Hóa ra truyện cổ tích cũng có hại cho con trẻ, hãy cân nhắc thật kĩ về những Bạch Tuyết, Lọ Lem vì 5 lý do sau

04/12/2017 10:51 AM | Khoa học

Đó là những câu chuyện chúng ta kể cho nhau nghe trước lúc đi ngủ từ bao lâu nay, là nguồn cảm hứng cho biết bao bộ phim đã in sâu vào tuổi thơ của mỗi người. Tuy nhiên chúng lại hàm chứa vô vàn những khuôn mẫu đầy thiên kiến và lỗi thời.

Donald Haase, tác giả của cuốn sách “Chuyện cổ tích và nam nữ bình quyền”, khuyến khích các bậc cha mẹ xem xét cẩn thận trước khi đọc cho con mình các câu chuyện này: “Họ có thể đọc hoặc kể các câu chuyện cổ tích theo hướng nghi ngờ hoặc phê phán các khuôn mẫu vốn có trong chuyện.”

Vậy đâu là những khuôn mẫu mà những người làm cha làm mẹ cần phải ngăn cản và tìm cách tránh để con tiếp xúc trong các câu chuyện?

Phụ nữ là những tiểu thư thụ động chỉ có thể ngồi chờ nam giới cứu vớt

Bạn có biết nàng Bạch tuyết, Người đẹp ngủ trong rừng và nàng Lọ lem có điểm chung là gì không?

Ngoài làn da trắng mịn và mái tóc óng ả, họ đều được cứu vớt khỏi sự thống khổ hay giấc ngủ ngàn thu bởi một nhân vật “Hoàng tử Bạch mã” nào đó.

Thường thì nhân vật này là một hình mẫu để ca ngợi giới mày râu, được phủ dưới hình ảnh của một cuộc phiêu lưu đầy chất anh hùng để tìm kiếm “tình yêu đích thực”. Và điều này tạo nên những thiên kiến không hay cho cả nam và nữ.

Hôn nhân là phần thưởng cuối cùng

Trong một xã hội nơi chúng ta kết hôn muộn hơn trước đây và nhiều người chọn cuộc sống độc thân thì tư tưởng “ta hãy kết hôn và sống hạnh phúc mãi mãi” có vẻ không còn thích hợp nữa.

Nhưng đây lại là tư tưởng chủ đạo trong nhiều câu chuyện như Nàng tiên cá, Cô bé Lọ lem và Người đẹp ngủ trong rừng – tất cả đều kết thúc bằng một đám cưới hoành tráng.

Nó không chỉ thể hiện rằng hôn nhân là mục đích duy nhất cho các nhân vật (và điều này dẫn đến sự nhạt nhẽo vô vị) mà còn coi nhẹ giá trị của thành công về sự nghiệp, về tài chính và xã hội – những đặc điểm hiếm khi xuất hiện trong các câu chuyện cổ tích.

Và chúng đều ngụ ý rằng, một người không kết hôn là một “sự thất bại và không có chỗ trong xã hội này”.

Thiếu sự đa dạng về chủng tộc/hình thể/giới tính

Ai cũng biết rằng các công chúa của Disney đều xinh đẹp, mảnh mai và thường là da trắng.

Trong khi có một số ngoại lệ (Mộc Lan, Pocahontas và công chúa Jasmine), nhưng về cơ bản một nhân vật cô gái da trắng vẫn chiếm đa số.

Điều đáng ngại nữa là những tiêu chuẩn phi thực tế về hình thể từ những cô nàng Belle và Ariel mảnh mai, xuất hiện nhan nhản trên các bộ phim hoạt hình.

Đối với một đứa trẻ khi gặp những câu chuyện này lần đầu tiên, những tiêu chuẩn thẩm mỹ như vậy có thể rất có hại, khắc họa tư tưởng cho rằng vẻ đẹp và hạnh phúc cũng đồng nghĩa với sự thanh mảnh về hình dáng.

Ngoài ra, không hề có nhân vật “đồng tính” xuất hiện trong các câu chuyện này.

Các nhân vật nữ hoặc là gắn chặt mình vào môi trường trong nhà…

Một điểm chung đáng ngại mà nàng Bạch tuyết, Belle và Lọ Lem cùng có là tính chất gắn bó cao độ với nơi họ sống.

Cách duy nhất mà Belle có thể cứu người cha nghèo khỏi cạm bẫy của “Quái vật” là trở thành hầu gái và Lọ Lem cũng gắn chặt với hình ảnh phải lau sàn nhà suốt ngày, trong khi nàng Bạch tuyết nghèo khổ phải chăm sóc và làm việc nhà cho 7 chú lùn.

…Hoặc là những người mẹ kế/chị em gái/phù thủy độc ác

Hẳn bạn vẫn còn nhớ người mẹ kế độc ác của nàng Lọ Lem, những cô chị gái xấu xí của nàng và Ursula, mụ phù thủy bạch tuộc trong câu chuyện về nàng tiên cá.

Những phụ nữ này thù ghét nhau và phủ nhận bất kỳ khái niệm nào về tình chị em.

Hết lần này đến lần khác, những kiểu nhân vật này cho chúng ta thấy cùng một khuôn mẫu, và khuôn mẫu ấy có khả năng kìm hãm thiên hướng hình thành những mối quan hệ bền vững và tích cực.

Trong khi các câu chuyện cổ tích có thể rất có ích trong việc truyền cảm hứng về trí tưởng tượng cho trẻ, thì các bậc cha mẹ cần phải thận trọng trong cách chia sẻ những câu chuyện này để tránh phổ biến những tư tưởng lỗi thời mà chúng truyền tải.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM