Tôi tự hào là người hướng nội: Tôi có công việc, kiếm ra tiền, nhiều mối quan hệ và bạn không cần thử hướng ngoại vì rất lãng phí thời gian

11/01/2019 08:15 AM | Sống

Tôi thường bị mất năng lượng rất nhanh khi nói chuyện trước đông người. Thế nên bản thân rất không thích việc tham gia các sự kiện đông người cho lắm.

Mấy tuần trước, tôi có tham gia một buổi tiệc nơi mọi người ‘networking’ với nhau.

Tôi thì đứng im một chỗ. Trong đầu có vô vàn thứ để nói, nhưng miệng thì chẳng mở ra được. Xung quanh mọi người nói, cười, tay bắt mặt mừng.

Sâu thẳm bên trong mình, tôi có nhiều cái muốn nói lắm. Tôi cũng muốn kết nối với mọi người xung quanh nữa. Nhưng chỉ nghĩ đến việc nói thôi là đã làm tôi thấy mệt rồi.

Tôi sợ nếu nói ra điều gì đấy nhàm chán, mọi người sẽ cười vào mặt mình. Mọi người sẽ không thích mình nữa. Thế nên tôi quyết định không nói cho chắc.

Tôi im lặng cả buổi tối hôm đấy thật. Trên đường về nhà cứ dằn vặt bản thân mãi. Sao mình lại như thế nhỉ? Sao mình lại ngại nhỉ? Sao mình lại bỏ qua cơ hội tốt thế nhỉ?

Cứ thế cả buổi tối dằn vặt bản thân và tiếc.

Tôi tự hào là người hướng nội: Tôi có công việc, kiếm ra tiền, nhiều mối quan hệ và bạn không cần thử hướng ngoại vì rất lãng phí thời gian - Ảnh 1.

Hướng nội không phải là xấu hổ, ngại giao tiếp. Hướng nội cũng không liên quan gì đến việc có thích ra ngoài chơi nhiều hay ít.

Những người khi cần nạp lại năng lượng, họ cần có không gian một mình. (Hướng nội).

Có những người chọn cách chia sẻ với bạn bè để nạp năng lượng (hướng ngoại), và có rất nhiều người thì ở giữa nửa này nửa kia.

Người hướng nội thường hay bị quy chụp là ‘xấu hổ’, ‘ngại ngùng’, đơn giản là vì khi chúng ta ở bên cạnh người khác quá lâu, ta cần một khoảng thời gian riêng cho bản thân.

Người hướng ngoại cũng có lúc ‘xấu hổ’, ‘ngại ngùng’, nhưng họ khắc phục được bằng cách nói chuyện với nhiều người hơn.

Tôi thường bị mất năng lượng rất nhanh khi nói chuyện trước đông người. Thế nên bản thân rất không thích việc tham gia các sự kiện đông người cho lắm.

Tôi thường nói ‘không’ với những sự kiện xã hội nơi có nhiều người. Bởi tôi biết chúng sẽ lấy đi năng lượng mà tôi có thể dùng cho việc mà tôi yêu thích.

Nếu phải thuyết trình, không vấn đề gì. Bởi một mình tôi một sân khấu. Tôi lấy lại năng lượng trên sân khấu.

Vậy làm sao tôi có thể trở thành một người hướng nội chuẩn?

Tôi tự hào là người hướng nội: Tôi có công việc, kiếm ra tiền, nhiều mối quan hệ và bạn không cần thử hướng ngoại vì rất lãng phí thời gian - Ảnh 2.

#1. ĐỌC SÁCH HƯỚNG NỘI

Tôi đọc cuốn ‘Hướng nội’ của Susan Cain. Đây là cuốn sách rất hay của một nữ doanh nhân thành đạt, một người hướng nội.

Tác giả nghiên cứu về hướng nội rất sâu và cuốn sách sẽ cho bạn biết rất nhiều điều hay ho người hướng nội có thể làm.

#2. SẮP XẾP THỜI GIAN THẬT TỐT, ĐỂ BẠN CÓ THÊM THỜI GIAN CHO BẢN THÂN

Mỗi ngày tôi đều dành thời gian để đọc và viết. Tôi nói không giỏi, nên tôi chọn việc đọc và viết là hai cách để bản thân thể hiện cũng như nạp lại năng lượng.

Vì không thích đám đông, nên tôi chọn việc đi ngủ sớm. Tại sao phải tham gia party khi mà tôi chẳng có thêm năng lượng gì từ những buổi như vậy?

Còn bạn, nếu bạn là một người hướng nội, bạn đã dành thời gian cho bản thân chưa?

#3. QUY LUẬT 1%

Mỗi ngày chúng ta phải ra rất là nhiều quyết định. Có những quyết định nhỏ, có quyết định lớn.

Có quyết định do ta tự quyết, có quyết định người khác quyết cho ta. Tôi quyết định viết những gì mình thích, hoặc người khác sẽ quyết định cho tôi nên viết cái gì.

Mỗi ngày tôi đều cố gắng tự quyết định một điều gì đó cho bản thân, thay vì bị ảnh hưởng bởi quyết định của người khác.

Hôm nay bạn đã tự quyết định được bao nhiêu điều rồi?

#4. CẦN THỜI GIAN

Từ cấp 3 đến khi hết đại học, tôi vẫn tự ti là mình kém trong khả năng thuyết trình trước đám đông, tôi đổ lỗi cho việc ‘xấu hổ’ của mình.

Rồi tôi nhận ra là không phải. Việc không thích đám đông hay không thoải mái nói chuyện trước đám đông đơn giản vì tôi chưa tìm ra nơi để nạp lại năng lượng cho bản thân.

Vậy nên trong ba năm gần đấy, tôi tìm cách khắc phục điều này. Tôi đọc sách mỗi khi có thời gian, tôi viết mỗi ngày, tôi học về body language, tôi tập nói trước những nhóm nhỏ.

Khi bạn biết mình lấy năng lượng từ đâu, tự nhiên mọi việc sẽ trở nên suôn sẻ hơn rất nhiều.

Mỗi người có một cách lấy năng lượng khác nhau, bạn nên tự dành thời gian tìm hiểu cách của mình – thay vì đi bắt chước cách của một người khác.

Nếu tôi là một người hướng ngoại, chắc giờ này tôi đang chán chết vì ngồi một mình trong phòng gõ mấy dòng chữ này.

Nhưng vì tôi là người hướng nội, và tôi rất thoải mái với không gian riêng một mình hiện tại. Tôi có năng lượng 100% để viết, giải quyết công việc, làm video hướng dẫn và dành chút thời gian với bạn bè.

Tôi tự hào là người hướng nội: Tôi có công việc, kiếm ra tiền, nhiều mối quan hệ và bạn không cần thử hướng ngoại vì rất lãng phí thời gian - Ảnh 3.

#5. TIỀN VÀ NĂNG LƯỢNG

Mỗi khi chuẩn bị làm một công việc nào đó, tôi tự hỏi mình: "Việc này sẽ mang lại cho mình năng lượng hay làm cho mình kiệt quệ nhỉ?"

Dần dần chúng ta sẽ nhận được ra thời điểm nào trong ngày năng lượng của chúng ta lên cao nhất.

Năng lượng là điều quan trọng nhất. Buổi tối sau một ngày mệt mỏi và hết năng lượng, chúng ta cần đi ngủ để ‘sạc’ lại.

Khi một người hướng nội ở cùng nhiều người, năng lượng mất đi rất nhanh.

Khi ta ở cùng người ta ghét, năng lượng xuống nhanh hơn nữa.

Khi ta không sáng tạo, năng lượng cũng mất dần đi.

Khi ta làm công việc ta không thích, năng lượng cũng dần tan biến.

Chẳng có gì ở trên liên quan đến tiền nhỉ? Năng lượng quan trọng hơn tiền nhiều. Năng lượng là thứ giúp ta duy trì một cuộc sống vui vẻ và hiệu quả.

Nếu muốn giàu hơn, chắc tôi không chọn nghề viết và đọc sách mỗi ngày như hiện tại.

Nếu muốn giàu, tôi nên đi làm kinh doanh, start-up hoặc bán hàng, kiếm một team để quản lý, giao việc xuống mỗi ngày, trở thành quản lý của một dự án. Tôi từng làm những việc trên rồi, và thất bại hoàn toàn.

Không phải vì tôi không có kiến thức. Mà chỉ đơn giản là những việc đó không làm vui. Những việc đó làm tôi mất năng lượng.

Tôi tự hào là người hướng nội: Tôi có công việc, kiếm ra tiền, nhiều mối quan hệ và bạn không cần thử hướng ngoại vì rất lãng phí thời gian - Ảnh 4.

#6. SỰ KHIÊM TỐN VÀ LÒNG TỰ TRỌNG

Dùng sự khiêm tốn của mình để biết bản thân chưa giỏi chỗ nào.

Có những lúc sĩ diện lên cao, tôi cứ nghĩ là mình giỏi mọi thứ. Việc gì cũng làm được.

Và cuối cùng thì thành một đống tạp nham.

Sự khiêm tốn sẽ giúp cho ta biết được bản thân mình tốt và đam mê cái gì, tập trung vào đó, những cái còn lại ta tìm cách chia cho người khác.

Vậy nên ta cần xem lại to-do-list ngày hôm nay của bản thân, trong đó có bao nhiêu việc? 10 hay 100? Bao nhiêu việc ta thích và làm giỏi? Bao nhiêu việc ta có thể chia cho người khác.

Tôi không giỏi quản lý con người. Tôi không giỏi truyền cảm hứng. Tôi không giỏi networking đông người.

CÁCH NETWORKING VỚI DOANH NGHIỆP

Khi gặp một người đã đi làm, tôi thường chuẩn bị trước xem mình có thể giúp gì được cho họ không, không cần đòi hỏi gì hết.

Việc chuẩn bị trước tâm thế như vậy giúp tôi tự tin hơn cũng như có chất liệu để nói chuyện tốt hơn.

CÁCH NÓI CHUYỆN TRONG BUỔI NETWORKING

Là một người hướng nội, tôi không có nhu cầu trở thành trung tâm của cuộc trò chuyện.

Vậy nên ví dụ tôi biết bạn A và bạn B, tôi sẽ giới thiệu hai bạn làm quen với nhau.

Kết quả là, khi hai bạn ấy đã làm quen với nhau và trở thành partner của nhau rồi, bạn nào cũng rất nhớ người đã giới thiệu họ với nhau.

Tôi tự hào là người hướng nội: Tôi có công việc, kiếm ra tiền, nhiều mối quan hệ và bạn không cần thử hướng ngoại vì rất lãng phí thời gian - Ảnh 5.

#7. HƯỚNG NỘI HẸN HÒ VỚI HƯỚNG NỘI

Tôi có từng hẹn hò với một cô gái thích được đi chơi. Cô gái ấy là một người hướng ngoại chính hiệu. Ban đầu thì hai người thấy cũng hợp nhau lắm, nhưng sau đấy thì không.

Bạn ấy rất thích đi chơi. Đến pub, đến bar, đến cafe, gặp gỡ bạn bè và nói chuyện với mọi người.

Tôi thì thích ở nhà, đọc sách. Không thích ra ngoài.

Phong cách sống khác nhau không sớm thì muộn sẽ dẫn đến tranh cãi.

Vậy nên tôi nghĩ là, tốt nhất nên hẹn hò cùng một người cũng thích ‘nạp năng lượng’ giống mình. Giống như bạn gái bây giờ, hai đứa cùng ra đường hóng gió, hai đứa cùng đi hiệu sách đọc sách, hai đứa ôm laptop xem phim cả buổi chiều.

Ý kiến cá nhân thôi. Chuyện tình yêu phức tạp mà.

#8. NGƯỜI HƯỚNG NỘI HOÀN THÀNH CÔNG VIỆC NHƯ THẾ NÀO

– Mỗi ngày tôi viết một bài. 

– Tôi đọc nhiều để học được nhiều.

– Tôi tìm những người giỏi trong lĩnh vực của họ để làm việc cùng, nhờ vậy tôi có thời gian tập trung vào những gì mình giỏi.

– Trước khi gặp một người, tôi tìm hiểu rất kỹ về người đó xem bản thân mình có giúp gì được họ không.

– Tôi tập thể dục mỗi ngày ít nhất 30 phút, ngủ mỗi ngày ít nhất 6 tiếng. Có sức khỏe thì mới làm được việc.

Tôi tự hào là người hướng nội: Tôi có công việc, kiếm ra tiền, nhiều mối quan hệ và bạn không cần thử hướng ngoại vì rất lãng phí thời gian - Ảnh 6.

#9. HƯỚNG NỘI VÀ HƯỚNG NGOẠI CÓ THỂ LÀM VIỆC TỐT VỚI NHAU KHÔNG?

Tôi không giỏi phát biểu trong các buổi hội nghị lắm. Nhưng tôi giỏi trong việc kết nối với những người tham gia ở đó và học hỏi từ họ.

Tôi giỏi trong việc gặp một bạn hướng ngoại và hai người cùng ngồi lên ý tưởng với nhau.

Tôi có những người bạn rất ‘social’, những đứa khác thì chỉ thích đọc sách một mình.

Và tôi nghĩ là nhóm nào cũng có cái hay của nó.

Đi chơi với nhóm bạn ‘social’, tôi có dịp được gặp gỡ nhiều người hơn, có thêm nhiều mối quan hệ hơn.

Nói chuyện với nhóm bạn thích viết và đọc, tôi thấy bản thân mình có nhiều kiến thức hơn.

Nên tôi nghĩ, hướng nội hay hướng ngoại chẳng ảnh hưởng gì đến chuyện làm việc với nhau.

#10. RỜI KHỎI VÙNG AN TOÀN

Có một đợt, tôi thử hướng ngoại hơn. Tuần nào cũng cố gắng tham gia 2-3 sự kiện, bắt chuyện với nhiều người nhất có thể.

Kết quả là: Mệt. Không còn năng lượng làm việc khác.

Việc quan trọng nhất vẫn là dành thời gian để hiểu hơn về bản thân mình, xem mình giỏi ở đâu, còn kém ở chỗ nào.

Tôi thấy mình không có khiếu nói chuyện trước camera cho lắm, vậy nên chắc chắn tôi không nên đi theo con đường thành vlogger được.

Tôi từng là một người luôn nói ‘Có’ với mọi vấn đề. Vì tôi muốn mình ‘hướng ngoại’ hơn. Kết quả là thật tốn thời gian. Mỗi người chỉ có một cuộc đời thôi. Nếu năm nay bạn 20 tuổi và sống được đến 80 tuổi, tức là bạn chỉ còn 29.200 ngày cho bản thân thôi. Tốt nhất là không nên phung phí.

*Bài viết được trích từ blog anhtuanle.com.

Lê Tuấn Anh

Cùng chuyên mục
XEM