Khi 9X mới ra trường: Kỳ vọng nhiều rồi vỡ mộng với công việc đầu tiên, nhảy việc 6 tháng/lần, chuyển ngành sau 2 năm

23/03/2018 10:31 AM | Kinh doanh

Nhân sự 9x là một phần của thế hệ Y – những người có tính cách cá nhân cao, muốn theo đuổi đam mê và đề cao ý nghĩa, giá trị trong công việc. 9x đặt nhiều kỳ vọng vào sự nghiệp và công việc đầu tiên.

Nhân sự 9x là một phần của thế hệ Y – những người có tính cách cá nhân cao, muốn theo đuổi đam mê và đề cao ý nghĩa, giá trị trong công việc. 9x đặt nhiều kỳ vọng vào sự nghiệp và công việc đầu tiên.  

Tuy nhiên, mới ra trường cũng là lúc 9x có rất ít hiểu biết về bản thân và và kinh nghiệm tìm việc. Chính vì vậy mà công việc đầu tiên cũng là công việc khiến nhiều 9x vỡ mộng nhất.

Trong chương trình WETALK số 1, chị Trịnh Thị Hải Yến, trợ lý dự án JICA-IUH và đại diện cho nhân sự 9x, kể về kinh nghiệm đau thương tại công ty đầu tiên của mình: "Mình đã chọn công việc mà mình yêu thích. Nhưng thực chất khi mà mình chọn công việc ấy, vào môi trường đấy nó khác hoàn toàn với những gì mình nghĩ. Mình cảm thấy khá sốc, mất niềm tin luôn." 

Theo chị Nguyễn Phương Mai, CEO Nevigos Search, việc nhân sự vào công ty rồi vỡ mộng như Hải Yến không phải làm hiếm.

Nhảy việc nhiều

"2 tháng thử việc, vài tháng sau đó để học, tích lũy. Đến tháng thứ 6 thì thấy không phù hợp nữa thì thay đổi."

"Trung bình với một bạn mới ra trường thì tốc độ chuyển việc là 6 tháng/lần." Đó là nhận định về nhân sự 9x của anh Trần Trung Hiếu, CEO TopCV. 

Theo anh Hiếu, công thức 6 tháng của các bạn 9x mới ra trường được ước lượng như sau: "2 tháng thử việc, vài tháng sau đó để học, tích lũy. Đến tháng thứ 6 thì thấy không phù hợp nữa thì thay đổi." Theo anh Hiếu, tốc độ nhảy việc "đỡ" hơn một chút ở những người đã đi làm 1 năm.

Ngoài ra, theo một báo cáo của TopCV thực hiện trên đối tượng nhân sự 9x: "Chỉ 23% người tham gia chưa nhảy việc bao giờ, 60,7% đã nhảy việc từ 1 – 2 lần, thậm chí có những người nhảy việc 5 – 7 lần."

Anh Hiếu nói thêm: "Có một thực tế là rất nhiều bạn trẻ ra trường khoảng 2 năm rồi, lại chuyển ngành sang một lĩnh vực hoàn toàn mới. Bởi vì đơn giản là các bạn thấy mình đã trải nghiệm và không phù hợp thì thay đổi."

Khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế

Một nguyên nhân khiến nhiều 9x loay hoay với sự nghiệp bắt nguồn từ sự đặc biệt của thế hệ này. 

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Giám đốc Nghiên cứu thị trường Nielsen nhận định: "Thế hệ X (những người sinh ra từ năm 1965 đến năm 1980) trưởng thành trong các đại gia đình với nhiều anh em ruột. Điều này lý giải cho việc những người thuộc thế hệ này có khả năng thích nghi cao hơn." Trong khi đó, thế hệ Y, đặc biệt là 9x, sinh ra khi Việt Nam áp dụng chính sách hai con sau chiến tranh, là người "đặc biệt" trong gia đình ngay từ bé, nên họ sẽ có thiên hướng phát triển cá nhân nhiều hơn.

9x thích khẳng định bản thân. Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống – vốn không tồn tại ở các thế hệ trước đó – thì lại nâng lên một mức mới ở 9x: Cuộc sống của 9x sẽ không hạnh phúc nếu công việc không hạnh phúc. 9x, cùng với cả thế hệ Y, không đi tìm một công việc ổn định mà là một công việc toàn diện (a fulfilling career). Và một công việc toàn diện không chỉ có lương bổng, mà còn có giá trị sống, văn hóa công ty, lộ trình phát triển bản thân.

Tuy nhiên, có một khoảng cách giữa kỳ vọng đó và thực tế trải nghiệm công việc của 9x.

Bắt đầu đi làm, nhiều 9x thiếu đủ thứ: Kinh nghiệm tìm việc, kỹ năng làm việc… và điều thiếu nhiều nhất có lẽ là định hướng nghề nghiệp. 

Làm việc với nhiều bạn trẻ tại TopCV, anh Hiếu là người hiểu rõ: "Ngay từ khâu định hướng học cái gì đã có vấn đề, sau đó khi học xong thì cái động lực tại sao mình lại học cái đó cũng bị ảnh hưởng. Đến khi ra trường, các bạn không biết công việc mình làm sẽ như thế nào, mình sẽ làm cái gì… dẫn đến chuyện: Thôi, cứ làm đã."

Sự chênh lệch giữa trường đại học và trường đời khiến 9x ra trường với khát vọng và sự mơ hồ. Và chuyện thử là tất yếu dẫn đến nhảy việc, chuyển ngành… Sau quá trình loay hoay, có thể 9x sẽ tìm được công việc toàn diện như mình muốn. Nhưng chắc gì không có những 9x thất vọng, trở thành những zombie công sở? Theo kết quả khảo sát gần đây của mạng việc làm Anphabe, xu hướng zombie đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa khi Gen Y chiếm gần 31%.

Dưới góc độ doanh nghiệp, việc hiểu nhân sự 9x là rất quan trọng. Anh Hiếu CEO TopCV cho rằng: "Nếu các bạn không có định hướng rõ ràng thì tìm ra cách mình định hướng. Công việc này các bạn làm không đam mê, không thích, thì có thể luân chuyển các bạn qua các phòng ban khác để thay đổi."

Các ý kiến của CEO Top CV Trần Trung Hiếu, CEO Navigos Search Nguyễn Phương Mai và trợ lý dự án JICA-IUH Trịnh Thị Hải Yến và được sử dụng trong bài viết trích từ chương trình WeTALK - Talk cùng CafeBiz ngày 22/3/2018.

Mời các bạn theo dõi chương trình tại đây

CEO TopCV chia sẻ góc nhìn về nhân sự 9x

Thảo Thảo

Cùng chuyên mục
XEM