Học theo Xiaomi, từng sống chết tuyên bố chỉ bán online, giờ BKAV buộc phải bắt tay với TGDĐ để bán BPhone2?

12/07/2017 14:31 PM | Kinh doanh

Dường như BKAV đang học theo đúng chiến lược của Xiaomi khi từ bỏ kế hoạch bán hàng trực tuyến để bắt tay với nhà phân phối là các chuỗi cửa hàng bán lẻ.

Xiaomi – nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc vào đầu năm nay đã đưa ra một thông báo bất ngờ, họ đang lên kế hoạch mở 1.000 cửa hàng bán offline mang tên Mi Home trên cả nước.

Việc Xiaomi mở cửa hàng bán lẻ sau khi rất thành công trên lĩnh vực trực tuyến nghe có vẻ như một bước đi… ngược đời. Nó khiến người ta đặt câu hỏi tại sao công ty này lại đang làm ngược lại hoàn toàn so với triết lý kinh doanh tưởng sẽ sống chết tuân theo trước đó? Đặc biệt là khi, việc mở các cửa hàng bán lẻ sẽ tiêu tốn của Xiaomi rất nhiều tiền kéo theo áp lực tài chính cực kỳ lớn.

Trường hợp của Xiaomi khiến nhiều người liên tưởng tới BPhone của Việt Nam - mặc dù so sánh ở góc độ nào cũng đều khập khiễng. Thời điểm mới ra mắt năm 2015, thay vì rao bán rộng rãi trên các kệ hàng, phía BKAV bán BPhone online và để khách hàng đặt hàng chỉ trong vòng 12 tiếng. Đây chính là phương thức bán hàng flash sales – giống hệt chiến lược trước đây của Xiaomi.

Nhớ lại thời điểm năm 2014, nhờ chiến lược kinh doanh trực tuyến, Xiaomi đã có một thời hoàng kim rực rỡ khi trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới, sánh ngang cùng Apple, Samsung. Thậm chí đã có lúc Xiaomi “cướp” ngôi đầu bảng tại thị trường Trung Quốc từ tay Samsung.

Cứ tưởng tượng như thế này: Nếu một nhà sản xuất không phải mất chi phí cho các dịch vụ trên, bỏ qua khái niệm chuỗi cửa hàng bán lẻ mà thay vào đó chỉ bán hàng trực tuyến, không phải lo lắng về chi phí kho bãi và phân phối, chắc chắn chi phí sẽ giảm từ đó giá bán giảm. Đó chính là cách Xiaomi bán được hàng triệu điện thoại cao cấp của mình với giá rẻ thông qua kênh duy nhất là bán hàng trực tuyến!

"Chúng tôi là một công ty thương mại điện tử. Chúng tôi đang sống trên Internet và bán những sản phẩm của mình qua gian hàng trực tuyến. Giá cả chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều vì giá trên thương mại điện tử về cơ bản là chi phí sản xuất và vận chuyển mà thôi", Hugo Barra – cựu phó chủ tịch Xiaomi khẳng định.

Thời điểm đó, Xiaomi khẳng định họ tránh xa các mô hình quảng cáo truyền thống và phụ thuộc hoàn toàn vào mạng xã hội cũng như truyền miệng. "Chúng tôi không đầu tư vào marketing truyền thống. Chi phí cho quảng cáo trên mạng xã hội thấp hơn và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nhiều" - Hugo Barra nói thêm về chiến lược của công ty.

Ngoài ra, Xiaomi cố gắng cắt giảm chi phí ở mọi giai đoạn. Không giống như các đối thủ lớn thường làm - ngừng sản xuất các model cũ chỉ sau 6-8 tháng ra mắt, Xiaomi duy trì sản xuất sản phẩm đó trong 18-20 tháng. Xiaomi tin vào định luật Moore: "Chi phí lắp ráp sẽ giảm theo thời gian nhưng giá của điện thoại sẽ duy trì ổn định trong thời gian dài".

Không may cho Bphone! Họ không thể thành công như Xiaomi, nếu không muốn nói là hoàn toàn chìm nghỉm trên thị trường sau đó.

Từ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng của Xiaomi bắt đầu chậm lại, thậm chí xuống âm 40%

Thời điểm hiện tại chiến lược kinh doanh của Xiaomi dường như đã thay đổi hoàn toàn. Lei Jun, CEO của Xiaomi chia sẻ trong một bài phỏng vấn gần đây: "Vấn đề lớn nhất của Xiaomi hiện nay đó là vượt qua trở ngại về mô hình kinh doanh. Thay vì bán online, mô hình mới phải là bán lẻ. Những cửa hàng bán lẻ có thể đóng góp tới 10 tỉ USD doanh thu cho Xiaomi".

Có vẻ như CEO Lei Jun đã đúng. Những chiếc điện thoại của Xiaomi được yêu thích phần lớn là bởi giá rẻ, cực rẻ mà lại có những tính năng tương đương với những dòng điện thoại tương tự của Samsung, Apple.

Như vậy, khách hàng của họ chủ yếu là những người có thu nhập thấp nhưng mục tiêu bán hàng online sẽ chỉ phù hợp với những nơi thành phố đông đúc có tiện nghi và Internet nhanh nhạy. Nếu cứ tiếp tục như vậy họ sẽ bỏ qua một phân khúc cực kỳ béo bở là khách hàng ở những vùng nông thôn.

Nếu như trước đây, việc tận dụng mạng xã hội cùng các chiến dịch flash sale (bán ra một lượng giới hạn sản phẩm trong thời gian ngắn để gây sốt ảo) đã giúp Xiaomi nổi như cồn thì những điều đó lại chẳng giúp hãng ghi thêm chút điểm nào ở các vùng nông thôn – nơi sinh sống của khoảng 600 triệu người.

Khác với người dùng thành thị vốn đã quá quen với các sản phẩm công nghệ, khách hàng nông thôn chỉ muốn được tận mắt trải nghiệm sản phẩm cũng như nhận được những lời tư vấn nhiệt tình từ người bán.

Chính vì vậy sau nhiều năm tung hoành với phương thức bán online chủ yếu tại các thành phố lớn, dường như đã đến lúc Xiaomi cân nhắc mở rộng thị phần về những vùng nông thôn với chuỗi cửa hàng offline.

Tình huống của Bphone - bi đát hơn - sau thất bại toàn diện 2 năm về trước, giờ đây họ đã có thêm động lực tìm đến con đường offline bằng việc hợp tác với đơn vị bán lẻ lớn nhất hiện tại - Thế Giới Di Động.

Hôm qua, khi đại diện của Thế Giới Di Động tiết lộ, Thế Giới Di Động sẽ bán mẫu Bphone 2 vào tháng 8 tới, nhiều người tiêu dùng Việt chắc hẳn sẽ tỏ ra bất ngờ trước quyết định hợp tác này.

"Thế Giới Di Động sẽ cố gắng để quảng bá hình ảnh sản phẩm này và tin tưởng sẽ cố gắng hết sức để giúp Bphone 2 chiếm được tình cảm của người dùng Việt", đại diện TGDĐ cho biết.

Như vậy, nhiều khả năng BPhone 2 của ông Nguyễn Tử Quảng sẽ được phân phối qua hệ thống của Thế Giới Di Động, thay vì bán online như trước kia.

Và kết quả?

Đối với Xiaomi, họ đã thành công ngoài mong đợi. Đầu tháng này, công ty vừa mới thông báo về con số xuất xưởng kỷ lục đến 23,16 triệu điện thoại trong quý vừa qua, tăng hơn 70% so với quý trước đó. Với mức tăng trưởng đáng ngưỡng mộ đó, Xiaomi đã âm thầm đánh bại các đối thủ cạnh tranh đồng hương của mình như: Oppo, Vivo và Huawei ở Trung Quốc.

CEO Lei Jun của Xiaomi tự hào tuyên bố: “Tôi đã nói với mọi người vào đầu năm nay rằng, thời điểm khó khăn nhất đã ở sau lưng. Tôi cũng đặt ra một mục tiêu doanh thu khiêm tốn chỉ ở mức 100 tỷ Nhân dân tệ trong năm nay. Giờ tôi tự tin rằng chúng tôi có thể đạt được mục tiêu này”.

Còn với Bphone2 thì sao?

Chưa biết lần thử sức thứ 2 này có thể mang lại thành công cho BKAV giống những gì Xiaomi đạt được hay không, nhưng chắc chắn việc hợp tác với một đơn vị "đình đám" và kinh nghiệm như TGDĐ sẽ hỗ trợ cho BKAV nhiều hơn lần ra mắt đầu tiên rất nhiều.

Nói về việc hợp tác này, ông Trần Kinh Doanh - CEO TGDĐ cũng tự tin nhận định: "Tôi cho rằng nếu đợt này BKAV ra mắt một sản phẩm 'ngon lành' và kết hợp với kênh phân phối 1.200 cửa hàng của TGDĐ, kết quả sẽ vượt trội lần trước."

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM