Khi Amazon áp dụng triết lý “không lợi nhuận” cho Whole Foods, cả thị trường bán lẻ Mỹ sẽ phải điên đảo

16/08/2017 10:01 AM | Kinh doanh

Chiến lược kinh doanh “không lợi nhuận” của Amazon có thể trở thành thảm họa với mọi đại gia bán lẻ khác trên khắp nước Mỹ.

Thương vụ mua lại Whole Foods của Amazon đã khiến hàng loạt cổ phiếu của các tập đoàn bán lẻ lớn trên khắp nước Mỹ sụt giảm đáng kể. Nguyên nhân không chỉ vì tham vọng bá chủ thế giới đang ngày càng rõ rệt của Amazon, mà nó còn đến từ chiến lược kinh doanh đặc biệt của gã khổng lồ: Amazon không phát sinh lợi nhuận.

Chiến lược trên khiến việc cạnh tranh với Amazon trở nên hoàn toàn đáng sợ với mọi ngành nghề mà kẻ khổng lồ này tham gia, từ lúc thành lập công ty đến nay, Amazon luôn hoạt động trên nguyên tắc lợi nhuận gần như bằng không, từ năm này sang năm khác.

Amazon chắc chắn không mua Whole Foods vì lợi nhuận của chuỗi cửa hàng này. Một Whole Foods dưới sự dẫn dắt của Amazon sẽ không còn tập trung vào lợi nhuận, đồng nghĩa với việc gây khó khăn cho cả nền bán lẻ nước Mỹ khi hiện giờ tỷ lệ lợi nhuận biên của ngành đã ở mức rất thấp.

Whole Foods chỉ muốn có lợi nhuận như bao chuỗi bán lẻ khác

So với các chuỗi bán lẻ khác, Whole Foods là một đối thủ còn khá trẻ với quy mô không lớn. Nhưng hoạt động những năm gần đây của Whole Foods luôn đem lại khoản lợi nhuận nhất định, và chính CEO của công ty này đã tự tin thông báo trong đại hội cổ đông gần nhất rằng Whole Foods sẽ “tăng cổ tức và mua lại cổ phiếu của các cổ đông” trong kế hoạch “tăng tốc để hướng đến mục tiêu tạo ra nhiều giá trị hơn nữa.”

Nói cách khác, Whole Foods hoạt động như bao tập đoàn bán lẻ lớn khác khi tập trung vào lợi nhuận và gia tăng cổ tức cho các cổ đông. Như tập đoàn Walmart vừa gia tăng cổ tức của công ty vào tháng Hai, và cổ tức của Target đã tăng ít nhất 2 lần trong 5 năm qua.

Và Amazon sẽ luôn là công ty startup lớn nhất thế giới

Amazon luôn tự nhận mình là một công ty startup, và startup sẽ không hoạt động như mô hình cũ của Whole Foods. Startup không trả cổ tức, startup không mua lại cổ phần từ cổ đông, và startup sẽ không đảm bảo kinh doanh có lợi nhuận.

Lợi nhuận hàng quý của Amazon chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với doanh thu và quy mô khổng lồ của công ty này, thậm chí Amazon còn chịu lỗ trong một vài thời điểm và không bao giờ chia cổ tức cho các cổ đông.

Thay vào đó, phần doanh thu của Amazon được đầu tư vào những mảng kinh doanh mới. Amazon đang cạnh tranh trực tiếp với Google và Apple trong lĩnh vực loa thông minh điều khiển bằng giọng nói. Amazon cũng xây dựng cho riêng mình nhiều chương trình truyền hình và đã hiện thực hóa giấc mơ đoạt giải Oscar cho Jeff Bezos vào đầu năm nay.

Ngoài ra, Amazon đã tiến hành thu mua và trực tiếp sản xuất một loạt nhãn hiệu gia dụng, xây dựng nhiều cửa hàng sách ở khắp các thành phố lớn. Amazon còn thử nghiệm cửa hàng tự động tính tiền và xâm nhập sâu hơn vào thị trường giao nhận bách hóa. Và trong mảng thương mại điện tử cốt lõi, Amazon đang ra sức đầu tư để ngày càng nhiều sản phẩm có thể được giao ngay trong ngày hoặc chậm nhất là ngày hôm sau.

Amazon có hàng loạt các ý tưởng và dự án đầu tư. Và điều quan trọng nhất là Jeff Bezos đã giành được lòng tin của Phố Wall cho mô hình hoạt động đặc biệt của mình. Ngay sau thương vụ mua lại Whole Foods với giá 13,7 tỷ USD, cổ phiếu của Amazon lập tức nhảy vọt khiến giá trị của cả công ty tăng thêm 15,6 tỷ USD, đồng nghĩa với việc Amazon chẳng tốn xu nào để mua lại Whole Foods và còn lời thêm 1,9 tỷ USD.

Và kết quả là một Whole Foods kinh doanh không lợi nhuận?

Một khi Amazon áp dụng triết lý “không lợi nhuận” cho Whole Foods, cả thị trường bán lẻ Mỹ sẽ phải điên đảo.

Theo một khảo sát gần nhất, Whole Foods được đánh giá là một trong những chuỗi cửa hàng có chất lượng khá tốt, vấn đề duy nhất mà nhiều người phàn nàn là giá bán tại Whole Foods khá đắt đỏ. Nhưng một khi Jeff Bezos chỉ đạo Whole Foods đặt mục tiêu lợi nhuận ra sau, chắc chắn doanh thu và số cửa hàng của Whole Foods sẽ bắt đầu tăng vọt.

Và khi Whole Foods trở thành một chuỗi bán lẻ tầm trung hoạt động không lợi nhuận, nó sẽ hỗ trợ gì cho Amazon?

Thứ nhất là Whole Foods sẽ hoạt động như một xương sống cho hoạt động giao nhận hàng bách hóa đang chậm phát triển của Amazon.

Thứ hai, Whole Foods với hàng loạt địa điểm bán lẻ của mình sẽ trở thành một kênh phân phối các sảm phẩm của Amazon như máy đọc sách Kindles, loa thông minh Echoes, hộp android cho TiVi - Fire TV và hàng loạt sản phẩm do Amazon sản xuất.

Và khi Amazon kết hợp các chương trình khuyến mãi của thành viên Amazon Prime vào các sản phẩm tại Whole Foods, một lượng lớn người dùng sẽ muốn đến tận nơi để xem và mua sản phẩm một cách trực tiếp.

Thêm vào đó, qua việc thúc đẩy người tiêu dùng tại Whole Foods trở thành thành viên Amazon Prime, gã khổng lồ sẽ thu được một lượng lớn dữ liệu cho các phân tích và chiến lược của mình.

Và cuối cùng, rất nhiều mặt hàng của Whole Foods là thực phẩm đóng hộp, đóng gói hoặc sấy khô – hoàn toàn thích hợp để bán trên trang thương mại điện tử Amazon. Thâu tóm thương hiệu Whole Foods và hệ thống nhà cung cấp này sẽ hỗ trợ rất tốt mảng kinh doanh cốt lõi của Amazon.

Nói tóm lại, dù Whole Foods không sinh ra được đồng lợi nhuận nào nhưng thương vụ thu mua này sẽ khiến Amazon như hổ tiếp thêm cánh.

Với những ông lớn bán lẻ khác, thật không công bằng khi trên thị trường lại xuất hiện một đối thủ kinh doanh không màng lợi nhuận như Amazon.

Các ông lớn này không hẳn sẽ bị đè bẹp ngay, trước mắc họ sẽ buộc phải giảm giá để cạnh tranh với kẻ thù lạ mặt này, với giá thành và cổ tức giảm, các cổ đông xưa nay đã quen với mô hình chia cổ tức của các tập đoàn bán lẻ khác chắc chắn sẽ phẫn nộ.

Trong lịch sử xưa nay chưa bao giờ có một tiền lệ như thế, và Amazon sẽ tiếp tục là kẻ phá hủy thị trường bán lẻ truyền thống của Mỹ trong tương lai.

Lê Thanh Sang

Cùng chuyên mục
XEM