Kẻ "đập nát Trái Đất" 9.200 năm trước bị nhốt trong băng: Tương lai rùng mình

31/01/2022 21:29 PM | Sống

Sâu bên dưới lớp băng giá vĩnh cửu ở Greenland và Nam Cực, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu vết của một thảm họa cổ xưa, được mô tả là từng "đập nát Trái Đất".

Điều đáng sợ nhất là thảm họa có thể lặp lại, nghiên cứu vừa công bố trên Nature Communications cảnh báo.

Nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng 9.200 năm trước, một trong những cơn bão Mặt Trời với cường độ lớn nhất từ trước đến nay đã ập vào hành tinh, mà theo mô tả của tờ Live Science là "đập nát Trái Đất".

Phân tích lõi băng tại Greenland và Nam Cực, các nhà khoa học đã nhận thấy sự gia tăng đột biến các hạt nhân phóng xạ beryllium-10 và chlorine-36, dấu hiệu rõ ràng của bão Mặt Trời. Về cường độ, nó ngang bằng cơn bão Mặt Trời mạnh nhất từng được ghi nhận trước đó rơi vào giai đoạn cực đại của Mặt Trời giữa những năm 775 và 774 trước Công Nguyên.

Tuy nhiên theo nhà địa chất học Raimund Muscheler từ Đại học Lund (Thụy Điển), thành viên nhóm nghiên cứu, cơn bão Mặt Trời 9.200 năm tuổi này lại rơi vào giai đoạn cực tiểu trong chu kỳ hoạt động 11 năm của Mặt Trời, khiến họ hoang mang. Như vậy, bất kỳ lúc nào Trái Đất cũng có thể phải hứng chịu cú "trời giáng" từ vũ trụ.

Chưa thể ước lượng được những thiệt hại nó gây ra trên hệ sinh thái vào thời kỳ này, nhưng nếu nó lặp lại, sẽ là một thảm họa có thể phá tan hoang nền văn minh hiện đại.

Theo Science Alert, siêu bão tương tự hoàn toàn có thể lặp lại trong tương lai. Nó chỉ mất khoảng 15 giờ để ập vào Trái Đất và có thể phá hủy toàn bộ lưới điện, hệ thống internet, hệ thống kiểm soát không lưu, hệ thống cáp ngầm dưới đại dương..., đưa đời sống con người lùi ngược về trước nhiều thế kỷ. Tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều tháng.

Toàn thế giới khi đó sẽ rực rỡ cực quang, hiện tượng trước đây thường chỉ xảy ra ở các cực, tuy nhiên chắc chắn là một vẻ đẹp chết chóc.

Theo Anh Thư

Cùng chuyên mục
XEM