Hưởng lợi từ 'cơn sốt chứng khoán', một công ty Trung Quốc bất ngờ lọt top 10 nhà môi giới lớn nhất thế giới, vốn hóa vượt Credit Suisse

15/09/2020 17:32 PM | Kinh doanh

Cổ phiếu của East Money đã tăng vọt 78% trong năm nay, đưa vốn hóa lên mức 200 tỷ CNY (29 tỷ USD). Đây là một trong những công ty được hưởng lợi nhiều nhất trong "cơn sốt" đầu cơ điên cuồng nhất trong nửa thập kỷ qua trên TTCK Trung Quốc.

East Money Information Co. là công ty môi giới trực tuyến và cung cấp dữ liệu thị trường của Trung Quốc, được sáng lập bởi một người từng là chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán 49 tuổi. Đây là một trong những công ty được hưởng lợi nhiều nhất trong "cơn sốt" đầu cơ điên cuồng nhất trong nửa thập kỷ qua trên TTCK Trung Quốc.

Cổ phiếu của East Money đã tăng vọt 78% trong năm nay, đưa vốn hóa lên mức 200 tỷ CNY (29 tỷ USD). Theo đó, công ty này trở thành một trong những công ty môi giới tổ chức được giao dịch nhiều nhất thế giới và thậm chí còn có giá trị lớn hơn của Credit Suisse, theo dữ liệu được Bloomberg tổng hợp.

Người sáng lập của East Money từng là một nhà phân tích và tay viết nội dung góc nhìn với bút danh Qi Shi, hiện tại đã trở nên rất giàu có. Sau khi thành lập công ty vào năm 2005, với tên gọi Shanghai Dong Cai Information Technology, 21% cổ phần ông nắm giữ hiện trị giá 6,2 tỷ USD. Cha và vợ ông – cổ đông lớn thứ 2 và thứ 3, cũng sở hữu 5% cổ phần.

Cũng giống như ứng dụng đầu tư Robinhood rất nổi tiếng ở Mỹ, East Money đã có được lợi thế lớn khi tiếp cận với nhóm người dùng trẻ am hiểu về công nghệ, trong bối cảnh hàng triệu người ở nhà "tránh dịch" và họ tìm đến hoạt động đầu tư chứng khoán. Doanh thu của công ty này đã tăng 67% trong nửa đầu năm 2020 và lợi nhuận ròng cũng tăng hơn gấp đôi.

Không giống như tình trạng ồ ạt đầu tư ở Mỹ - nơi Robinhood và E*Trade có mức hoa hồng là 0, công ty này đã có thể tiếp tục tính phí khách hàng trên mỗi giao dịch, nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với các nhà môi giới truyền thống. Đối với giao dịch cổ phiếu, mức phí là 0,25% và mức phí thấp nhất cho giao dịch quỹ tương hỗ là 0,15%.

Các nhà phân tích và nhà đầu tư cho biết, East Money có vị thế vượt trội so với các đối thủ tại địa phương, khi họ là nhà môi giới trực tuyến duy nhất của Trung Quốc có giấy phép giao dịch cổ phiếu và bán dịch vụ quỹ tương hỗ - vốn chiếm 90% doanh thu. Công ty này còn vận hành một diễn đàn thảo luận nổi tiếng là Guba. Tại đây, hàng triệu nhà đầu tư trao đổi với nhau về mẹo đầu tư và những thông tin về TTCK, đồng thời bán dữ liệu thị trường cho các nhà đầu tư tổ chức.

John Zhou – giám đốc điều hành và nhà quản lý quỹ tại MQ Investment đang đầu tư vào East Money, nhận định: "Đà tăng của cổ phiếu này được thúc đẩy bởi mô hình kinh doanh đặc biệt, hiếm thấy của công ty. East Money là một nhà cung cấp và môi giới dữ liệu tài chính, họ phù hợp với cả 2 lĩnh vực và là ‘người chơi’ duy nhất trong lĩnh vực riêng của họ."

Trong khi đó, Qi và công ty của ông từ chối bình luận về vụ việc, cũng như tiết lộ số lượng người dùng. Tuy nhiên, Daiwa Capital Market ước tính rằng ứng dụng đầu tư chứng khoán của họ có khoảng 1,14 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và ứng dụng quỹ tương hỗ có khoảng 10,9 triệu người dùng. Trong 1 báo cáo hồi tháng 8, Daiwa cho biết trong số các ứng dụng trên TTCK Trung Quốc, East Money chỉ đứng sau Hithink RoyalFlush Information Network về số lượng người dùng.

Hưởng lợi từ cơn sốt chứng khoán, một công ty Trung Quốc bất ngờ lọt top 10 nhà môi giới lớn nhất thế giới, vốn hóa vượt Credit Suisse - Ảnh 1.

East Money lọt top 10 nhà môi giới lớn nhất thế giới (vốn hóa: tỷ USD).

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với China Business News hồi năm 2014, Qi Shi (tạm dịch: thực tế, đơn giản) cho biết nỗ lực của ông trong việc tạo ra một nền tảng tương tác, chia sẻ thông tin cho nhà đầu tư xuất phát từ việc ông là một người hướng nội.

Ngay từ đầu, khi hoạt động với tư cách là một công ty cung cấp thông tin, East Money đã thực hiện những bước đi rất khác biệt năm 2015, họ nhận được giấy phép khi mua lại nhà môi giới Tongxin East Fortune Securities Co. Ngoài ra, công ty này còn có được giấy phép kinh doanh quỹ tương hỗ vào năm 2018, cho phép vận hành các quỹ của riêng mình và bán các sản phẩm của bên thứ 3.

Khi sử dụng dịch vụ của East Money, khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm từ hơn 8.000 quỹ tương hỗ từ 140 nhà quản lý. Giá trị giao dịch trên ứng dụng này đã tăng 83% lên mức 568 tỷ CNY trong năm nay, vượt qua cả doanh thu 334 tỷ CNY của ngân hàng lớn nhất Trung Quốc là Ngân hàng Công thương Trung Quốc (CBC).

Max Wang – 29 tuổi, làm việc trong bộ phận bán hàng của 1 công ty quản lý quỹ tại Thượng Hải, chia sẻ rằng anh thích sử dụng ứng dụng này. Wang cho biết, anh phát hiện ra trang web này khi còn là một thực tập sinh vào năm 2015 và sử dụng nó để kiểm tra mức giá, dữ liệu sau đó bắt đầu mua cổ phiếu.

Wang nói: "Về cơ bản, East Money có mọi sản phẩm quỹ tương hỗ mà bạn có thể mua, vì vậy bạn không cần mở nhiều tài khoản với các nhà môi giới khác. Tôi nhận thấy có một số tính năng rất thông minh. Chỉ bằng 1 cú click, họ có thể tự phân bổ tiền nhàn rỗi vào các quỹ MMF để đa dạng hóa rủi ro."

Dai Danmiao – nhà phân tích tại Guosen Securities Co., nhận định rằng East Money có điểm mạnh khi sở hữu diễn đàn trực tuyến. Ông nói: "Người dùng rất ưa thích ứng dụng này bởi có yếu tố mạng xã hội ở đây, họ có thể dễ dàng mở tài khoản đầu tư chứng khoán sau khi tích cực thảo luận về 1 số cổ phiếu nhất định chỉ bằng một cú click."

Ngoài ra, Dai cũng cho biết công ty môi giới này phải đối mặt với những biến động của thị trường và sự cạnh tranh từ các công ty như Ant Group – vốn nhận được giấy phép kinh doanh quỹ vào năm 2015 và có được lợi thế từ sự trung thành của người dùng, cũng như sản phẩm đầu tư đa dạng.

Dẫu vậy, ở thời điểm hiện tại, người dùng của East Money vẫn rất gắn bó với ứng dụng. Max Wang chia sẻ: "Có những trang web và ứng dụng đầu tư khác như Alipay cũng rất hữu ích. Nhưng tôi đã quen với East Money trong nhiều năm qua, tôi không nghĩ rằng mình sẽ dễ dàng thay đổi."

Lục Lam

Cùng chuyên mục
XEM