Kế toán: Nghề khó nhằn chẳng ai muốn làm, công ty nâng lương cũng khó tuyển được lao động

30/12/2022 13:49 PM | Kinh doanh

Hơn 300.000 kế toán-kiểm toán đã bỏ việc tại Mỹ suốt 2 năm qua, còn giới trẻ thì từ chối "hy sinh" tuổi xuân cho ngành này.

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), hơn 300.000 kế toán và kiểm toán tại Mỹ đã bỏ việc trong 2 năm qua, tương đương mức giảm 17% lao động trong ngành. Tệ hơn, số lượng sinh viên mới ra trường không đủ để lấp đầy khoảng trống nhu cầu do ngày càng nhiều bạn trẻ từ chối “hy sinh” tuổi xuân cho một công việc vất vả.

Báo cáo của Revelio Lab Inc cho thấy có khoảng 177.880 bài đăng tuyển dụng ngành kế toán-kiểm toán tại Mỹ từ đầu năm đến cuối tháng 11/2022, cao hơn so với 141.340 bài đăng của năm ngoái và cũng là mức cao nhất kể từ năm 2008.

Thế nhưng lại chỉ có 113.400 lao động bắt đầu làm mảng này trong cùng kỳ, giảm 15,9% so với năm ngoái.

Kế toán: Nghề khó nhằn chẳng ai muốn làm, công ty nâng lương cũng khó tuyển được lao động - Ảnh 1.

Tệ hơn, thời gian để nhà tuyển dụng tìm lao động thay thế cho công việc kiểm toán-kế toán tại Mỹ cũng gia tăng từ 46 ngày trong năm ngoái lên 56 ngày, chứng tỏ cầu cao nhưng cung yếu.

Khảo sát của hãng tư vấn nhân lực Robert Half International Inc cũng cho thấy 87% số quản lý tại Mỹ nhận định họ ngày càng khó kiếm được nhân sự phù hợp cho các vị trí kế toán, phân tích tài chính...

Số liệu của Tổng cục thống kê lao động Mỹ (BLS) thì cho thấy lượng chuyên gia kế toán, kiểm toán chuyển việc ngày càng nhiều kể từ năm 2019 và phần lớn là sang các ngành như tài chính hay công nghệ.

Chính sự thiếu hụt lao động này đã khiến mức lương đề nghị của ngành kế toán Mỹ tăng lên, cũng như khiến nhiều lao động bán thời gian gia nhập thị trường.

Thế nhưng tờ WSJ nhận định ngay cả như vậy thì cũng không thay đổi được thực trạng về lâu dài khi các sinh viên, kể cả những người đang theo học chuyên ngành kế toán, không muốn làm trong mảng này.

Bị chê

Anh Jordan Pixley, một sinh viên kế toán của trường Clemson University là một người yêu thích những con số và tính toán. Thế nhưng khi thực tập tại các công ty, anh Pixley nhanh chóng cảm thấy chán nản với những công việc nhàm chán như cân đối bảng tiền mặt, trong khi các nhiệm vụ thú vị hơn như phân tích số liệu lại ít được đụng đến.

Hậu quả là khi được hãng kiểm toán KPMG LLP mời đến hội thảo tuyển dụng, anh Pixley đã từ chối. Đến lúc tốt nghiệp, Pixley không có lời mời việc làm nào và anh quyết định nhập ngũ. Không phải là chàng trai 22 tuổi này không xin được việc mà nỗi sợ phải làm 70-80 tiếng mỗi tuần với những công việc nhàm chán và thời hạn (deadline) gắt gao khiến anh bỏ cuộc.

“Tôi phải nói thật là dù có yêu số má và tính toán đến đâu thì tôi cũng rất sợ những công việc nhàm chán như vậy thay vì các nhiệm vụ thú vị hơn như phân tích số liệu. Tôi không biết liệu mình có dám hy sinh tuổi xuân để trụ lại được với nghề hay không nữa”, anh Pixley than thở.

Câu chuyện của Pixley chỉ là một phần nhỏ của vô số những bạn trẻ Mỹ thời nay khi họ ngán ngẩm với ngành kế toán-kiểm toán.

Kế toán: Nghề khó nhằn chẳng ai muốn làm, công ty nâng lương cũng khó tuyển được lao động - Ảnh 2.

Hãng KPMG cho biết họ đã phải xem xét giảm thời gian làm thêm (Overtime) cũng như khối lượng công việc cho nhân viên trong mùa cao điểm. Công ty cũng quảng cáo rằng nhân viên mới vào làm năm 2023 sẽ thu nhập cao hơn 5-15% so với người gia nhập năm 2022. Trong 12 tháng qua, KPMG đã có 3 lần tăng lương với phần lớn nhân viên.

Một nhân viên mới vào làm mảng thuế của KPMG chi nhánh New York tiết lộ mức lương của mình vào khoảng 71.000-82.000 USD/năm.

Mặc dù thu nhập ổn như vậy nhưng hứng thú của giới trẻ Mỹ về ngành này lại ngày càng đi xuống đến mức CEO Paul Knopp của KPMG phải đích thân đi thăm các trường đại học như University of Texas hay University of Illinois để có các bài phát biểu cũng như giao lưu với sinh viên. Vị giám đốc này cho biết các trường đại học chưa giúp sinh viên hiểu rõ được cơ hội cũng như tầm quan trọng của nghề kế toán-kiểm toán.

“Bằng đại học kế toán là một công cụ mạnh mẽ và tuyệt vời để giúp các em thành công về dài hạn trong kinh doanh”, CEO Knopp tuyên bố.

Thế nhưng nói thì dễ hơn làm.

Trưởng khoa kế toán của trường đại học University of Texas, giáo sư Steven Kachelmeier cho biết số lượng sinh viên tốt nghiệp của ngành đang giảm mạnh và đã gây nên một cuộc chiến tuyển dụng giữa các doanh nghiệp.

“Các công ty giờ đây hứa hẹn tăng lương cho sinh viên mới ra trường sau vài năm làm việc. Thế nhưng khi bạn 19 tuổi thì bạn chẳng thể nghĩ về 10 năm sau, hay thậm chí là chỉ 5 năm tới. Cái bạn muốn là ngay bây giờ hoặc không bao giờ”, giáo sư Kachelmeier nói về lao động trẻ Mỹ ngày nay.

Việc sinh viên có thể kiếm được nhiều tiền hoặc xây dựng được sự nghiệp, kiếm được cơ hội nhiều hơn ở những mảng khác so với nghề kế toán-kiểm toán đã khiến lao động trẻ Mỹ ngày càng chê bai ngành này.

Sự bùng nổ kinh tế cả một thập niên đã khiến những mảng như ngân hàng, đầu tư tài chính hay công nghệ trở thành miền đất hứa cho các sinh viên ngành kế toán-kiểm toán. Hệ quả là nhiều người giờ đây học chỉ để lấy kiến thức chứ không theo ngành chính.

Giáo sư Kachelmeier cho biết những sinh viên giỏi nhất khóa thường có thể dễ dàng được nhận vào những công ty tư vấn hay ngân hàng thay vì đi làm kế toán viên.

“Tôi chẳng biết ngành kế toán đang phải cạnh tranh với mảng nào nữa, hầu như sinh viên đầu vào ngành này đều bị các mảng khác nhận đi”, giám đốc mảng tuyển dụng Rod Adams của PricewaterhouseCoopers LLP (PwC) chi nhánh Mỹ và Mexico than thở.

Kế toán: Nghề khó nhằn chẳng ai muốn làm, công ty nâng lương cũng khó tuyển được lao động - Ảnh 3.

Hiện PwC đang cần tuyển thêm 4.200 lao động từ nay cho đến mùa thu năm 2023 và hãng đang nhắm đến cả những sinh viên chưa tốt nghiệp để có thể lấp đầy nhu cầu thị trường.

Chọn con đường dễ

Số liệu của Hiệp hội kế toán viên công chứng quốc tế (AICP) cho thấy số sinh viên tốt nghiệp ngành này đã giảm 9% từ năm 2012 xuống chỉ còn 52.500 sinh viên năm 2020. Đà giảm này đã diễn ra liên tục trong 2 năm vừa qua dù AICP không công bố con số cụ thể của năm 2021-2022. Số sinh viên thu lấy bằng công chứng kế toán viên (CPA) tại Mỹ cũng giảm mạnh.

Cũng theo AICP, năm học 2019-2020, số sinh viên theo học đại học ngành kế toán giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước, còn theo học bằng thạc sĩ ngành này giảm 8,4%.

Giám đốc Keith Wolf của hãng tuyển dụng Murray Resources cho biết trong khi những sinh viên hứng thú với số má vẫn tuyển chọn ngành kế toán thì ngày càng nhiều bạn trẻ Mỹ từ chối mảng này do lo sợ một nghề chỉ ngập trong số liệu và deadline.

Theo ông Wolf, có rất nhiều cách để tham gia kinh doanh và kế toán-kiểm toán chỉ là một công cụ trong số đó.

“Có rất nhiều lựa chọn vậy nên các bạn trẻ Mỹ đặt câu hỏi tại sao họ lại phải dấn thân vào con đường khó nhằn là kế toán?”, ông Wolf cho biết.

Dẫu vậy, hãng Robert Half lại cho rằng với khả năng nền kinh tế đi xuống trong năm 2023 thì nhiều bạn trẻ Mỹ có lẽ sẽ quay lại với ngành kế toán, một công việc dù nhàm chán nhưng đem lại sự ổn định cho người lao động.

*Nguồn: WSJ

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM