Hét 200 triệu, bán 40 triệu: 3 bài học xương máu về sang nhượng quán

27/03/2021 21:13 PM | Kinh doanh

“Giờ mỗi lần gặp, bạn mình nó tôn sùng mình như thánh sống” - Thành viên Đào Tuấn Anh trong một diễn đàn khởi nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm hữu ích về sang nhượng.

BÀI HỌC 1: Quán tốt, ai ngu gì sang nhượng?

Khi họ muốn sang nhượng, họ sẽ có trăm ngàn lý do: Mới xin được việc nhà nước, ắp đi nước ngoài, chửa đẻ, vân vân và mây mây.... Các bạn chỉ cần hiểu 1 điều "QUÁN Ế KHÔNG CÓ KHÁCH " mới phải sang nhượng, nhớ nhé! Nếu quán vẫn kinh doanh ổn định, doanh thu tốt, thì không ai ngu gì sang nhượng. Nhân viên đâu, người nhà đâu, bạn bè đâu? Sao miếng ngon thế lại để phần người ngoài?

BÀI HỌC 2: Hét giá để lùa "gà vào chuồng"

Đã sang nhượng tức là đến bước đường cùng rồi, không có khả năng tiếp tục đóng tiền nhà, nhưng nhiều chủ cửa hàng lại hét giá trên trời, vì sao? Để may mắn gặp "gà" họ sẽ gỡ lại số tiền thua lỗ của những tháng kinh doanh trước đó.

Hét giá là việc của họ, còn việc trả giá là của người mua. Lúc này người mua phải tỉnh táo, không cần nhìn số tiền họ hét, mà phải đến thực tế nhìn đồ đạc của quán, liệt kê cụ thể chi tiết và định giá nó theo GIÁ THANH LÝ. Chứ không phải lấy nhượng mà giá đồ cũ còn đắt hơn cả mua mới nhé các bạn.

Lại ví dụ hai trường hợp cụ thể mình từng gặp: Bạn mình kéo mình đi cùng xem 1 quán cafe, chủ cũ họ hét 200 triệu không mặc cả, lúc sau 180 triệu không mặc cả, cuối cùng sau vài ngày đi lại bạc mặt mòn lốp xe và thương thảo mình lấy được cho nó 40 triệu quán đấy. Giờ mỗi lần gặp, bạn mình nó tôn sùng mình như thánh sống.

Một trường hợp nữa mình biết ngay cạnh cửa hàng mình. Trước bán đồ lót bikini ngồi cả tháng không có khách. Đăng nhượng lên mạng 150 triệu cả đồ, 70 triệu không đồ. Cuối cùng một anh trên Hàng Đào xuống lấy 15 triệu. Vẫn phải ngậm ngùi ra đi, vì hết tiền nhà rồi.

Hét 200 triệu, bán 40 triệu: 3 bài học xương máu về sang nhượng quán - Ảnh 1.

BÀI HỌC 3: La cà thông tấn xã vỉa hè

Khi có ý định lấy nhượng lại 1 quán nào đó, đừng tiếc thời gian đến thăm dò địa bàn. Các bạn hãy đến trực tiếp quán xem tình hình họ buôn bán thế nào, lượng khách ra sao. Sau đấy lân la ra hàng nước gần đấy (thông tấn xã vỉa hè) hỏi dò xem chủ nhà này là người như thế nào, quán này đã nhiều đời chủ thuê chưa, chủ thuê này làm ăn ở đây lâu chưa, quán có khách không ???... 100% những thông tin này sẽ được các bà hàng nước tuôn ra cho các bạn, tin mình đi.

Muốn nói thêm 1 điều là: Đối với các bạn làm ăn không được muốn sang nhượng thì nên có cái tâm, lấy giá vừa phải thôi cho chủ mới họ còn tí lộc mà buôn bán, đã sang nhượng đừng ăn lãi nhiều quá của người ta làm gì.

Còn đối với các bạn đi mua nhượng thì mình khuyên nên thật TỈNH TÁO trong mọi quyết định. Biết là máu, nhưng máu gì thì máu cũng nên tính toán, tiền còn trong túi mình tức là mình còn nắm đằng chuôi, bao giờ thương thảo rõ ràng các điều khoản, 2 bên ok thống nhất mới ĐẶT CỌC, bao giờ gặp nói chuyện được với chủ nhà mới TRẢ ĐỦ TIỀN. Đấy là bài học xương máu mà nhiều anh chị em trên này đã vấp phải rồi.

Chúc các bạn có những thương vụ mua bán thành công!

Các câu trả lời thú vị:

- Thuận mua vừa bán! Cảm thấy với giá đó mình có lời, mô hình của mình phù hợp thì ok! Chứ lợi dụng lúc người ta sức cùng lực kiệt để ép giá thì cũng không nên!

- Nói mua ngang giá thanh lý thì gọi đồ cũ đến cho nhanh! Không dùng đến chữ nhượng làm gì!

- Nếu mình đọc được bài viết này cách đây 2 năm thì hay quá,

- Còn cái cốt lõi nữa mà nhiều người mới không để ý đến là hợp đồng thuê nhà (mặt bằng) bao lâu nữa hết hạn và giá cả như cũ hay tăng bao nhiêu %?  thời hạn ký kết tiếp theo sẽ là bao lâu? không để ý đến thì cũng là vấn đề phải theo lao vì lỡ mới vào tiếp quản chưa lấy lại vốn đã phải ra đi.

- Không bao giờ đồng ý ngay lần đầu tiên. Luôn đàm phán từ 3 lần trở lên để nhận được nhiều lợi ích nhất.

- Người viết cho xin cái info. Mai mốt đi đàm phán mời theo. Mình trả bạn 20% giá.

- Cảm ơn để bớt học phí ngu.

Hà Anh

Cùng chuyên mục
XEM