Không thể rời khỏi màn hình chat, facebook, buôn chuyện: Đến bao giờ bạn mới ngừng Drama?
Họ thích thú bẫy người khác vào câu chuyện đầy nước mắt bi thương quả quyết hay vượt qua số phận. Họ tận dụng tình yêu, lòng tốt, sự mềm mỏng của người khác để lừa họ, mua vui bằng họ, hãm hại họ hoặc đơn giản là hủy hoại uy tín của họ với chính bạn bè xung quanh.
- 01 -
Ngày mới xài Yahoo! 360, tôi quen một người. Người ấy kể cho tôi nghe là bạn bị ung thư, sắp qua đời, chỉ muốn yêu một người mà không đến được với nhau.
Sau nhiều năm, tôi biết thêm rằng có rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của bạn: của chuyện kể, bi kịch, mâu thuẫn, tình yêu, cả những chuyện ngồi lê đôi mách mà bạn dùng để đi nói đưa đẩy về người bạn ghét.
Bạn chưa chết vì ung thư.
Tôi sẽ không lấy đó là tín hiệu vui hay buồn. Chỉ là, sau này tôi biết trên mạng có một kiểu người mà ta gọi là "catfish" – giả danh để được sống khác đi, kịch tính hơn, hay có thể dùng cái danh tính đầy bi kịch đó để hãm hại người khác về mặt tinh thần hay cả tiền bạc.
Sau này, nhờ Facebook, tôi gặp nhiều hơn những người như vậy. Họ luôn làm tôi tò mò.
Họ thích thú bẫy người khác vào câu chuyện đầy nước mắt bi thương quả quyết hay vượt qua số phận. Họ tận dụng tình yêu, lòng tốt, sự mềm mỏng của người khác để lừa họ, mua vui bằng họ, hãm hại họ hoặc đơn giản là hủy hoại uy tín của họ với chính bạn bè xung quanh.
Khi có ai hỏi tôi, vì sao người ta lại vậy? Hay vì sao họ chọn lựa cách tương tác và xử sự như vậy, tôi gọi đó là bệnh của người cô độc.
Họ quá giả đến mức không đủ sức trở thành thật với người xung quanh.
Họ quá cô đơn đến mức không thể rời khỏi màn hình chat, màn hình blog, màn hình Facebook hay comment để đến đối thoại với mâu thuẫn hay cảm xúc của người thật tương tác với họ.
Họ quá cô độc đến mức không thể có được ai thật trong đời nên đành tự làm cái bẫy nhện chăng người khác lên làm vui trong chốc lát (như cua được cô bồ của bạn thân, nói xấu tận cùng bạn sếp, hay bịa đặt hủy hoại danh dự một bạn gái giỏi đẹp hơn mình).
Nhiều phần của căn bệnh đơn độc đó xảy ra trong đời sống hàng ngày, nơi ta đối mặt nhiều giờ với thị phi trên mạng, nơi ta không thể chia sẻ phần yếu đuối của mình với đồng nghiệp trong văn phòng đầy chính trị, nơi ta không dám tiết lộ rằng mình chưa thành công lắm với mong ước hay với kỳ vọng của người thân yêu.
Đến đỉnh điểm, nhiều người chọn mặt nạ làm cách tự vệ. Mặt nạ, hầu như có thể giữ ta an toàn, chỉn chu, sạch sẽ, giữ thể diện, cho đến khi… ta xài nó làm công cụ để tấn công người khác – với kỳ vọng mình sẽ hay ho và tốt đẹp hơn sau khi hạ gục danh phẩm người đối diện mình.
Tôi may mắn không trải qua nhiều drama như vậy. Chọn lựa đeo mặt nạ là việc tốn nhiều năng lượng và gây tổn thương cho chính mình nhiều hơn là thắng lợi điều gì từ người khác. Vẽ ra câu chuyện tưởng tượng và làm tổn thương cảm xúc, danh dự người khác không thể giúp ta trở nên khổng lồ hơn hay chiến thắng.
- 02 -
Tự thực hiện kịch tính, tự tưởng tượng những cái bẫy để làm tổn thương người xung quanh là cách nhanh nhất để hóa thành "catfish" – kẻ giả danh không tồn tại.
Để không tự tạo ra kịch tính trong tâm trí mình, phần lớn thời gian tôi dành để đi lại ngoài thiên nhiên. Tự nhiên đơn giản như là nếu không tập trung vào đường dốc, tôi có thể làm gãy chân mình. Nếu không ngắm nhìn cây nấm bừng lớn lên hay vườn hoa chuyển màu, tôi bỏ lỡ khoảnh khắc quan trọng trong sự sống đang chảy thành dòng trong cơ thể mình.
Nếu không ngưỡng mộ mặt trời lặn, mặt trời lên, một chiều gió, những con cá mắc kẹt khi nước cạn, loài san hô đang phập phồng chuyển động theo nhịp nước, tôi bỏ lỡ mất sự kỳ vĩ tồn tại trong những thứ nhỏ xíu mà mình được ban tặng miễn phí, nhẹ nhàng, không tốn công sức gì để hạ thấp hay nâng bi ai.
Để không vướng vào những cái bẫy kịch tính của catfish, tôi chỉ có một quy tắc duy nhất: không bao giờ kể lại chuyện của họ cho người có liên quan. Thường các câu chuyện đó được vận hành bằng tin đồn, những thao túng cảm xúc, chuyện kể đầy cảm tính. Khi lan truyền câu chuyện đi, tôi làm tổn thương người liên quan, và làm hại cảm xúc của chính mình – khi mất thời gian trở thành nhân tố tham gia vào một câu chuyện giả danh, hãm hại.
Nhiều bạn của tôi hỏi tại sao tôi không kể họ nghe ngay câu chuyện ác ý từ đầu khi tôi nghe được từ ai đó. Tôi chỉ nói: Tôi không cho điều hàm ý ác tâm có cơ hội lan đi. Chúng không thể hãm hại những người thân quý mà tôi muốn bảo vệ.
Tôi chưa từng nỗ lực cố gắng giúp đỡ một kẻ bịa chuyện, kịch tính hay giả danh, bởi họ xứng đáng sống với mặt nạ. Xứng đáng chịu đựng điều mà họ tự tạo ra từ thinh không. Xứng đáng trải nghiệm mỗi ngày bằng câu chuyện bịa đặt tốn nhiều cảm xúc. Sự tổn thương mà họ có thể gây ra cho nhiều người xung quanh có thể hoàn toàn tránh được nếu họ bỏ mặt nạ xuống và cố gắng thưởng thức một ngày nhiều gió mát mẻ, hay một buổi sáng bình minh lờ mờ lên muộn. Tất cả miễn phí, thẳng thớm và lành lặn.
Nhưng tôi hồ nghi vào kịch tính… chúng thường quá khả năng thuyết phục của mình.
(Blog Khaidon.com)