Hiệu ứng hào quang và cách thức "nhảy việc" mà không cần bắt đầu lại từ đầu

05/06/2016 19:55 PM | Kinh doanh

Tác giả cuốn sách Reinventing You đã có những chia sẻ về cách mà ông thay đổi công việc hay thậm chí cả sự nghiệp mà không cần phải bắt đầu lại từ đầu.

Có rất nhiều người dù đã thành danh trong một lĩnh vực nhất định vẫn muốn thay đổi công việc. Tuy nhiên, suy nghĩ về việc phải từ bỏ vị trí mà khó khăn lắm mới đạt được và bắt đầu lại mọi thứ từ con số 0 lại khiến họ nản lòng và cuối cùng lựa chọn lại, cho dù không vui vẻ gì.

Trong quá trình nghiên cứu cho cuốn sách Reinventing You, tôi đã tìm ra một số cách để bạn có thể thay đổi công việc hoặc thậm chí cả sự nghiệp mà không phải từ bỏ vị thế chuyên gia của mình.

Thay vào đó bạn có thể chuyển đổi mọi thứ một cách sáng tạo để nếu có phải bắt đầu ở một lĩnh vực hoàn toàn khác biệt, bạn vẫn có được lợi thế từ nhiều năm kinh nghiệm của mình. Dưới đây là 3 chiến lược để tận dụng triệt để những kinh nghiệm mà bạn đã tích lũy được.

Tận dụng hiệu ứng hào quang. Từ đầu những năm 1920, các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng con người có xu hướng bị tác động bởi hiệu ứng hào quang. Điều này có nghĩa là chúng ta nhận định một người là hoàn toàn tốt đẹp và giỏi giang, hoặc hoàn toàn xấu xí và kém cỏi, chỉ dựa trên những đánh giá ban đầu về người đó.

Thông thường điều này dẫn đến những sai lầm cảm tính và khả năng thực sự của con người sẽ bị bỏ sót. Nhưng nếu là một chuyên gia giàu kinh nghiệm, hiệu ứng này có thể mang lại nhiều lợi ích cho bạn.

Hãy hiểu rằng nếu bạn đã được công nhận trong một lĩnh vực nào đó, mọi người sẽ có xu hướng nhìn nhận bạn như một cá nhân xuất sắc về mọi mặt, đồng nghĩa với việc là một ứng viên tuyệt vời trong bất kỳ lĩnh vực nào khác.

Cụ thể, hãy nhìn vào thành công trên chính trường của các diễn viên như Arnold Schwarzenegger hay thành công trên thương trường của những người hùng thể thao như vận động viên trượt ván danh tiếng Tony Hawk.

Hãy tận dụng những lợi thế của bạn. Nếu bạn là một chuyên gia, bạn đã sở hữu hai tài sản mà những nhà sáng tạo trẻ tuổi không có, đó là mối quan hệ và tiền. Hãy tích lũy những lợi thế đặc biệt mà bạn đang sở hữu, và nghĩ về việc có thể tận dụng chúng như thế nào.

Nếu bạn đã tiết kiệm được một khoản kha khá, bạn có thể sẽ muốn dành thời gian để làm tình nguyện, đấu tranh cho lý tưởng của mình, tất nhiên là ở những vị trí cao hơn. Từ đó, bạn sẽ gặt hái được những kinh nghiệm quý báu và tăng cơ hội được nhận vào những vị trí có mức lương ổn.

Kể cả khi bạn muốn chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn khác với lĩnh vực mình đã tạo dựng được tên tuổi, những mối quan hệ hiện tại có thể giúp bạn kết nối với những chuyên gia hàng đầu trong các ngành khác.

Ở đâu cũng vậy, những người thành đạt thường có xu hướng quen biết nhau thông qua các câu lạc bộ hoặc các sự kiện từ thiện. Hãy tìm hiểu qua LinkedIn và các cuộc trò chuyện xem bạn bè của bạn có biết ai trong lĩnh vực mà bạn đang nhắm đến không, và liệu họ có thể giới thiệu bạn được không.

Những mối quan hệ hiện tại cũng có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi công việc của bạn thông qua vai trò sứ giả. Những người này sẽ tán dương bạn trong lĩnh vực mới mà bạn đang nhắm tới, họ đứng ra bảo chứng cho khả năng của bạn.

Người ta có thể băn khoăn rằng một cựu chuyên gia tài chính liệu có thích hợp với vị trí giám đốc trong tổ chức phi chính phủ không. Tuy nhiên nếu người giới thiệu dám khẳng định đam mê và khả năng của bạn thì chí ít bạn cũng có khả năng được phỏng vấn.

Tìm kiếm những cơ hội mà sự thiếu kinh nghiệm lại được xem là một lợi thế. Nhìn chung, hầu hết mọi người đều sẽ do dự khi tuyển một người thiếu kinh nghiệm cho một vị trí cấp cao. Nhưng cũng có một số ngoại lệ nhất định. Nếu một công ty đang gặp rắc rối và những phương thức kinh doanh truyền thống không có hiệu quả, họ sẽ có xu hướng tìm kiếm những nhà lãnh đạo phá cách.

Những người ngoài mới là lựa chọn đầy rủi ro hoàn toàn có thể gây ra những hậu quả. Tuy nhiên theo nghiên cứu của giáo sư Gautam Mukunda, Đại học Harvard, những người đó có khả năng trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất, người có thể hồi sinh những công ty đang hấp hối, vạch ra những phương hướng chiến lược táo bạo, hoặc định hướng cho một startup non trẻ trở thành một đế chế hùng mạnh.

Nếu bạn ở vào trường hợp đó và có khả năng giải thích được làm thế nào để bù đắp sự thiếu kinh nghiệm bằng chính những kỹ năng mà bạn đã có được ở vị trí trước đây, bạn sẽ trở thành một ứng viên tiềm năng đấy.

Quả thực khi tôi được tuyển dụng vào vị trí giám đốc điều hành cho một tổ chức phi chính phủ vận động mọi người đi xe đạp, kiến thức về đạp xe của tôi gần như không có, tôi thậm chí còn không thể nhớ nổi thương hiệu chiếc xe đạp của mình. Nhưng tôi đã thành công thuyết phục hội đồng tuyển dụng. Tôi đã thể hiện những kiến thức về truyền thông vận động hành lang và kỹ năng giao tiếp, đây cũng chính là những yếu tố mà tổ chức của họ đang thiếu vào thời điểm đó. Và cuối cùng, họ đã đồng ý tuyển dụng tôi.

Chẳng ai muốn lãng phí những năm tháng nỗ lực của mình. Nếu suy nghĩ về việc phải từ bỏ vị trí một chuyên gia và bắt đầu lại mọi thứ từ con số 0 sẽ khiến bạn chùn bước trước dự định chuyển hướng sự nghiệp, thì bạn có thể cân nhắc lại. Với 3 chiến lược trên, bạn có thể bước sang một trang mới trong sự nghiệp của mình dựa trên chính nền tảng kinh nghiệm đã tích lũy được.

Phong Linh

Cùng chuyên mục
XEM