Johnson & Johnson: Từ thương hiệu trăm năm, ông tổ của băng gạc vô trùng đến bê bối phấn rôm chứa chất gây ung thư rúng động thế giới
Những bê bối liên quan đến các chất gây ung thư có trong sản phẩm của Johnson & Johnson đã ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng của Tập đoàn chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới này.
Nhắc đến Johnson & Johnson, có lẽ ai cũng biết đến sản phẩm mang tính biểu tượng từng được các bà mẹ khắp nơi trên thế giới tin dùng là phấn rôm Johnson Baby Powder. Nhưng thương hiệu 133 năm tuổi này không chỉ có vậy. Qua hơn một thế kỷ phát triển, Johnson & Johnson (còn được gọi là J&J) đã trở thành tập đoàn chăm sóc sức khỏe toàn cầu với quy mô khổng lồ nhưng cũng gây rúng động với những bê bối đáng tiếc.
Ra đời với sứ mệnh tạo ra sản phẩm chưa từng có
Năm 1885, tại Đại hội Triển lãm Y tế Thế kỷ Philadelphia, một bác sĩ tên Sir Joseph Lister đã có bài thuyết trình về phẫu thuật vô trùng. Dù không được các bác sĩ, chuyên gia trong ngành ủng hộ vì cho rằng điều này là không cần thiết nhưng Robert Wood Johnson, khi ấy ngồi dưới hàng ghế khán giả đã ngay lập tức bị thuyết phục và được truyền cảm hứng để thành lập công ty riêng với trọng tâm tập trung đến chính nghiên cứu phẫu thuật vô trùng ấy.
Một năm sau, Robert Wood Johnson cùng 2 người anh em khác là James Wood Johnson và Edward Mead Johnson thành lập công ty chăm sóc sức khỏe Johnson & Johnson tại New Brunswick, New Jersey, Hoa Kỳ.
3 anh em nhà Johnson, những người sáng lập ra Johnson & Johnson.
Công ty bắt đầu sứ mệnh của mình chỉ với 14 nhân viên: 8 phụ nữ, 6 đàn ông.
Từ cuộc cách mạng y học hiện đại…
Năm 1887, chỉ khâu vô trùng (làm bằng catgut hoặc lụa), băng phẫu thuật, bông và gạc đã được phát minh và sản xuất hàng loạt bởi Johnson & Johnson, mở ra sự khởi đầu cho phẫu thuật hiện đại.
Sự ra đời của những dụng cụ y tế này cũng được coi là cuộc cách mạng cho cả ngành y học khi trước đó, một bác sĩ nếu muốn thực hành phẫu thuật vô trùng sẽ cần phải tạo và khử trùng tất cả gạc, chỉ khâu và băng gạc của chính họ. Điều này làm cho phẫu thuật vô trùng trở nên bất tiện và không được thực hiện phổ biến.
Những chiếc băng gạt, chỉ khâu vô trùng đầu tiên được sản xuất bởi J&J.
Phát minh của công ty đã giúp phẫu thuật vô trùng an toàn và phổ biến hơn, do đó tỷ lệ sống sót của bệnh nhân đã tăng mạnh. Người trong ngành cũng phải thừa nhận sự gia nhập thị trường của Johnson & Johnson đã giúp y học hiện đại tiến thêm một bước dài và nhanh hơn rất nhiều.
… đến Tập đoàn chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới
Các sản phẩm của Johnson & Johnson không chỉ dừng lại ở chỉ khâu vô trùng, băng phẫu thuật hay bông. Công ty được xây dựng trên 3 phân khúc kinh doanh, gồm chăm sóc sức khỏe, thiết bị y tế và dược phẩm. Sản phẩm từ J&J phổ biến đến nỗi gần như không thể đi vào hiệu thuốc bất kỳ nào mà không tìm thấy những sản phẩm thuộc thương hiệu này.
Các sản phẩm của J&J.
Từ một kẻ gia nhập thị trường chỉ với 14 người, sau nhiều thương vụ mua lại, sát nhập, hiện tại Johnson & Johnson đang điều hành hơn 250 công ty con, hoạt động tại 60 quốc gia.
Dù đã trải qua hơn 130 năm với nhiều biến động kinh tế cùng sự mở rộng quy mô, sản phẩm nhưng Johnson & Johnson vẫn duy trì tốt hoạt động kinh doanh và vị thế hàng đầu trong ngành chăm sóc sức khỏe của mình.
Tập đoàn này hiện có giá trị ròng khoảng 367 tỷ USD (tháng 9/2018). Trong năm tài chính 2017, Johnson & Johnson báo cáo thu nhập 15,3 tỷ USD, với doanh thu hàng năm là 81,6 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm trước đó. Còn trên sàn chứng khoán, mỗi cổ phiếu được giao dịch trên mức 126 USD.
Johnson & Johnson còn nổi tiếng với môi trường làm việc thân thiện, 31 năm liên tiếp nằm trong danh sách "Những công ty tốt nhất cho các bà mẹ làm việc". Họ cung cấp những lợi ích tuyệt vời cho tất cả nhân viên của mình trên toàn thế giới, bao gồm tối thiểu tám tuần nghỉ có lương; những người cha được hưởng chế độ nghỉ phép tương tự.
Những bê bối rúng động thế giới
Đầu những năm 1980, Johnson & Johnson đã phải thực hiện một trong những vụ thu hồi sản phẩm nổi tiếng nhất mọi thời đại. Tại thời điểm đó, một số viên nang Tylenol do Johnson & Johnson sản xuất đã cho kết quả dương tính với kali xyanua, dẫn đến cái chết của 7 người. Tuy nhiên, việc hợp tác chặt chẽ với FDA, FBI và Cảnh sát Chicago trong điều tra cũng như nhanh chóng thu hồi thuốc của Tập đoàn đã nhận được nhiều lời khen từ công chúng.
Năm 2018, Tập đoàn chăm sóc sức khỏe hàng đầu này lại phải đối mặt với vụ kiện lớn chưa từng có trong hơn 130 năm. Đã có hơn 9.000 đơn khiếu nại cáo buộc sản phẩm làm từ bột tatc của công ty này gây ung thư, trong đó có phấn rôm cho trẻ em. Sau đó, công ty đã bị tuyên phạt 4,14 tỷ USD.
Sản phẩm của J&J vướng phải những bê bối liên quan đến chất gây ung thư.
Thứ Sáu vừa qua, sóng gió tiếp tục trở lại với Johnson & Johnson, lần này là điều tra hình sự vì che giấu nguy cơ gây ung thư của sản phẩm phấn trẻ em Baby Powder.
Theo Blooberg đưa tin, Chính quyền liên bang đã công bố một cuộc điều tra hình sự về việc liệu Tập đoàn Johnson & Johnson đã nói dối công chúng về những rủi ro ung thư có thể có của bột talcum hay không. Động thái này càng làm leo thang những bê bối tưởng như đã lắng xuống từ năm ngoái.
J&J đã bị kiện hơn 13.000 lần vì không thông báo cho khách hàng rằng bột talcum có chứa amiăng, gây ra một dạng ung thư buồng trứng gọi là ung thư trung biểu mô.
Những bê bối của J&J tiếp tục leo thang.
Cổ phiếu của J&J đã giảm hơn 4% sau báo cáo của Bloomberg trong khi Bộ Tư pháp từ chối bình luận.
Đóng góp trong hơn một thế kỷ qua của Tập đoàn Johnson & Johnson là không thể phủ nhận nhưng sau hàng loạt bê bối, hẳn người tiêu dùng toàn thế giới đã ít nhiều mất đi niềm tin với thương hiệu cũng như đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh của những người đang nắm trong tay phần nào sinh mệnh của biết bao con người.