Hồ sơ Panama: Các quốc gia bị nêu tên phản ứng ra sao?
Trước sự càn quét của cơn bão “Hồ sơ Panama”, các quốc gia liên quan đã có những phản ứng từ mềm mỏng cho đến mạnh mẽ và quyết liệt.
Ngay sau khi các tư liệu trong hồ sơ “Hồ sơ Panama” được công khai, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, tầm ảnh hưởng của cơn bão “Hồ sơ Panama” còn ảnh hưởng trực tiếp tới các nhân vật thuộc lĩnh vực chính trị, xã hội , văn hóa, …
Tại châu Âu, Thụy Điển, một trong những quốc gia mạnh tay nhất với các đối tượng trốn thuế. Họ ngay lập tức cung cấp đường dây nóng để các tổ chức, cá nhân "nhúng chàm" có thể thú tội trước khi điều trần.
Còn ở Vương quốc Anh, Thủ tướng David Cameron đã phải có một phiên giải trình trước Quốc hội về việc ông và vợ mình sở hữu một công ty nước ngoài tại quần đảo Virgin thuộc Anh để che giấu những khoản đầu tư lớn.
Với các quốc gia châu Mỹ - nơi được coi là thiên đường “trốn thuế”, Mexico chính là quốc gia mạnh tay nhất sau khi thông tin về vụ bê bối Panama xuất hiện. Chỉ vài ngày sau đó, cơ quan Quản lý thuế Mexico (SAT) đang tiến hành điều tra 33 cá nhân có tên trong Hồ sơ Panama, trong đó bao gồm chính trị gia, doanh nhân và diễn viên.
Trong số những người liên quan, có thể kể tới Juan Armando Hinojosa Cantu (Chủ tịch Tập đoàn Grupo Higa) và Alfonso de Angoitia (Giám đốc tài chính của kênh truyền hình Televisa) khi thực hiện một số giao dịch với Mossack Fonseca.
Tổng thống Argentina, ông Mauricia Marci cũng bị ảnh hưởng với nhiều giao dịch có liên quan. Ông cũng đã phải hợp tác với các cơ quan điều tra để làm rõ một số khoản thu nhập.
Trước việc hàng loạt quan chức cấp cao Trung Quốc “nhúng chàm”, Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc đã tiến hành điều tra trong nội bộ đảng đối với các quan chức cấp tỉnh, cấp bộ trở lên. Theo đó, Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung Quốc sẽ xem các quan chức nói trên hoặc người dân của họ có các công ty ở nước ngoài hay không.
Để phục vụ cho công tác này, Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương, ông Vương Kỳ Sơn đã đích thân đưa ra quy định mới với nội dung cốt lõi là tuyệt đối không đưa vào danh sách đề bạt, bổ nhiệm đối với những quan chức cấp tỉnh, cấp bộ trở lên (hoặc người thân của họ) có tài sản ở nước ngoài nhưng chưa báo cáo rõ với tổ chức.
Hiện quy định mới này đã được chuyển đến tận tay các quan chức cấp tỉnh, cấp bộ trở lên.
Còn tại Ấn Độ, ông Arun Kumar, cựu giáo sư kinh tế của Đại học Jawaharlal Nehru và là tác giả của cuốn sách “Kinh tế đen tại Ấn Độ”, cho hay, Ấn Độ là nơi có nhiều luật lệ để chống trốn thuế, nhưng việc thi hành rất yếu kém.
Trước “cơn bão hồ sơ Panama”, chính phủ Ấn Độ cũng đã ngay lập tức vào cuộc với các đối tượng bị nghi ngờ trốn thuế bị công bố. Cơ quan thuế nước này đã gửi trát đòi các công ty được nêu tên giải trình phục vụ cho quá trình điều tra.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ra lệnh tiến hành một cuộc điều tra liên cơ quan về những điều được Hồ sơ Panama đưa ra, trong đó có tên của hơn 500 người Ấn Độ -- từ các ngôi sao của Bollywood cho đến những nhà công nghiệp lớn và một ông vua bất động sản.
Ông Narendra Modi cũng dùng lời hứa sẽ truy lùng những người trốn thuế và mang về hàng tỷ USD tiền bất hợp pháp được gửi tại những nơi an toàn không bị đóng thuế làm một trong những lời hứa chính trong cuộc vận động tranh cử.
Rõ ràng, quốc gia châu Á rất mạnh tay đối với các cá nhân bị nghi ngờ.
Không lâu sau khi “Hồ sơ panama” được tiết lộ lần đầu, Việt Nam cũng nằm trong danh sách “đen” với 189 người được điểm mặt chỉ tên.
Phản ứng trước thông tin này, hầu hết các đại gia Việt đều khẳng định việc mình xuất hiện trong danh sách Hồ sơ Panama chưa đủ chứng minh rằng họ phạm tội.
Còn phía cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã có những thông tin cho thấy, sẵn sàng vào cuộc để minh bạch vụ việc.
Trong một diễn biến khẩn trương, chiều 10/5, Tổng cục Thuế đã thành lập khẩn một tổ công tác điều tra nghĩa vụ thuế đối với các cá nhân, tổ chức có tên trong bộ hồ sơ Panama vừa công bố. Tiểu ban này gồm nhiều Vụ như Vụ Thanh tra, Vụ Tổ chức Cán bộ, Ban cải cách hiện đại hoá thủ tục thuế, Vụ Tuyên truyền...
Trên cơ sở kiểm tra dữ liệu nộp thuế cũng như đối chiếu với các quy định của Việt Nam, ngành thuế sẽ xác định cá nhân, tổ chức có dấu hiệu trốn thuế hay lách thuế...