HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP 2022 của Việt Nam lên 6,9%, khả năng đứng đầu toàn khu vực

06/07/2022 14:23 PM | Kinh doanh

"Sau hai quý tái mở cửa ổn định, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam tiếp tục là một ví dụ nổi trội trong khu vực", báo cáo của ngân hàng HSBC cho biết.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP 2022 của Việt Nam lên 6,9% (trước đây là 6,6%), và cho biết mức tăng trưởng này khả năng đứng đầu toàn khu vực.

Tăng trưởng GDP quý 2/2022 chạm mốc 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, dễ dàng vượt xa những kỳ vọng của thị trường (HSBC: 5,8%, Các tổ chức nghiên cứu: 5,9%). Đây cũng là mức tăng trưởng GDP theo quý cao nhất mà Việt Nam từng đạt được kể từ năm 2011, nhờ vào phục hồi kinh tế mạnh mẽ trên diện rộng ở các lĩnh vực.

HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP 2022 của Việt Nam lên 6,9%, khả năng đứng đầu toàn khu vực - Ảnh 1.

GDP quý 2/2022 của Việt Nam tăng cao nhất trong 11 năm qua.

Lĩnh vực dịch vụ đã có sự tiến triển đáng kể. Nhờ dỡ bỏ những hạn chế quan trọng trong nước và đối với quốc tế vào giữa tháng 3, các lĩnh vực liên quan đến du lịch, đặc biệt là vận chuyển và lưu trú, đã bắt đầu khởi sắc. Trong khi đó, bán lẻ của quý 2/2022 đã tăng vọt 17% so với cùng kỳ, dấu hiệu cho thấy tiêu dùng hộ gia đình đã phục hồi trở lại.

Ngay sau tái mở cửa biên giới vào ngày 15/3, Việt Nam đã đón lượng khách du lịch tăng đáng kể. Vào quý 2/2022, Việt Nam đã đón 0,5 triệu khách du lịch, gần gấp 5 lần so với quý 1/2022. Tổng cộng trong nửa đầu năm 2022, lượng khách đến Việt Nam đạt 0,6 triệu. 

Tổng Cục Du lịch Việt Nam (VNAT) đặt mục tiêu tham vọng thu hút được 5 triệu khách nước ngoài đến Việt Nam năm 2022, gần đạt mức 30% số du khách của năm 2019. Tuy nhiên, sự phục hồi du lịch có thể sẽ diễn ra từ từ, đặc biệt là do thiếu nguồn khách du lịch Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã vượt mức mục tiêu 60 triệu khách du lịch nội địa hàng năm do VNAT đặt ra. Trong bối cảnh này, lấy thiên đường nghỉ dưỡng Phú Quốc làm ví dụ: khoảng 1,4 triệu du khách đã đến đảo Phú Quốc trong nửa đầu năm 2022, trong đó hơn 95% là du khách trong nước. Tuy nhiên, dù lượng khách nội địa cao, doanh thu du lịch thu về 11 tỷ USD, chỉ đạt 66% mục tiêu của năm.

"Bên cạnh nhu cầu nội địa phục hồi, sản xuất của Việt Nam đã khẳng định được vị thế dẫn đầu. Tất cả chỉ dấu đều cho thấy sự tăng trưởng sản xuất ổn định", HSBC cho biết. Dù phần nào là nhờ vào hiệu ứng cơ sở thuận lợi, sản xuất công nghiệp (IP) trong quý 2/2022 đã tăng lên mức hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. 

Sự thành công này phần lớn là nhờ vào những lô hàng điện tử xuất liên tục, thể hiện qua những số liệu thương mại. Xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong quý 2/2022, hơn 20% so với cùng kỳ, trong đó một phần ba là các lô hàng điện thoại thông minh và máy vi tính. Tuy nhiên, hơn thế nữa, ngành dệt may và giày dép, cũng như máy móc, đều ghi nhận sự tăng trưởng phù hợp, chứng tỏ rằng động lực bên ngoài của Việt Nam đang quay trở lại.

Một điểm sáng giúp Việt Nam có thể tự vệ trước những rủi ro bên ngoài chính là dựa vào nguồn FDI ổn định, tạo điểm tựa cho cán cân cơ bản. 

Xem xét các yếu tố trên, HSBC tăng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 lên 6,9% (trước đây là 6,6%), nhưng giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống mức 6,3% (trước đây là 6,7%).

HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP 2022 của Việt Nam lên 6,9%, khả năng đứng đầu toàn khu vực - Ảnh 2.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM