Hộp giấy, bát giấy có quay được trong lò vi sóng không? Thì ra rất nhiều người đang hiểu sai
Lò vi sóng là thiết bị quen thuộc trong nhiều gia đình song không phải ai cũng biết cách sử dụng đúng.
Nhắc đến những thiết bị, đồ gia dụng nhà bếp của các gia đình hiện đại ngày nay, chắc chắn không thể bỏ qua cái tên lò vi sóng. Thiết bị này có chức năng chính là hâm nóng thực phẩm, đồ uống bằng sóng vi ba. Một số món ăn thậm chí không cần xử lý trên bếp mà chỉ cần đưa vào lò vi sóng là đã có thể mang tới bàn ăn của gia đình.
Nhờ có công dụng như trên, lò vi sóng giúp công việc nấu nướng được tiết kiệm thời gian và công sức hơn. Tuy nhiên khi dùng thiết bị, có một băn khoăn được nhiều người đặt ra, đó là: Các loại hộp giấy, bát giấy thường thấy ở các loại đồ ăn mua mang về hay đặt giao hàng, liệu có thể quay được trong lò vi sóng không? Dưới đây là lời giải đáp của các chuyên gia.
Chuyên gia đưa ra lời khuyên
Theo các chuyên gia, hộp giấy hay cụ thể là các loại hộp giấy dùng một lần, thường được dùng để đựng thức ăn mang đi, thức ăn được giao hàng, tốt nhất không nên được quay trong lò vi sóng. Điều này là bởi các chất liệu làm nên chiếc hộp giấy đó và nó có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của người sử dụng.
Cụ thể, các chuyên gia giải thích rằng, trong thành phần làm nên các loại hộp giấy như hộp cơm, hộp súp hay hộp pizza đều có thể chứa các chất như syrofom. Đây vốn là các chất nhựa. Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao và sóng vi ba bên trong lò vi sóng, các chất này có thể bị thôi ra, nhiễm vào thực phẩm từ đó không an toàn với sức khoẻ con người.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa cũng được chỉ ra đó là do hộp giấy cũng được tạo thành bởi phần trăm giấy lớn. Đây lại là một dạng nguyên liệu dễ cháy, bởi vậy lại càng không an toàn khi cho vào lò vi sóng.
Tuy nhiên, cũng không hẳn là mọi loại hộp giấy, hộp bìa đều không thể xử lý với lò vi sóng. Trên thị trường hiện nay vẫn còn một số ít các loại hộp đựng giấy an toàn để quay trong thiết bị. Người dùng có thể nhìn vào ký hiệu bên dưới đáy hoặc trên thân của hộp giấy. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, dù được cho phép thì các hộp giấy này cũng có giới hạn nhất định về cả nhiệt độ và thời gian.
Cụ thể, chuyên trang Taste of Home đưa ra lời khuyên, các loại hộp giấy dày và bìa cứng như hộp pizza chỉ nên cho vào lò vi sóng từ 60 đến 120 giây và người dùng cần kiểm tra mỗi 30 giây 1 lần để giảm nguy cơ hộp quá nóng. Nhiệt độ cũng chỉ nên để ở mức thấp nhất.
Cuối cùng, Justin Boucher, Giám đốc điều hành của Diễn đàn Bao bì Thực phẩm Mỹ nhấn mạnh rằng, bản thân các nhà sản xuất vật liệu thường hiếm khi tiết lộ chính xác thành phần hoá hoc của các nguyên liệu tạo ra các thành phẩm mà họ đưa ra thị trường. Bởi vậy hãy hạn chế tối đa việc cho hộp giấy vào lò vi sóng. Nếu có bất kỳ nhu cầu hâm nóng thực phẩm nào, hãy cho ra các loại bát/đĩa phù hợp.
Những thứ không nên cho vào lò vi sóng
Bên cạnh các loại hộp, bát giấy, dưới đây là một số đồ dùng nguyên vật liệu khác cũng được khuyến cáo tốt nhất không nên cho vào lò vi sóng mà người dùng nên lưu ý.
1. Vật dụng bằng kim loại
Như đã nói, lò vi sóng sử dụng sóng vi ba để hâm nóng thực phẩm. Loại sóng này không phù hợp với các vật dụng kim loại bởi khi tiếp xúc, sóng vi ba sẽ phản xạ lại vào thành lò. Từ đò, nhiệt độ bên trong thiết bị sẽ vô tình đẩy lên rất cao, nguy cơ dẫn đến cháy nổ hoặc hư hỏng thiết bị nghiêm trọng.
Bởi vậy, các loại bát, đĩa hộp làm bằng kim loại hay có hoa văn kim loại đều không phù hợp để cho vào lò vi sóng. Giấy bạc cũng được xét vào diện có thành phần kim loại và không thể quay với lò vi sóng.
2. Hộp nhựa, xốp không an toàn
Cũng tương tự như hộp giấy, hộp nhựa hay hộp xốp cũng thường được sử dụng để đựng thực phẩm. Và nhiều người dùng mặc định rằng có thể cho chúng vào lò vi sóng để hâm nóng thực phẩm.
Tuy nhiên trên thực tế, các loại nhựa hay xốp dùng một lần vô cùng nguy hiểm khi tiếp xúc với nhiệt độ cao trong lò vi sóng. Chúng có thể thôi ra những chất không an toàn, nhiễm vào thực phẩm của con người. Với hộp xốp, tuyệt đối không cho vào lò vi sóng. Còn hộp nhựa, chỉ cho vào thiết bị nếu hộp nhựa là loại chất lượng cao, có ký hiệu nhựa số 5, nhựa PP hoặc có ký hiệu lò vi sóng.
3. Trứng nguyên vỏ, hải sản vỏ cứng
Nếu cho trứng hay hải sản còn nguyên phần vỏ cứng vào lò vi sóng, người dùng sẽ phải nhận lại hậu quả là quả trứng, hải sản văng tung toé, thậm chí là có những tiếng nổ bên trong thiết bị. Bởi sóng vi ba không thể xuyên qua lớp vỏ cứng, nó sẽ phản xạ lại vào thành lò. Bởi vậy nếu muốn quay trứng hay hải sản, người dùng hãy đảm bảo bóc lớp vỏ ra.
4. Nước sốt
Nướt sốt cũng nằm trong danh sách những thứ không nên cho vào lò vi sóng bởi nó tiềm ẩn nguy cơ gây mất vệ sinh cho thiết bị. Nhiệt độ cao sẽ làm các phân tử trong nước sốt giãn nở, không tạo bọt nhưng lại bắn tung toé ra xung quanh. Đặc biệt, khi người dùng lấy từ trong lò vi sóng ra, nước sốt nóng có thể gây bỏng.
Vì vậy nếu vẫn muốn quay nước sốt nóng với lò ví sóng, hãy cho vào các loại hộp đậy nắp hoặc sử dụng màng bọc thực phẩm phù hợp.