Jack Ma vừa đặt cửa canh bạc 2,6 tỉ USD sẽ hồi phục lại ngành bán lẻ Trung Quốc

17/01/2017 14:06 PM | Kinh doanh

Alibaba là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Trung Quốc. Không dừng lại ở đó, hãng còn muốn thay đổi ngành bán lẻ truyền thống của nước này.

Theo Bloomberg, ông lớn thương mại điện tử đã đánh bại eBay và Amazon ở Trung Quốc, có tham vọng thay đổi thế giới bán lẻ truyền thống đầy phức tạp. Alibaba đã đề nghị mua lại chuỗi cửa hàng bách hóa Intime Retail Group với giá lên đến 2,6 tỷ USD, thương vụ lớn nhất trong lĩnh vực thương mại truyền thống của họ.

Đây là cái giá khá đắt để sở hữu một công ty có doanh thu đang sụt giảm và tầm ảnh hưởng chỉ giới hạn ở các tỉnh phía đông Trung Quốc. Song, bằng cách bắt tay với các nhà bán lẻ, Jack Ma hy vọng phát triển một mô hình bán lẻ trực tuyến và truyền thống mới.

Kế hoạch của ông là dùng hạ tầng công nghệ khổng lồ, kinh nghiệm phân phối hàng tỷ USD hàng hóa trong một thập kỷ qua, quan hệ gần gũi với chính phủ và các thương hiệu lớn của Alibaba, để giúp hãng thành công ở những nơi mà Wal-Mart và thậm chí Amazon thất bại. Nếu hoạt động hiệu quả, sự kết hợp trên sẽ giúp Alibaba mở rộng mạng lưới logistics và thu về nhiều hơn dữ liệu của người tiêu dùng.

“Không ai biết giải pháp hay câu trả lời cụ thể, mặc dù mọi người đều biết đây là hướng đi tiếp theo của ngành bán lẻ. Alibaba muốn là người tiên phong trong việc tìm ra giải pháp”, Anson Chan, chuyên gia phân tích của Daiwa Capital Markets cho biết.

Lịch sử cho thấy, thương mại điện từ và truyền thống thường không kết hợp ăn khớp với nhau. Wal-Mart đã dùng hàng tỷ USD lợi nhuận để phát triển mảng thương mại điện từ, nhưng vẫn không cạnh tranh nổi với Amazon. Bản thân Amazon cũng đang nhảy vào kinh doanh cửa hàng truyền thống, nhưng nỗ lực này vẫn chưa đi đến đâu.

Tuy nhiên, Alibaba đang hoạt động trong một thị trường hoàn toàn khác biệt, và hãng cũng cần tìm động lực tăng trưởng mới khi thương mại điện tử bão hòa. Bản thân Jack Ma thừa nhận, ông nhìn thấy những “thách thức khổng lồ” cho các doanh nghiệp thương mại điện tử một-chiều, khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Mục tiêu của ông là vực dậy thị trường bán lẻ trị giá 4,5 nghìn tỷ USD đang xuống dốc và trở nên rời rạc ở Trung Quốc. Ông cũng muốn loại bỏ các bên trung gian để giảm thiểu chi phí và cải thiện hiệu suất của toàn ngành. Bên cạnh Intime, Alibaba còn thâu tóm các hãng bán lẻ đồ điện tử Suning Commerce và Haier Electronics.

Các thương vụ thâu tóm của Alibaba trong những năm qua.

Các nhà bán lẻ Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội này để bật dậy. Họ đã chật vật trong những năm qua để giữ chân người tiêu dùng, vốn không mặn mà với các trung tâm thương mại trì trệ và được quản lý kém. Không giống như ở Mỹ, nơi thị trường được kiểm soát bởi các chuỗi bán lẻ siêu lớn, hệ thống bán lẻ ở Trung Quốc tỏ ra manh mún và thiếu tập trung hơn nhiều.

Tính đến cuối tháng 6 năm ngoái, Intime, một trong những hãng bán lẻ lớn nhất Trung Quốc, chỉ quản lý 29 cửa hàng bách hóa và 17 trung tâm thương mại trên khắp cả nước, chủ yếu ở tỉnh Chiết Giang. Con số này quá khiêm tốn so với các chuỗi cửa hàng hoạt động trên toàn nước Mỹ như Wal-Mart và Macy’s.

Tuy nhiên, quan trọng hơn độ phủ địa lý là phương pháp quản lý. Trong khi hệ thống logistics của Wal-Mart và Amazon được coi là những hình mẫu kinh điển, hầu hết các nhà bán lẻ Trung Quốc vẫn chật vật trong hoạt động quản lý hàng hóa. Bộ máy lãnh đạo của họ đang thiếu động lực cải tiến.

Alibaba nhìn thấy cơ hội trong việc giúp các nhà bán lẻ sử dụng công nghệ để thay đổi cách quản lý hàng hóa. Mặt khác, hãng cũng muốn tận dụng mạng lưới cửa hàng thực để phân phối hàng hóa tới khách hàng hiệu quả hơn.

“Ngành bán lẻ truyền thống Trung Quốc đang tụt hậu so với các nước khác”, Catherine Lim, chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence nhận định. “Họ cần cải tổ triệt để để bắt kịp chuẩn thế giới, và đó có lẽ là lý do tại sao Alibaba cảm thấy họ cần phải hành động”.

“Các hãng bán lẻ truyền thống đã bắt đầu hiện đại hóa, nhưng quy trình này diễn ra rất chậm. Công nghệ và phần mềm đã có sẵn, vấn để chỉ là người ta có sẵn sàng chấp nhận hay không”, cô nói.

Không phải tất cả đều hiểu động cơ đằng sau thương vụ thâu tóm Intime của Alibaba. Alibaba muốn dùng thành công trong việc cải tổ Intime để khuyến khích các nhà bán lẻ khác sử dụng mô hình thương mại điện tử kết hợp truyền thống (online to offline – O2O) của mình.

“Có thể là Alibaba muốn phát triển mô hình và hệ thống O2O thông qua quan hệ hợp tác này. Và một khi nó hoàn thiện, Alibaba sẽ mở cửa hệ thống này cho các công ty khác thuê, giống như cách kinh doanh điện toán đám mây”, Chan nói.

Ngoài ra, cả Alibaba lẫn Intime đều không sở hữu hàng hóa họ bán. Intime hoạt động giống như một khu chợ, nơi các thương hiệu nhờ họ bán hộ hàng. Điều này có nghĩa là Alibaba phải chiếm được niềm tin của các thương hiệu nếu muốn đạt được mục đích.

“Vẫn còn thiếu yếu tố người bán”, Chan Wai-Chan, trưởng bộ phận phân tích tiêu dùng ở Châu Á của Oliver Wyman nhận định. “Intime hoạt động chủ yếu ở tỉnh Chiết Giang, vì thế họ không có đủ tầm ảnh hưởng ở Trung Quốc. Có thể trong kế hoạch tổng thể của mình, Alibaba sẽ mua thêm các chuỗi cửa hàng khác”.

Nhưng Alibaba đã sẵn sàng cho canh bạc này. Họ đang phát triển một mạng lưới cho phép các cửa hàng truyền thống và chủ thương hiệu theo dõi các giao dịch đang diễn ra.

Giống như Amazon, Alibaba cũng sở hữu kho tài sản trực tuyến hùng hậu, từ điện toán đám mây cho đến tìm kiếm di động và chia sẻ video. Người mua sắm có thể phát hiện thấy cái váy họ thích trên trang web chia sẻ video Youku Tudou, tìm kiếm bằng công nghệ nhận diện hình ảnh của Alibaba và tìm ra 10 mẫu váy tương tự.

Bộ phận logistics của Alibaba, Cainiao sẽ giúp nhà bán lẻ xác định các nhà kho trống và hàng còn bán, rồi sau đó phân phối hàng cho 450 triệu người mua tích cực của công ty một cách hiệu quả hơn.

“Cái Alibaba muốn là tích hợp các dịch vụ marketing, logistics, điện toán đám mây, tìm kiếm và giải trí vào một hệ thống duy nhất để người bán tạo ra giá trị, điều mà họ không thể tự làm”, Julia Pan, chuyên gia phân tích của UOB Kay Hian kết luận.

Nam Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM