Bê bối truyền máu tồi tệ nhất lịch sử nước Anh: Câu chuyện của những bà mẹ sống chung với "kẻ giết người thầm lặng" cả chục năm mà không hay biết
Đây chỉ là 2 trong số vô vàn những câu chuyện đầy ngang trái của các nạn nhân không may mắc bệnh, được truyền máu và rồi lại đen đủi vì bị truyền cả virus nguy hiểm vào cơ thể.
Ngày 30/4 vừa qua, cơ quan chức năng ở Anh đã phải mở cuộc điều tra về vụ việc khiến hàng ngàn người đã bị nhiễm virus viêm gan C và HIV sau khi bị truyền máu mang bệnh từ Dịch vụ chăm sóc Sức khỏe quốc gia (NHS) của chính phủ Anh từ 40 năm trước.
Đây được xem là cuộc khủng hoảng điều trị tồi tệ nhất trong lịch sử NHS. Được biết, số máu liên quan tới bê bối này đã được chuyển từ Mỹ sang Anh trong giai đoạn những năm 1970 - 1980 và đầu những năm 1990. Đó cũng là giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch AIDS. Thống kê cho thấy hơn 2.000 người bệnh trong số đó được cho là đã chết.
Dưới đây là 2 trong số rất nhiều câu chuyện của các nạn nhân không may mắc bệnh, được truyền máu và rồi lại đen đủi vì bị truyền cả virus gây chết người vào cơ thể.
Phát hiện ra mình bị nhiễm virus viêm gan C khi xét nghiệm đường huyết
Michelle Tolley, 53 tuổi, một bà mẹ bốn con đến từ hạt Norfolk (Anh), phát hiện ra mình bị viêm gan C từ 3 năm trước. Cô bị nhiễm căn bệnh này do được truyền máu sau 2 lần sinh con vào những năm 1980 và 1990. Tolley bị xuất huyết sau khi sinh đứa con đầu lòng Daniel vào năm 1987 và được NHS cho máu. Đến năm 1991, khi hạ sinh cặp song sinh Natalie và Dale, cô lại được truyền máu thêm lần nữa. Nhưng Tolley chỉ phát hiện ra mình mắc bệnh viêm gan C trong một lần làm xét nghiệm máu định kỳ vì bệnh tiểu đường vào năm 2016.
Tolley bị xuất huyết sau khi sinh đứa con đầu lòng Daniel vào năm 1987 và được NHS cho máu. Sau đó, đến năm 1991, khi hạ sinh cặp song sinh Natalie và Dale, cô lại được truyền máu thêm lần nữa.
Tolley đang kêu gọi tổ chức một chương trình sàng lọc quốc gia để kiểm tra sức khỏe cho bất kỳ ai đã được truyền máu, vì cô lo sợ có thể có nhiều nạn nhân không nhận ra họ đã bị nhiễm virus viêm gan C cho đến khi quá muộn.
Tolley nói với tờ HuffPost UK: "Tôi chỉ tình cờ phát hiện ra mình bị mắc bệnh viêm gan C và điều mà tôi lo sợ nhất là sẽ có nhiều người giống như tôi".
"Tôi nhớ vào giữa những năm 1990, tôi xem tivi và biết được một vài vấn đề do truyền máu gây ra, vì vậy tôi đã đến gặp bác sĩ của mình và nói rõ rằng tôi đã truyền máu 2 lần, tôi cảm thấy rất mệt mỏi, căng thẳng sau sinh và hỏi liệu đó có phải do truyền máu. Ông ấy nói với tôi lý do tôi cảm thấy mệt mỏi là vì tôi phải chăm 4 đứa con nhỏ và khuyên tôi không được suy nghĩ lung tung vì nó không liên quan gì đến máu. Nhưng sau đó nhiều năm, tôi đi xét nghiệm máu theo định kỳ vì bệnh tiểu đường thì bác sĩ lại bất ngờ phát hiện điều bất thường. Họ còn hỏi tôi rằng có phải tôi từng sử dụng ma túy và còn hỏi về việc uống rượu, nhưng khi tôi nói với họ rằng tôi đã truyền máu sau khi sinh con, họ mới nhận ra căn nguyên của vấn đề".
"Thế giới dường như sụp đổ trước mắt tôi, tôi nghĩ mình sẽ chết".
Tolley không hề biết mình bị nhiễm virus viêm gan C sau khi được truyền máu.
Cho đến giờ phút này, Tolley vẫn đang phải chống chọi với tác động của bệnh viêm gan C vì cô bị xơ gan và nói rằng cô đã phải "lĩnh án tử" ngay từ khi được truyền máu.
Hơn ai hết, cô muốn tất cả những người đã truyền máu trước tháng 9 năm 1991 hoặc thậm chí phẫu thuật hoặc điều trị nha khoa đều được xét nghiệm máu để sàng lọc viêm gan C.
Tolley cho biết: "Sàng lọc viêm gan C không phải là điều quá khó khăn, đây chỉ là một xét nghiệm đơn giản và có kết quả chỉ sau 15 phút, tốn khoảng 12 bảng. Cần phải tiến hành xét nghiệm viêm gan C trên quy mô toàn quốc vì sẽ có người mắc phải căn bệnh này mà họ hoàn toàn không hay biết".
Tolley sẽ là người tham gia cuộc điều tra về truyền máu này, phiên điều trần đầu tiên tại tòa án ở thủ đô London diễn ra vào ngày 30 tháng 4 và Tolly sẽ đưa ra các bằng chứng của mình vào tháng 5.
Vụ bê bối máu nhiễm virus này bị coi là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử NHS nói riêng, nước Anh nói chung, và cho đến nay nó đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.800 người. Gần 4.000 người ở Anh đã bị nhiễm HIV hoặc virus viêm gan C hoặc cả hai loại virus vì số máu mà NHS đã truyền cho bệnh nhân trong khoảng những năm 1970, 1980 và đầu những năm 1990.
Các nạn nhân bị nhiễm viêm gan C thông qua truyền máu bao gồm cả những bà mẹ được truyền máu sau khi sinh con. Là một bà mẹ từng được cứu sống lúc sinh con nhờ máu của NHS, Tolley bày tỏ: "Tôi cảm thấy may mắn vì tôi chỉ bị viêm gan C. Nhiều người mắc bệnh Hemophiliac (bệnh máu khó đông) đã phải chết vì nhiễm HIV cũng như viêm gan C và rất nhiều người đã chết".
Sống chung với virus nguy hiểm nhiều năm liền mà cứ ngỡ mình... bị trầm cảm
Trong suốt nhiều năm liền, Dena Peacock, sống ở Warrington, là mẹ của 6 đứa con. Cô đã phải chiến đấu với sự lo âu, mệt mỏi, trầm cảm mà không thể tìm được nguyên nhân. Đôi khi, cô còn bị nổi mề đay, mẩn đỏ gây khó chịu khắp cơ thể. Dena cũng đến gặp bác sĩ để nhờ giúp đỡ nhưng câu trả lời mà cô nhận được là: "Cô còn mong đợi gì khác nữa? Cô có con nhỏ và phải làm việc toàn thời gian". Ý của bác sĩ là Dena chẳng có bệnh gì cả, cô chỉ đang quá căng thẳng với cuộc sống của mình. Mà đã là căng thẳng thì tự mình phải chữa thôi chứ "thuốc thần phép thánh" cũng không chữa được, nên Dena đành tự mình sống chung với lũ.
Dena Peacock bị nhiễm viêm gan C do truyền máu sau khi sinh con.
Thế mà, đến năm 2017, một cuộc xét nghiệm máu đã giáng "quả bom" khủng khiếp xuống đầu Dena. Ở tuổi 55, cô mới phát hiện mình bị viêm gan C, cô đã sống chung với nó từ năm đầu những năm 1980 mà không hề hay biết.
Đầu đuôi câu chuyện là thế này:
Năm 2016, Dena kết hôn với chồng Dave Peacock ngay tại bệnh viện vì anh bị suy gan. Tại thời điểm đó, cô không biết mình bị viêm gan.
Dena kể: "Chúng tôi kết hôn vào năm 2016 và vào tháng 1 năm 2017, tôi cảm thấy không khỏe và đến gặp bác sĩ vì nghĩ mình mắc bệnh gì đó khác, chứ không phải viêm gan C. Bác sĩ đã làm một số xét nghiệm máu và thấy kết quả gan của tôi có vấn đề. Sau đó, bác sĩ khăng khăng làm xét nghiệm viêm gan C, nhưng tôi nói chắc chắn tôi sẽ được xét nghiệm khi có con, anh ấy khẳng định tôi phải làm, kết quả là như vậy đấy".
"Tôi không bao giờ nghĩ nghi ngờ việc truyền máu như, vì tôi đinh ninh rằng nếu có vấn đề gì, họ sẽ liên lạc với tôi. Trong suốt những năm sau khi sinh con, tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi và thường bị nổi mề đay, nổi mẩn đỏ khắp người. Tôi luôn cảm thấy chán nản và lo lắng. Tôi đã đi đến bác sĩ nhưng họ chỉ kết luận tôi bị chứng trầm cảm. Vài thập kỷ sau, tôi mới nhận ra viêm gan C là nguyên nhân của tất cả những vấn đề ấy".
Dena (giữa) và những người con của cô.
Dena đã phải lên bàn phẫu thuật cắt bỏ túi mật của mình và gặp vấn đề với thực quản do virus gây ra. Cô đã được điều trị viêm gan C thành công và đẩy lùi được virus nhưng vẫn phải chịu ảnh hưởng lâu dài.
Bà mẹ 6 con giãi bày: "Tôi đang phải chịu hậu quả do viêm gan C và cả việc điều trị về sau. Bây giờ tôi làm việc bán thời gian vì quá mệt mỏi. Nhưng điều đáng nói hơn cả là những tổn thất to lớn về mặt tinh thần. Chồng tôi bị suy gan trước khi tôi được chẩn đoán nhiễm virus viêm gan C nên tôi nghĩ rằng chính tôi là người đã truyền bệnh cho anh ấy, mặc dù các bác sĩ đã nói rằng bệnh của anh ấy không liên quan đến tôi.
Giờ nghĩ lại, tôi luôn có cảm giác tội lỗi, liên quan đến thời thơ ấu của con tôi, vì tôi đã nằm trên giường nhiều ngày do kiệt sức và trầm cảm. Ngay khi tôi được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan C, tôi cảm thấy tức giận vì tất cả những gì con mình đã phải trải qua".
Và giờ đây, Dena đã trở thành 1 trong số rất nhiều nạn nhân đang đấu tranh yêu cầu các nhà thực hiện một chương trình thử nghiệm trên toàn quốc để tìm những người có thể đang sống với "một quả bom hẹn giờ" giống như cô.
Cô nói: "Có lẽ có rất nhiều người như tôi đang phải chống chọi với các triệu chứng nhưng không nhận ra lý do là do máu họ được truyền vào những năm 1970, 1980 hay 1990. Các nhà chức trách nên quan tâm tới những người có thể đã bị ảnh hưởng và cũng nên có những thông báo rõ ràng trên truyền hình để những người được truyền máu trong quãng thời gian đó chủ động làm xét nghiệm. Ngay cả khi mọi người không gặp phải triệu chứng nào, họ nên được xét nghiệm vì viêm gan C có thể là một 'kẻ giết người thầm lặng'".
Ước tính ít nhất 28.000 người ở Anh đã nhận máu bị nhiễm bệnh trong những năm 1970, 1980 và đầu những năm 1990 có thể đang bị ảnh hưởng đến sức khỏe và vật vã chiến đấu với căn bệnh viêm gan mà không hay biết.
Theo các chuyên gia y tế, viêm gan siêu vi C (HCV) là một trong những căn bệnh lây truyền qua đường máu phổ biến nhất trên thế giới. Chẳng hạn, viêm gan siêu vi C có thể lây qua đường máu, nhổ răng, quan hệ tình dục không an toàn. Đây là một trong các nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đang gia tăng. Hiện tại, có hơn 185 triệu người mắc căn bệnh này trên thế giới.
Tại Việt Nam, theo đại diện Hội Gan Mật Việt Nam, viêm gan siêu vi C được ví như "kẻ giết người thầm lặng", vì không có dấu hiệu rõ ràng, nhưng lại vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Ở giai đoạn đầu, viêm gan siêu vi C đa số không có triệu chứng gì cả nên không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt của bệnh nhân. Vì vậy, hầu như người bệnh không hề biết mình đã bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, khi đã chuyển qua giai đoạn có biến chứng xơ gan và ung thư gan thì lúc này, sức khỏe bệnh nhân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Căn bệnh này hoàn toàn có thể được loại trừ nếu chúng ta có nhận thức đầy đủ, tiến hành xét nghiệm và nhanh chóng đến các cơ sở y tế chữa trị.