HSBC: Việt Nam muốn phát triển bền vững thì hãy đẩy mạnh cổ phần hóa vốn Nhà nước

04/02/2017 09:33 AM | Xã hội

Theo HSBC, Việt Nam muốn phát triển bền vững thì cần cải tổ tài chính công và đặc biệt phải đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa vốn Nhà nước

Trong báo cáo công bố mới đây, HSBC cho rằng năm 2016 đã kết thúc tốt đẹp với kinh tế Việt Nam. Theo ngân hàng này, tuy nửa đầu năm tăng trưởng Việt Nam nhận mức thấp hơn 6% nhưng đến quý IV, nền kinh tế đã phục hồi trở lại, qua đó đưa tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 6,2%.

Báo cáo nhận định rằng sản xuất nông nghiệp đã ổn định hơn sau đợt hạn hán nặng nề. Trong năm qua, sản lượng ngành khai khoáng mỏ và khai thác đá có sự giảm. Tuy nhiên, điều này lại được bù đắp bởi ngành sản xuất tăng trưởng cao khi mà hoạt động xây dựng cũng đã phục hồi và sản xuất công nghiệp có một số thành công nhất định.

Theo HSBC, tất cả những tín hiệu trên thể hiện những mong muốn có nhu cầu cao hơn của người dân và từ đó tăng trưởng kinh tế cũng sẽ có thể sẽ mạnh hơn trong các quý tới.

Như vậy, HSBC nhận định các chỉ số kinh tế vĩ mô đều khá lạc quan. Tuy nhiên, lật lại vấn đề, ngân hàng này đặt câu hỏi: "làm sao để Việt Nam phát triển bền vững?"

Để tăng trưởng bền vững, HSBC đưa ra khuyến nghị về việc cải tổ tài chính công cho kinh tế Việt Nam. Báo cáo đã phân tích rằng các áp lực đối với tài chính quốc gia cần gỡ bỏ, nhất là khi nhu cầu đầu tư công vào cơ sở hạ tầng vẫn còn cao, có làm như vậy thì tốc độ tăng trưởng kinh tế mới duy trì được đà đi lên.

Cũng theo ngân hàng này, tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng Chính phủ là cần thiết, tuy nhiên nếu không kiểm soát thì sẽ tạo ra thách thức trung hạn cho nền kinh tế. Đồng thời. các khoản thuế trong bối cảnh nợ công, khoản vay nợ nước ngoài trước áp lực tăng lãi suất của FED cũng sẽ là thách thức đối với Chính phủ.

Chính vì vậy, theo HSBC, cải cách tài chính công ngoài quản lý hiệu quả hơn các nguồn quỹ công và quản lý tốt hơn các khoản nợ còn phải ở cổ phần hóa nhanh hơn các doanh nghiệp Nhà nước. Hiện tại, tỷ lệ thoái vốn trung bình ở các doanh nghiệp Nhà nước là 8%. Nói cách khác, Nhà nước vẫn nắm giữ 92% vốn điều lệ sau cổ phần hóa.

Tuy nhiên, cũng theo HSBC, cải cách tư nhân đã có điểm tích cực hơn nhờ quyết định ngày 28/12/2016 vừa qua quy định tỷ lệ tổng sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp được lên danh sách cổ phần hóa. Theo quan điểm của HSBC, điều này có thể sẽ đẩy nhanh quá trình thoái vốn. Trước đó, Chính phủ chỉ quy định tỷ lệ sở hữu nhà nước theo ngành mà không quy định cụ thể các doanh nghiệp nhà nước nào dẫn đến việc thoái vốn thấp.

Thái Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM