iPhone mới còn chưa ra mắt, Apple đã gặp “sóng gió” tại Trung Quốc
Apple xác nhận công ty và đối tác Foxconn đã vi phạm pháp luật Trung Quốc khi sử dụng quá nhiều lao động tạm thời tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới.
Ngay trước khi Apple ra mắt iPhone mới vào ngày 10/9, tổ chức người lao động China Labor Watch (CLW) đã công khai báo cáo điều tra điều kiện làm việc tại các nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn tại Trung Quốc.
Trong báo cáo này, CLW cho biết các điều tra viên đã cải trang để làm việc tại nhà máy Trịnh Châu, trong đó có một người làm ở đây được 4 năm. Một trong các phát hiện chính là nhân viên tạm thời chiếm tới 50% lực lượng lao động trong tháng 8/2019. Luật pháp Trung Quốc quy định tối đa là 10%.
Apple cho biết sau khi tiến hành điều tra, họ phát hiện “tỉ lệ nhân viên tạm thời vượt quy chuẩn” và “đang hợp tác chặt chẽ với Foxconn để giải quyết vấn đề”. Foxconn cũng xác nhận sai phạm.
Ký túc xá nữ của Foxconn
Nhiều năm nay, chuỗi cung ứng cho Apple bị chỉ trích vì điều kiện lao động tồi tệ. Apple cũng hối thúc các đối tác cải thiện điều kiện làm việc nếu không sẽ dừng hợp tác. Tuy nhiên, mọi thứ chưa kết thúc. Foxconn, hay tên chính tức là Hon Hai, thường tuyển hàng trăm ngàn lao động tạm thời để sản xuất và đáp ứng kịp thời nhu cầu iPhone trong mùa mua sắm cuối năm.
Theo CLW, Apple đang chuyển giao chi phí của chiến tranh thương mại sang các lao động thông qua đối tác cung ứng và kiếm lời từ việc khai thác các công nhân Trung Quốc. Trong số những nhân viên tạm thời có cả sinh viên thực tập. Do nhiều sinh viên quay lại trường học vào cuối tháng 8, con số lao động tạm thời hiện tại là gần 30%, vẫn vi phạm quy định.
Phòng tắm chung trong ký túc xá |
Apple công bố báo cáo trách nhiệm đối tác thường niên, nêu chi tiết điều kiện làm việc trong chuỗi cung ứng. Trong báo cáo mới nhất, Apple nói đã thực hiện 44.000 cuộc phỏng vấn với công nhân năm 2018 để xem họ có được đào tạo đúng không và có biết cách lên tiếng khi có vấn đề không, cũng như tiến hành nhiều biện pháp chống lại lao động cưỡng bức. |
Cuối năm 2017, Apple phát hiện Foxconn thuê học sinh trung học làm thêm giờ trái pháp luật để lắp ráp iPhone X. “Táo khuyết” đã gửi chuyên gia về nhà máy để làm việc với hệ thống quản trị, bảo đảm mọi tiêu chuẩn được tuân thủ.
Nhân viên thời vụ của Foxconn không được hưởng lợi ích giống nhân viên toàn thời gian như chế độ nghỉ ốm, nghỉ mát, bảo hiểm xã hội. Dù lương cơ bản của họ có thể cao hơn, họ được bên thứ ba trả tiền mà không phải do Foxconn trực tiếp tuyển dụng. Họ có thể trở thành nhân viên chính thức sau thời gian thử việc 3 tháng.
CLW thành lập năm 2000 như một tổ chức điều tra các nhà máy Trung Quốc sản xuất đồ chơi, giầy dép, đồ điện tử và sản phẩm khác cho các tập đoàn đa quốc gia. CLW có văn phòng tại New York và Thâm Quyến cùng số điện thoại đường dây nóng.
Tháng 8/2019, Foxconn cho biết đã sa thải hai giám đốc tại một trong các nhà máy Trung Quốc sau khi CLW điều tra được nhà máy lệ thuộc vào nhân viên tạm thời và trẻ vị thành niên trong lắp ráp loa Echo cho Amazon.
Theo CLW, Apple và Foxconn sản xuất khoảng 12.000 iPhone trong mỗi ca làm việc tại nhà máy Trịnh Châu. iPhone XS phức tạp hơn iPhone X nên cần nhiều công nhân hơn.
Ngoài ra, báo cáo của CLW còn chia sẻ nhiều thông tin về điều kiện làm việc tại nhà máy Foxconn:
- Trong thời gian sản xuất cao điểm, không được nghỉ phép;
- Một số nhân viên tạm thời không được thưởng như đã hứa hẹn;
- Sinh viên làm thêm trong mùa cao điểm, ngay cả khi quy định cấm điều này;
- Một số nhân viên phải làm việc thêm 100 tiếng mỗi tháng trong mùa cao điểm. Luật lao động Trung Quốc quy định số giờ làm thêm tối đa 36 tiếng;
- Nhân viên phải được phê duyệt nếu không muốn làm thêm giờ. Nếu yêu cầu bị bác bỏ và nhân viên vẫn lựa chọn không làm thêm giờ, họ sẽ bị quản lý nhắc nhở và lỡ các cơ hội tương lai;
- Nhân viên đôi khi phải ở lại nhà máy cho các cuộc họp không hẹn trước giữa đêm;
- Nhà máy không cung cấp thiết bị bảo vệ hiện đại cho nhân viên;
- Tai nạn lao động không được nhà máy báo cáo và xúc phạm bằng lời nói là chuyện thường xảy ra.
CLW cho biết phần lớn nhân viên vẫn muốn làm thêm giờ vì như vậy họ có thể kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, Apple phản bác phần lớn cáo buộc của CLW là không đúng sự thật. Công ty khẳng định tất cả nhân viên được nhận thù xao xứng đáng, bao gồm cả tiền làm thêm giờ, tiền thưởng, mọi việc làm thêm là tự nguyện và không có bằng chứng của lao động cưỡng bức. Apple nói thêm rằng chưa đầy 1% công nhân của họ là sinh viên và chỉ có tỉ lệ nhỏ tự nguyện làm thêm giờ hay làm ca đêm.
Một điều tra viên của CLW phát hiện phần lớn công nhân được trả 4.000 nhân dân tệ/tháng. Sau khi trừ thuế và các chi phí khác, họ còn lại khoảng 3.000 nhân dân tệ/tháng. Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, thu nhập bình quân đầu người sau thuế là 28.228 nhân dân tệ/năm, hay 2.352 nhân dân tệ/tháng.