Hoa khôi đại học về quê bán đậu phụ, thạc sỹ học việc ở cửa hàng hoa: Hạnh phúc là được, thể hiện chỉ là cái cớ của kẻ yếu!

23/02/2024 16:10 PM | Sống

Cuốn sách “Người Đua Diều” có viết: “Một đứa trẻ không phải là một cuốn vở tập tô màu. Bạn không thể chỉ tô những màu sắc mà mình yêu thích”.

Gần đây tôi đọc được hai tin tức khiến tôi có một cái nhìn khác về giáo dục.

Tin tức đầu tiên: Hoa khôi Đại học Bắc Kinh về quê bán đậu hũ thối.

Bành Cao Xướng, tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, từ nhỏ đã là một cô bé rất tài năng, không chỉ giỏi khiêu vũ, piano, dẫn chương trình mà điểm số của cô cũng luôn thuộc vào hàng top.

Từ tiểu học đến đại học, cô chưa bao giờ phải tham gia bất cứ kỳ thi tuyển sinh nào, cuối cấp 3, cô được tuyển thẳng vào Đại học Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp, cô vào làm việc tại một trong những công ty nước ngoài hàng đầu, trở thành "con nhà người ta" trong mắt nhiều người. Nhưng vì không cảm thấy hạnh phúc, cô bỏ lại tất cả mọi thứ, dấn thân vào sự nghiệp diễn xuất mà mình yêu thích.

Giờ đây, sau 13 năm trôi ở lại Bắc Kinh, cô đã dũng cảm trở về quê hương và mở một cửa hàng bán đậu hủ thối. Nhiều người không hiểu, họ cho rằng Bành Cao Xướng là một sự lãng phí tài nguyên giáo dục của Đại học Bắc Kinh, họ cho rằng bán đồ ăn là công việc ai cũng có thể làm dù chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở.

Đáp lại những điều này, cô nói: "Tôi muốn sống một cuộc sống không bị định nghĩa. Ai quy định rằng tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh thì phải theo ngành tài chính hoặc nghiên cứu khoa học? Tôi có thể làm những gì mình giỏi và yêu thích..."

Khoảnh khắc nói ra những lời đó, trên môi cô nở một nụ cười, đôi mắt sáng lấp lánh. Nhiều cư dân mạng đồng tình:

"Vào được Đại học Bắc Kinh là bản lĩnh của cô ấy, nhưng làm những gì mình thích, đó mới là ý nghĩa của cuộc sống."

Tin tức thứ hai: Một thạc sỹ xin nghỉ việc ở một công ty lớn và trở thành người học việc ở một cửa hàng hoa.

Cô là một nữ thạc sĩ 31 tuổi với thành tích xuất sắc từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Vũ Hán, Trung Quốc, một trường đại học hạng hai, cô theo học thạc sĩ ở Anh. Sau khi trở về nước, cô vào làm cho một công ty có tiếng tăm.

Nếu mức lương hàng năm trước đây có thể cao tới hơn 1 tỷ đồng, thì hiện tại, thu nhập hàng năm của cô chỉ còn khoảng 130 triệu đồng.

Thu nhập đã giảm đi rất nhiều nhưng cô cho biết: Tôi rất vui khi được thoát khỏi xiềng xích của hào quang và được làm những gì mình thích.

Hoa khôi đại học về quê bán đậu phụ, thạc sỹ đi học việc ở cửa hàng hoa: con cái chúng ta nếu không thể là mặt trời thì cũng có thể là một ngôi sao sáng - Ảnh 1.

Có lẽ khi đọc xong hai mẩu tin này, nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ: Rốt cuộc mục đích nuôi nấng con cái của chúng ta là gì?

Rõ ràng là để con cái vào được một trường đại học tốt và tìm được một công việc tốt. Vậy cho nên, dù là Harvard hay Oxford hoặc một ngôi trường nổi tiếng nào đó, thực ra chúng cũng chỉ là địa điểm. Về kết quả cuối cùng, chính đứa trẻ mới là người có tiếng nói cuối cùng.

Gần đây, tôi và con gái đang bế tắc trong câu chuyện học vẽ của con. Khi đó, cô giáo chủ nhiệm gọi điện thông báo với tôi con gái học hành không tốt và điểm số ngày càng sa sút.

Tôi vốn định nói chuyện một cách thoải mái với con, nhưng vừa mở cửa bước vào, tôi thấy con bé đang vội nhét một cuốn sổ vào ngăn kéo. Tôi tức giận, mở ngăn kéo, mở sổ ra, quả nhiên con bé lại đang lén vẽ.

Cô chủ nhiệm nói với tôi rằng chỉ cần điểm số hiện tại của con gái ổn định, con sẽ có thể thi đỗ vào một trường đại học tầm trung, nếu chịu khó học hành hơn, thi đỗ vào một ngôi trường tốt cũng không phải là không thể.

Nhưng con gái tôi chỉ thích hoạt hình và muốn tham gia thi năng khiếu mỹ thuật. Tôi đã cố gắng hết sức để giải thích với con gái, cung cấp cả số liệu thống kê và sự thật, đồng thời nói với con bé rằng tỷ lệ có việc làm trong ngành này thấp đến mức nào và việc kiếm tiền khó khăn ra sao, nhưng con bé từ chối nghe.

Kết quả, cứ rảnh rỗi, con bé sẽ lén lút vẽ, vẽ cả trong lớp và trong giờ làm bài, tôi từng xé tập vẽ của con gái trong cơn giận dữ.

Kết quả là con gái trở nên chán nản và không chịu đến trường. Con bé nói với tôi: "Nếu không được học ngành mình thích thì dù có học đại học giỏi đến đâu cũng sẽ không vui vẻ".

Tôi không còn cách nào khác đành phải cầu cứu nhưng cư dân mạng ngược lại lại mắng tôi: "Anh chị đã sống luôn cuộc đời của con mình, vậy thì con anh chị còn sống để làm gì? Anh chị đã bao giờ nghĩ chưa? Hiện tại anh chị có thể ép buộc con bé một thời gian, nhưng liệu có thể ngăn cản con bé được cả đời hay không? Con bé có thể nghỉ học giữa chừng để đi học vẽ, cũng có thể sau này nghỉ việc giữa chừng để theo đuổi ước mơ, dù là cách nào, anh chị cũng đang khiến cuộc sống của cô bé trở nên khó khăn hơn."

Tôi bỗng tỉnh ngộ.

Cuốn sách "Người Đua Diều" có viết: "Một đứa trẻ không phải là một cuốn vở tập tô màu. Bạn không thể chỉ tô những màu sắc mà mình yêu thích". Người lớn luôn lấy tư cách là người từng trải để can thiệp vào cuộc sống của trẻ, việc đó sẽ chỉ làm tổn thương trẻ.

Tôi nhớ tới nhân vật Thẩm Ngụy trong một bộ phim có tên "Lưu lạc đại sư". Anh tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng và làm việc tại Cục Kiểm toán Thượng Hải, trong mắt những người khác, anh là một đứa trẻ thành đạt. Vậy nhưng, anh đã từ bỏ tất cả và lưu lạc trên đường phố trong bộ đồ rách rưới.

Khi còn nhỏ, anh thích hội họa, lịch sử và văn học, nhưng cha anh kiên quyết không đồng ý với những sở thích đó của anh, ông xé sách trước mặt và bắt anh phải tập trung vào việc học. Sau đó, anh nộp đơn vào đại học và muốn đăng ký vào Khoa ngôn ngữ, nhưng cha anh yêu cầu anh chuyển chuyên ngành sang lĩnh vực kiểm toán.

Sau khi tốt nghiệp, anh gia nhập Cục Kiểm toán như mong muốn của cha, nhưng sau cùng, anh quyết định bắt đầu "cuộc sống lưu lạc" của riêng mình vì không tìm thấy hạnh phúc trong cả công việc và cuộc sống.

Một câu chuyện đáng buồn.

Hoa khôi đại học về quê bán đậu phụ, thạc sỹ đi học việc ở cửa hàng hoa: con cái chúng ta nếu không thể là mặt trời thì cũng có thể là một ngôi sao sáng - Ảnh 2.

Tôi từng đọc được một câu nói nói rằng: Yêu một đứa trẻ là giúp nó trở thành vua trên mảnh đất của chính mảnh, thay vì nhân danh tình yêu rồi để nó sống như một con rối.

Cuộc đời của một đứa trẻ phải được hoàn thiện bởi chính nó.

Học cách chấp nhận sở thích của trẻ và tôn trọng sự lựa chọn của trẻ là khóa học bắt buộc đối với mỗi bậc cha mẹ.

Có một quan điểm giáo dục rằng: "Mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều có sứ mệnh riêng, có con đường đi riêng. Điều cha mẹ nên làm là tránh những khuyết điểm, giúp con phát huy tối đa điểm mạnh của mình".

Một CEO từng nói: "Mỗi đứa trẻ đều khác nhau và chúng cần những phương thức giáo dục khác nhau để nên người và thành tài. Giáo dục không phải là một nhà máy dây chuyền, nó cũng không có mô hình sản xuất tiêu chuẩn phổ quát".

Thay vì nuôi dưỡng một đứa trẻ "con nhà người ta" trong dây chuyền lắp ráp, chúng ta cần nuôi dưỡng nên một đứa trẻ với trái tim yêu thương và ánh mắt sáng ngời.

Hãy bảo vệ bản ngã của mỗi đứa trẻ và cho phép chúng trở thành phiên bản độc đáo của mình.

Một nhà văn có một câu nói rất hay rằng: "Con người cần sống đúng với chính mình, trở thành con người thật của mình. Cũng giống như hạt giống, chúng nảy mầm và lớn lên theo nhịp điệu và trật tự bên trong".

Cha mẹ tốt nên là một người làm vườn.

Đừng kiểm soát, đừng biến đổi, chỉ cung cấp mảnh đất cho đứa trẻ lớn lên, trân trọng con người thật của chúng và để chúng đâm chồi, lớn lên và nở hoa theo cách riêng của mình. Chỉ khi được chấp nhận, tin cậy và tôn trọng, trẻ em mới có thể phát triển tài năng và có một tư duy tích cực.

Có một cô bé 10 tuổi tên Long Long ở Hàng Châu, không giống như những đứa trẻ cùng tuổi khác, cô bé không thích xem TV hay mặc quần áo đẹp, chỉ thích học những món ăn ngon.

Trong khi các bạn cùng lớp đang bận rộn làm đề thi, học thêm ở trung tâm nọ trung tâm kia, quyết tâm vào đại học thì cô lại nghiêm túc nói với mẹ rằng sau này cô muốn vào một trường trung học dạy nghề và chuyên tâm làm bánh.

Từ nhỏ, chỉ cần trong nhà có người nấu ăn, Long Long sẽ chạy tới xin làm cùng: nhào bột, băm thịt, làm bánh bao...

Ban đầu người mẹ tưởng con gái chỉ là hứng thú nhất thời, nhưng không ngờ cô bé lại thực sự yêu thích nó, mùa hè nhiệt độ trong bếp lên tới 40°C, người lớn dù có nấu ăn cũng không thể chịu nổi, nhưng Long Long có thể ở trong bếp hơn mười tiếng đồng hồ.

Cô bé có thể nấu các món ăn truyền thống, cũng có thể làm những món ăn phương Tây.

Hàng năm khi có người trong gia đình tổ chức sinh nhật, bánh sinh nhật luôn do Long Long làm.

Vào ngày lễ, cô bé luôn thức dậy sớm hơn để chuẩn bị sẵn cháo đậu đỏ, bánh mì và cánh gà nướng cho cả nhà.

Nói về điều này, mẹ của Long Long đáp: "Tôi không ghen tị với điểm A các môn của con của người khác, bởi lẽ ngoại trừ điểm số, mọi thứ khác của con bé đều toàn điểm A."

Một số cư dân mạng khuyên người mẹ hãy lo việc học cho con trước, nhưng người mẹ hiểu rõ tâm tư của con gái, không những không đăng ký cho con vào trường luyện thi mà còn mua cho con rất nhiều những cuốn sách dạy nấu ăn.

"Tôi cảm thấy lý tưởng không quan trọng cao hay thấp, lớn hay nhỏ. Chỉ cần yêu thích, có sự kiên trì và phát triển nó thành sự nghiệp bền vững, vậy thì chắc chắn con bé sẽ hạnh phúc, sẽ vui vẻ trong cuộc sống sau này".

Đúng vậy, chỉ có niềm yêu thích mới có thể khiến một người kiên trì được một thứ trong rất nhiều năm. Con đường mà mỗi người đi là khác nhau, nhưng dù có đi theo con đường nào thì hạnh phúc và niềm vui có lẽ vẫn là mục tiêu chung của mỗi chúng ta.

Hoa khôi đại học về quê bán đậu phụ, thạc sỹ đi học việc ở cửa hàng hoa: con cái chúng ta nếu không thể là mặt trời thì cũng có thể là một ngôi sao sáng - Ảnh 3.

Chu Hạo, một sinh viên được nhận vào Đại học Bắc Kinh với số điểm gần như tuyệt đối, từng rơi vào trạng thái tiêu cực, trầm cảm, thậm chí tuyệt vọng vì không thích chuyên ngành mình đang học.

Vì vậy anh quyết định nghỉ học tại Đại học Bắc Kinh và chuyển sang một trường kỹ thuật tổng hợp ở Bắc Kinh để thỏa mãn niềm đam mê công nghệ cơ khí. Khi đó, nhiều người không hiểu được hành động của cậu, nhưng bố mẹ lại chọn đứng về phía cậu.

May mắn thay, trong lĩnh vực mình yêu thích, Chu Hạo giống như cá gặp nước, cậu tràn đầy năng lượng mỗi ngày. Cậu dành hàng ngày trong phòng thí nghiệm để thiết kế, lập trình, xử lý các bộ phận và không ngừng thực hành các kỹ thuật được giáo viên dạy.

Sau đó, cậu đã giành được nhiều chức vô địch các cuộc thi tay nghề cấp quốc gia. Kể từ đó, cậu dấn thân sâu vào lĩnh vực này, ban đầu trở thành giáo viên dạy nghề, sau đó trở thành nhà tư vấn giáo dục nghề nghiệp, hướng dẫn nhiều giáo viên đồng nghiệp tiếp tục phát triển.

Một giáo sư của Đại học Phúc Đán từng nói:

"Sứ mệnh cả đời của chúng ta là trở thành một người bình thường xuất sắc, yêu thế giới, yêu vạn vật và yêu thương mọi sinh vật trên trái đất. Sau đó, dần dần đi tìm kiếm thứ mà bên trong ta thực sự yêu thích và có giá trị với thời đại."

Sự thành công trong giáo dục con cái chưa bao giờ là biến con thành "con nhà người ta" theo định nghĩa truyền thống.

Có một loại hạnh phúc khi nhìn thấy con được làm công việc mà bản thân yêu thích và để con sống theo cách mình thích.

Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ với bạn một câu chuyện nhỏ: Một cậu bé tung tăng bước đi trên đường, cậu bé tâm sự với mẹ về kế hoạch của mình sau khi lớn lên:

"Mẹ ơi, nếu con đỗ vào Đại học Thanh Hoa thì sao?"

"Vậy thì mẹ sẽ tự hào về con!"

"Thế nếu con được nhận vào Đại học Bắc Kinh thì sao?"

"Mẹ cũng sẽ rất tự hào về con!"

"Vậy nếu con chỉ đi bán khoai lang nướng thôi thì sao?"

"Nếu khoai lang mà con nướng vừa thơm, vừa mềm, vừa ngọt, vừa bùi, vậy thì mẹ cũng sẽ tự hào về con!"

Hoa khôi đại học về quê bán đậu phụ, thạc sỹ đi học việc ở cửa hàng hoa: con cái chúng ta nếu không thể là mặt trời thì cũng có thể là một ngôi sao sáng - Ảnh 4.

Một cuộc trò chuyện đơn giản, ấm áp chạm tới trái tim của vô số người. Con cái chúng ta, nếu không thể trở thành cây thông cao trên đỉnh núi, vậy thì cũng có thể là chiếc cây nhỏ bên suối.

Nếu chúng không thể là mặt trời, vậy thì cũng có thể là một ngôi sao sáng.

Thế giới rất rộng lớn, có rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề, chỉ cần trong lòng trẻ có đủ sự đam mê, đâu đâu chúng cũng đều có thể tỏa sáng.

Bằng cách này, dù đang đứng trên đỉnh hay dưới chân núi, niềm vui và hạnh phúc cũng sẽ luôn đồng hành cùng tất cả chúng ta đến hết cuộc đời.

Diệu Đan

Cùng chuyên mục
XEM