"Hướng nội như vậy thì làm được việc gì?": Câu nói mang tính sát thương đã đẩy tôi tiến về phía trước bằng cách không ngờ tới

24/01/2019 08:15 AM | Sống

Bất kể là việc gì, đừng ngần ngại tiến lên một bước thử xem, xem mình hợp hay không hợp, sau đó tiến hành điều chỉnh, đừng suy nghĩ hay để ai đó tác động vào bạn quá nhiều. Không ai có thể thay bạn nói bạn là ai, chỉ bạn mới có thể làm điều đó.

Có khá nhiều bạn đọc từng hỏi tôi rằng cảm thấy bản thân rất hướng nội, không giỏi giao tiếp, có cách nào để thay đổi tính cách này hay không.

Trong đó có dòng chia sẻ một bạn đọc khiến tôi vô cùng ấn tượng. Bởi vì bạn ấy không thích nói chuyện với người lạ nên dì của bạn ấy từng nói với bạn ấy rằng: "Hướng nội như vậy thì sau này làm được trò trống gì!".

Câu nói đó cứ mắc kẹt mãi trong lòng bạn ấy, bạn ấy không hiểu tính cách hướng nội thì có gì sai.

Thực ra, không ít người cũng đang đấu tranh tâm lý rất nhiều bởi tính cách có phần "hướng nội" của mình. Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các bạn 5 lời khuyên mà tôi nghĩ sẽ giúp ích được cho mọi người.

Có thể không có nhiều người biết nhưng tôi thực ra là một người hướng nội.

Hướng nội bao nhiêu? Mỗi lần gặp người lạ là một lần thử thách của tôi. Sau khi tốt nghiệp xong phải đi phỏng vấn tìm việc làm cũng như vậy, tôi phải chuẩn bị tâm lý rất lâu, luyện tập, rồi liên tục tự nhủ phải chấn chỉnh lại tâm lý thì mới coi là ổn.

Kể cả như vậy, đôi khi khi nói các động tác tay cũng thường tạo cho tôi áp lực. Tôi sẽ không ngừng nghĩ: nói như vậy, động tác như vậy có ổn không? Như vậy có quá không? Mình có phải là có thể làm tốt hơn nữa không?

Lâu dần, giao tiếp với người khác trở thành một "nhiệm vụ vô cùng khó khăn"

Tôi có thể viết bài, lên ý tưởng cho phương án hay kế hoạch, nhưng giao tiếp với mọi người ư? Quên đi vậy!

Vì vậy, tôi đã từng rất lo lắng về vấn đề giao tiếp xã hội của bản thân, nó trở thành một thiếu sót lớn đối với tôi.

Cho tới khi đặt chân vào ngành truyền thông, tôi phải ép bản thân gặp gỡ một vài người bạn cùng ngành, tham gia một vài hoạt động hay những buổi tụ tập, tôi mới cải thiện được.

Vậy nên, tôi rất đồng cảm với những bạn mang trong mình tính cách hướng nội.

Chưa nói đến những hiểu lầm phổ biến trong xã hội, ngay cả trong công việc và cuộc sống, nếu bạn là một người hướng nội, bạn hẳn đã trải qua những tình huống như vậy:

Bị đồng nghiệp nói là "khó bắt chuyện", "tính tình lầm lì", suốt ngày một mình một bóng, không có bạn.

Khi phát biểu, hội họp hay thảo luận nhóm đều đóng vai thính giả, không có cảm giác đang tồn tại.

Có nhiệm vụ mới, thử thách mới, người được cấp trên lựa chọn mãi mãi không phải bạn, bạn chỉ có thể làm chân chạy việc hay trợ lý….

Thực ra, nhiều lúc không phải năng lực chúng ta không đủ hay thiếu sự nhiệt tình mà chỉ vì ngại ngùng, xấu hổ, không dám thể hiện bản thân.

Cũng như vậy, không ai thực sự thích sự cô đơn, không có bạn bè, chỉ là vì chúng ta không dám chủ động, không dám bước những bước đi đầu tiên.

Hướng nội như vậy thì làm được việc gì?: Câu nói mang tính sát thương đã đẩy tôi tiến về phía trước bằng cách không ngờ tới - Ảnh 1.

Vậy thì, đối với những người hướng nội, có những phương pháp nào có thể giúp bạn vượt qua những định kiến và ràng buộc của xã hội?

1. Hiểu rõ bản thân

Bước đầu tiên vô cùng quan trọng đó là hiểu rõ bản thân mình: tôi có phải là một người hướng nội hay không?

Đừng nghĩ rằng câu hỏi này dễ. Thực tế, rất nhiều nghiên cứu chỉ ra: con người không chỉ có hai loại tính cách hướng nội và hướng ngoại, mà còn có một loại tính cách thứ 3 gọi là "Ambivert", nghĩa là một người vừa hướng nội vừa hướng ngoại, tôi tạm gọi là những "người linh hoạt".

Đặc điểm của những "người linh hoạt" là gì? Rất đơn giản: họ có lúc thích xã giao, mạo hiểm, khám phá nhưng đôi khi lại thích ở một mình.

Người hướng ngoại thông thường thích những nơi đông người, ở một mình dễ cảm thấy buồn chán, người hướng nội lại thích riêng tư, yên tĩnh, nhiều người ngược lại khiến họ mệt mỏi.

Người linh hoạt ở giữa 2 kiểu người này, bất luận là tình huống nào, họ đều giống như cá gặp nước.

Mấu chốt ở đây là gì? Nếu bạn là một người linh hoạt, vậy thì không cần thiết phải dán lên người mình cái mác "hướng nội", điều này sẽ hạn chế không gian xã giao và khả năng của bạn.

Nếu bạn luôn cho rằng mình là một người "không phù hợp xã giao", "không thích hợp khám phá", "không thích hợp chủ động", vậy thì, theo thời gian, bạn sẽ thực sự mất những khả năng này - đây là hiệu ứng Pygmalion.

Cũng giống như khi làm bài trắc nghiệm tâm lý, kết quả của tôi là một người "hợp với ngành giải trí", đừng có quá tin vào nó.

Bất luận là trắc nghiệm hay phân loại gì, tất cả đều chỉ là tương đối, bao gồm cả trắc nghiệm MBTI, nếu chỉ để tham khảo hoặc giải trí thì được.

Nếu bạn quá tin tưởng vào chúng, bạn sẽ dễ dàng vẽ cho mình một nhà lao và tự biến mình thành tù nhân, đồng thời đóng khung mình trong một vòng tròn nhỏ, không bao giờ thoát ra được.

Việc bạn cần làm đó là nghe theo tiếng nói nội tâm của chính mình.

Bất kể là việc gì, đừng ngần ngại tiến lên một bước thử xem, xem mình hợp hay không hợp, sau đó tiến hành điều chỉnh, đừng suy nghĩ hay để ai đó tác động vào bạn quá nhiều.

Không ai có thể thay bạn nói bạn là ai, chỉ bạn mới có thể làm điều đó.

Hướng nội như vậy thì làm được việc gì?: Câu nói mang tính sát thương đã đẩy tôi tiến về phía trước bằng cách không ngờ tới - Ảnh 2.

2. Lấy "tôi" làm chủ

Bạn cần phải làm rõ ràng những điều sau:

Việc nào là làm vì người khác, việc nào làm vì mình?

Thời gian nào có thể "cho" người khác, thời gian nào dành cho mình?

Những thứ nào có thể cho người khác, thứ nào là thứ mình thực sự cần?

Nếu xem nhẹ những điểm này, bạn có thể sẽ rất dễ dàng cảm thấy mệt mỏi, mệt mỏi với việc đuổi theo cuộc sống, giúp đỡ người khác, giúp đỡ họ lấp đầy chỗ trống… mà dần dần đánh mất đi cuộc sống của chính mình.

Vì vậy, làm sao để sống một cách trọn vẹn trong một xã hội theo đuổi sự hướng ngoại này?

Mấu chốt ở chỗ tìm ra tiết tấu cuộc sống của chính bản thân mình.

Không cần thiết phải đến các bữa tiệc, liên hoan, công tác hay giao tiếp, từ chối họ cũng không sao cả, không cần phải thêm gánh nặng cho bản thân.

Trong công việc bận rộn mỗi ngày, dành ra một chút thời gian làm "ngăn kéo thời gian" của riêng mình, dù chỉ là ngồi yên lặng suy nghĩ thôi, đó cũng là một cách chữa lành vô cùng hiệu quả.

Đừng quá theo đuổi hiệu suất cao, nhanh nhanh chóng chóng, chậm lại một chút, rất nhiều thứ thực ra không cần gấp gáp đến vậy.

Đừng ngại bắt đầu từ những việc đơn giản nhất như viết nhật ký mỗi ngày (không nhất thiết là cứ phải trước khi đi ngủ mới viết), nhớ lại những việc của ngày hôm nay, việc nào là cho người khác, việc nào là làm cho bản thân mình?

Nếu như việc làm cho bản thân mình quá ít, vậy thì đã đến lúc bạn cẩn lên kế hoạch và đầu tư nhiều hơn cho bản thân mình rồi.

Tập trung vào những chuyện thực sự quan trọng, đây mới là mục tiêu mà bạn cần không ngừng kiên trì và đấu tranh để giành lấy.

Hướng nội như vậy thì làm được việc gì?: Câu nói mang tính sát thương đã đẩy tôi tiến về phía trước bằng cách không ngờ tới - Ảnh 3.

3. Đi tìm định vị của bản thân

Có thể có người sẽ nói: nếu chuyện gì cũng lấy mình làm chủ, không xã giao, không giao tiếp, lẽ nào không ảnh hưởng đến công việc và sự phát triển của mình sau này ư?

Vậy thì tôi lại phải hỏi ngược lại: trong xã hội này, thứ thực sự quan trọng là gì? Là bạn có năng lực để đáp ứng những gì mà xã hội cần hay là việc bạn có bao nhiêu bạn bè?

Đơn giản mà nói, chỉ cần bạn có ưu thế cạnh tranh, dù bạn có không quá chủ động đi thể hiện thì người khác cũng sẽ chủ động tìm tới bạn.

Vì vậy, bất luận là làm công việc gì, đầu tiên bạn phải "móc nối" với lĩnh vực mà mình đang làm, học hỏi và tìm hiểu nghiệp vụ của công ty, đây mới là điều quan trọng; thứ hai, luôn xoay quanh nghiệp vụ cốt lõi, tìm kiếm lĩnh vực cụ thể mà bạn có sở trường, có thể đi sâu vào nghiên cứu. Đây chính là năng lực cạnh tranh cốt lõi của bạn.

Hãy nghĩ thật kỹ những câu hỏi sau:

1. Bạn giỏi cái gì?

2. Bạn thích cái gì?

3. Những thứ này làm sao để kết hợp hài hòa với thứ mà người khác đang cần ở bạn?

4. Những thứ này làm sao tạo ra được giá trị mới?

Hướng nội như vậy thì làm được việc gì?: Câu nói mang tính sát thương đã đẩy tôi tiến về phía trước bằng cách không ngờ tới - Ảnh 4.

4. Phát huy ưu thế

Người hướng nội là một người nhạy cảm và biết đồng cảm với người khác.

Cho dù chỉ là một kích thích rất nhỏ thôi cũng có thể làm dấy lên một phản ứng mạnh mẽ bên trong người hướng nội, đồng thời đánh thức những ký ức và kinh nghiệm từng trải của họ.

Những người như vậy thích hợp với những công việc sáng tạo. Họ dễ dàng nhận ra những điều tinh tế trong cuộc sống, dễ dàng kết nối mọi thứ, và cũng dễ dàng nghĩ ra những thứ mà người khác chưa chắc đã nghĩ ra.

Nếu họ cho họ một môi trường thoải mái, một mục tiêu nhất định và những phản hồi tích cực, họ sẽ cho bạn thấy được sở trường chuyên môn của mình.

Tiếp theo là sự đồng cảm với người khác. Họ có thể cảm nhận được cảm xúc của người khác, biết phải nói gì và không nên nói gì. Đồng thời, họ cũng thích giúp đỡ và quan tâm đến người khác. Lòng biết ơn chân thành từ người khác sẽ là động lực rất lớn cho họ.

Hướng nội như vậy thì làm được việc gì?: Câu nói mang tính sát thương đã đẩy tôi tiến về phía trước bằng cách không ngờ tới - Ảnh 5.

5. Thay đổi suy nghĩ

Nếu bạn là một người hướng nội, đừng từ chối chạm vào những điều mới mẻ, đừng từ chối tiếp xúc với những người mới gặp.

Điều này có thể khó khăn, có thể khiến bạn không thoải mái, nhưng nó đồng thời cũng là cách để bạn không ngừng vượt qua chính mình, bởi nếu bạn cứ mãi chỉ lặp lại những gì mà bạn đã quen thuộc thì bạn sẽ không thể thực sự trưởng thành lên được. Dũng cảm tiếp nhận thử thách, biết đâu bạn sẽ khám phá ra được một "tôi ver.2" đằng sau tính cách "hướng nội" đó.

Lachel

Cùng chuyên mục
XEM