JVevermind và triết lý từ phim ngắn điện ảnh đầu tay: Người muốn thành công thì đừng đòi hỏi công bằng, bởi suy cho cùng, công bằng chỉ là giấc mơ của kẻ yếu!
Hãy nhớ: Người tỉnh táo nhất là kẻ mạnh nhất, kẻ mạnh nhất chính là thành công nhất!
Vào 20h tối 26/10 vừa qua, phim ngắn điện ảnh đầu tay của JVevermind mang tên “Không dấu chân người" đã được trình chiếu trên kênh Youtube chính thức của anh chàng. Không chỉ đảm nhận vai nam chính mà với sản phẩm lần này, cựu vlogger còn “liều mình" đảm nhận thêm 3 vị trí quan trọng khác là đạo diễn, biên kịch và nhà sản xuất. Sự trở lại của JV sau nhiều năm vắng bóng lập tức thu hút sự quan tâm của những người từng yêu mến.
Với “Không dấu chân người", JV muốn cho mọi người thấy được sự trưởng thành trong tính cách lẫn hướng đi nghiêm túc của mình ở vai trò một nhà làm phim chuyên nghiệp.
Khác với những nhà sản xuất mới thường chọn những chủ đề, thể loại quen thuộc và dễ tiếp cận với người xem, JV lại chọn một hướng đi rất táo bạo khi khai thác chủ đề tâm lý tội phạm. Nội dung của “Không dấu chân người" là câu chuyện thành công của giám đốc một tập đoàn bất động sản tên Quang Minh. Nhân vật còn lại là Kiên - một anh phóng viên nghèo đang tìm kiếm định nghĩa cho sự công bằng bằng việc vạch trần mặt tối đằng sau Quang Minh.Ngỡ đâu đó sẽ là những bài học quen thuộc theo kiểu truyền cảm hứng thông thường nhưng hóa ra bộ phim này lại đem đến một cái nhìn hoàn toàn khác về những con người (trông như) có tất cả.
Rất nhiều thông điệp hay và quan điểm khác biệt sẽ khiến bạn phải dừng lại vài ba phút để suy nghĩ, đối chiếu. Bất kì người trẻ nào cũng sẽ tìm thấy mình đâu đó trong cả Quang Minh lẫn Kiên, và bắt đầu đặt ra cho mình câu hỏi: “Rốt cuộc cái giá của thành công là gì?” Những hoang mang, vấp ngã và cả những cái giá đắt mà người trẻ phải trả cho gói hàng mang tên “thành công" được JV cắt nghĩa sâu sắc và đậm màu sắc triết lý bằng ngôn ngữ hàm súc của điện ảnh.
*Bài viết có tiết lộ một tình tiết trong phim, cân nhắc trước khi đọc.
Giỏi thôi chưa đủ, muốn thành công thì phải có chiến lược
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao có những người rất giỏi, rất thông minh nhưng mãi vẫn chỉ “tà tà" ở một vị trí, thậm chí còn không đạt được cái tầm xứng đáng với khả năng của họ không? Câu trả lời nằm ở hai từ: chiến lược. Một kế hoạch bài bản, một cái đầu có tầm nhìn xa lẫn sự bài bản trong từng bước đi mới chính là yếu tố quyết định cho sự thành công của một người. Ngay từ những phân cảnh đầu của “Không dấu chân người", chàng giám đốc Quang Minh đã chia sẻ kinh nghiệm để có được vị trí như ngày hôm nay của anh được tóm gọn trong 3 bước:
“Một là, phải biết tạo sự khác biệt, phải nổi bật trong đám đông.
Bài học thứ hai, ai cũng có cơ hội thăng tiến trên con đường sự nghiệp hết, quan trọng là có nhận ra cơ hội hay không? Nếu không có kế hoạch rõ ràng, tầm nhìn xa, sự bản lĩnh, quyết đoán thì cơ hội sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.
Và bài học cuối cùng, đừng bao giờ lặp lại sai lầm của người khác.”
Những kinh nghiệm trên nghe có vẻ chung chung và sách vở, tuy nhiên không phải ai cũng có thể áp dụng chặt chẽ và theo đuổi đến cùng. Quan trọng hơn, dù vẫn là áp dụng những phương thức quen thuộc nhưng chi tiết câu chuyện sẽ khiến người xem phải bất ngờ, thậm chí là há hốc miệng vì sốc. Người xem có thể đồng tình hoặc không, nhưng đến cuối cùng, sẽ chẳng ai có thể phủ nhận được sự quan trọng của một chiến lược trên con đường thành công của một người.
Công bằng suy cho cùng chỉ là giấc mơ của kẻ yếu
Xã hội này có thể chia ra nhiều kiểu người, nhưng khi xếp vào một hệ quy chiếu nhất định, nhiều người sẽ chỉ thấy 2 phe: một là kẻ mạnh, hai là kẻ yếu. Ai thường là người đòi hỏi sự công bằng và cho rằng mình chưa nhận được những gì xứng đáng nhất? Câu trả lời luôn là kẻ yếu.
Góc nhìn này đã được khai thác rất chân thật nếu không muốn nói là có phần trần trụi trong “Không dấu chân người”. Trong lúc tranh cãi với cậu phóng viên nghèo tên Kiên - người luôn cố vạch mặt những bước đi nhẫn tâm của mình, anh chàng giám đốc Quang Minh đã nói: “Công bằng là giấc mơ của kẻ yếu. Người tỉnh táo nhất là kẻ mạnh nhất, kẻ mạnh nhất chính là thành công nhất".
Trong buổi công chiếu tại TP.HCM, nhiều khán giả có mặt tại rạp đã vỗ tay khi nghe được lời thoại này. Có vẻ như suy nghĩ này không phải là không có ai ủng hộ, chỉ là nó chẳng hề dễ nghe với một số người. Nhưng cuộc sống là vậy, giống như lời bổ sung của Quang Minh: “Đó là cách xã hội vận hành, và mình sẽ không bao giờ thay đổi được điều đó. Vậy tại sao không trở thành kẻ mạnh? Tại sao vẫn cứ làm kẻ yếu và tiếp tục chạy theo một sự công bằng không có thật?”
Đừng lấy hoàn cảnh để đổ lỗi cho số phận, thái độ mới thực sự quyết định bạn là ai
Dù xuất hiện với hai hình ảnh đối ngược, địa vị trong xã hội cách nhau một trời một vực nhưng đến cuối cùng, người xem mới nhận ra cả Minh và Kiên đều là những người có hoàn cảnh giống nhau. Cả hai đều xuất thân trong những gia đình nghèo khó và bị những tập đoàn lớn cướp đất, cướp nhà. Bi kịch hơn cả Kiên, bố mẹ Quang Minh còn bị đánh đập và chết trong tức tưởi vì bị treo cổ. Cùng là một nỗi đau nhưng Minh và Kiên đã dùng nó cho những mục đích khác nhau. Trong khi Quang Minh biến nó thành động lực, thành lí do lớn nhất để đạt được thành công và chấp nhận trả những cái giá đắt nhất cho “gói hàng" đó thì Kiên lại xem nó là sự bất công và tìm cách để đổ lỗi cho một ai đó, mà theo cách anh chàng gọi thì là “đi tìm sự công bằng".
Những gì Quang Minh đã làm có thể tàn nhẫn, hèn hạ và đi ngược với những chuẩn mực đạo đức nhưng ở một khía cạnh nào đó, chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng ở anh chàng này vẫn có những thứ rất đáng học hỏi. Đó là sự quyết tâm vượt qua số phận và thái độ chiến đấu đến cùng cho thứ mình muốn - những điều đó chính là thứ mà Kiên không có được. Việc đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho số phận và luôn tự đặt mình vào vị trí nạn nhân đã khiến Kiên mắc kẹt trong chính vũng bùn của mình và mãi mãi không thoát ra được. Vị trí của cả hai vì thế mà cũng có sự đối lập.
Phim ngắn điện ảnh “Không dấu chân người" của JV đã được trình chiếu trên kênh Youtube chính thức của anh chàng vào lúc 20h, ngày 26/10/2019. Bộ phim được dán nhãn 16+.