỷ lệ dân số phụ thuộc của Trung Quốc có thể tăng đến mức 44% vào năm 2050. Tỷ lệ này so sánh sự chênh lệch giữa những người ngoài độ tuổi lao động với những người đang làm việc, hoặc có thể làm việc toàn thời gian. Đây là chỉ số được tạo ra để đo lường áp lực đối với thu nhập chịu thuế nhằm chi trả cho các chương trình như An sinh Xã hội hoặc chăm sóc y tế.

Dân số đang già đi của Trung Quốc cũng là một mối quan ngại lớn tương đương với mối lo về nợ công, đôi khi còn nghiêm trọng hơn vì Trung Quốc còn có thể làm biến mất các khoản nợ không mấy khó khăn, chứ không thể làm những người già và người đã nghỉ hưu biến mất được.

Dân số Trung Quốc đang già đi vào đúng lúc tầng lớp trung lưu và doanh nhân của nước này vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu cất cánh. Những trở ngại về tài chính này sẽ buộc các nhà làm luật đánh giá lại chi tiêu chính phủ, và điều này có thể đe dọa sự tồn tại của các chương trình kích thích kinh tế mà các nhà đầu tư đang trông chờ từ Bắc Kinh sau mỗi cuộc suy thoái.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, nợ công của Trung Quốc đã đạt mức 60% GDP, mặc dù có người cho rằng con số này còn có thể cao gấp đôi. Nợ công ở khu vực nhà nước của Trung Quốc đang là một trong những mức cao nhất trong số các thị trường mới nổi và chắc chắn cao hơn Brazil – một nước luôn được coi là có tỷ lệ nợ công/GDP cao nhất trong số 4 thị trường mới nổi lớn (được gọi là BRIC, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc).

Trong số các nước BRIC, Nga cũng phải đối mặt với những thách thức về dân số. Tỷ lệ nhập cư thấp, và ngày càng nhiều người Nga đi rời bỏ đất nước mình. Hiện độ tuổi trung bình của Nga là 39, còn cao hơn cả Trung Quốc (37). Vấn đề là ở số lượng. Dân số Trung Quốc nhiều hơn dân số Nga khoảng một tỷ người.

[A Tùng] Trung Quốc và cơn đau đầu dân số già hóa đúng lúc kinh tế cần cất cánh - Ảnh 1.

Sự bùng nổ dân số thời Mao Trạch Đông, tiếp đó là 36 năm áp dụng chính sách một con chính là nguyên nhân tạo nên sự méo mó trong nền kinh tế. Nhiều người nghèo ở nông thôn có nhiều hơn một con. Những người giàu có lại chỉ có một con, và một thế hệ những người giàu có để lại tài sản cho một đứa con duy nhất. Sự giàu có dễ dàng bị khu biệt và điều này tạo nên sự méo mó về khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc. Theo một nghiên cứu của đại học Bắc Kinh, 1% những người giàu nhất Trung Quốc nắm trong tay 30% tổng giá trị tài sản của cả nước.

Bí quyết cổ xưa của Trung Quốc

Dưới quan điểm của một nhà đầu tư thì Trung Quốc phải dựa vào chính phủ để giúp nền kinh tế phát triển. Khi dân số già đi, chính phủ cần phải dành ra một phần ngân sách để chăm lo cho những người già có thu nhập cố định, và trả lương hưu cho những người đã đóng bảo hiểm.

Người ta có thể nói rằng chính phủ Trung Quốc không biết đầu tư tiền vào những nơi chắc chắn sinh lời. Tăng trưởng tín dụng có thể đo lường nhu cầu ở một nền kinh tế như Nga, và chắc chắn là Mỹ. Nhưng ở Trung Quốc, tăng trưởng tín dụng đồng nghĩa với việc tiền được dùng để xây các "thành phố ma" hoặc cho chính quyền địa phương vay, tiếp đó lại đến tay các công ty tư nhân, thường thuộc quyền sở hữu của bạn bè các chính trị gia.

Tất nhiên là những quyết định cho vay đó đều mang lại việc làm cho tầng lớp lao động nghèo ở Trung Quốc. Nói cách khác, Trung Quốc có thể phải chuyển hướng chi tiêu về phía những người đã nghỉ hưu, nhưng ít nhất các nhà đầu tư còn biết là tiền được dùng vào việc gì. Chỉ có điều dành tiền cho những người nghỉ hưu và người già cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ có ít tiền hơn cho các gói kích thích kinh tế.

Theo LHQ, sẽ phải mất 20 năm để dân số già ở Trung Quốc tăng từ 10% lên 20% (2017-2037). Mức gần nhất là ở Nhật Bản (23 năm). Để so sánh, con số này ở Đức là 61 năm và ở Thụy Điển là 64 năm. Tỷ lệ dân số phụ thuộc của Trung Quốc vào năm 2015 là 14%. Theo LHQ ước tính, tỷ lệ này sẽ tăng lên 44% vào năm 2050, và số người từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng từ 100 triệu (2005) lên khoảng 330 triệu (2050), tức gần bằng dân số Hoa Kỳ và gấp đôi dân số Nga.

Các yếu tố nhân khẩu học sẽ là một phần quan trọng trong các tính toán của nhiều nhà đầu tư và các chuyên gia phân tích. Theo một chuyên gia thì "Trung Quốc thiếu khả năng trang trải trợ cấp xã hội, điều mà các nước giàu có hơn đã thực hiện trong các cuộc chuyển dịch dân số".

Rob Lutts, giám đốc đầu tư và là thành viên sáng lập Quỹ Cabot Wealth Management, đã đến Trung Quốc vào tháng 01/2017 vừa rồi. "Tôi nghĩ là Trung Quốc sẽ vượt qua được những giai đoạn thử thách của mình", ông nói. "Họ hiểu được tác động của các gói kích thích kinh tế và biết tiền đi đâu. Có thể nói là họ đang lạc quan một cách thận trọng".

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM