“Hệ thống thống trị” - Chiến lược đáng sợ của 7-Eleven: Tập trung vào một khu vực nhỏ rồi tăng số cửa hàng theo cấp số nhân

19/11/2016 14:17 PM | Kinh doanh

Riêng ở Nhật, chuỗi cửa hàng tiện lợi có tới 15.000 cửa hàng. Vậy nhưng, nhiều tỉnh của Nhật Bản không có bóng dáng điểm bán nào của 7-Eleven. Điều này không phải ngẫu nhiên mà nằm trong chiến lược: Đã xâm nhập tỉnh nào là phải thống trị tỉnh đó của tỷ phú Masatoshi Ito, người sáng lập thương hiệu nổi tiếng này.

7-Eleven mua hàng từ nhà sản xuất và tập hợp lại để bán tại các cửa hàng. Chi phí vận chuyển tạo nên sự khác biệt trong giá của sản phẩm, thông thường chiếm khoảng gần 10% giá bán ra.

Để bán giá “yêu thương”, các cửa hàng của 7-Eleven phải tìm cách giảm chi phí vận chuyển. Kể từ khi thành lập, thương hiệu từ xứ sở hoa anh đào này đã áp dụng chiến thuật “hệ thống thống trị”.

Đây là chiến thuật tập trung vào một khu vực nhất định và nhanh chóng nhân rộng số lượng cửa hàng trong khu vực đó. Đó cũng chính là lý do vì sao, tại nhiều tỉnh của Nhật, người ta không thấy sự xuất hiện của 7-Eleven trong khi các tỉnh khác, số điểm bán lại rất nhiều.

Khi các cửa hàng đã nhiều tại một khu vực nhất định, chi phí vận chuyển được giảm thiểu và giá thành của sản phẩm sẽ giảm. Thời gian vận chuyển cũng giảm.

Ngoài ra, với chiến lược này, 7-Eleven cũng giải quyết được bài toán marketing mà không cần chi nhiều tiền cho quảng cáo trên TV. Lý do là vì độ phủ của các cửa hàng rất dày, người này truyền miệng người kia khiến nhiều người biết đến 7-Eleven.

Một lợi ích khác, đó là vì khoảng cách giữa các điểm bán rất gần nhau nên lãnh đạo công ty có thể “lượn” ở cửa hàng này một tí, cửa hàng kia một tí để xem xét tình hình và có những biện pháp điều chỉnh kịp thời đối với cửa hàng đó.

Toshifumi Suzuki, cựu CEO của 7-Eleven, từng nói khi còn đương nhiệm: “Kế hoạch của 7-Eleven là tập trung vào khu vực thống trị. Chúng tôi dành sự đầu tư cho một khu vực nhỏ nhất định”, theo Rocket News.

Ông Suzuki giải thích thêm rằng việc tập trung vào một vùng nhỏ là chiến lược quan trọng để giảm giá sản phẩm. Từ việc phân phối đến quảng bá sản phẩm cũng chỉ nằm trong một khu vực nhất định. Quan trọng hơn cả là thức ăn đến với khách hàng nhanh hơn và tươi hơn.

“Tuy nhiên, những lý do trên chưa phải là tất cả. Chúng tôi muốn mọi người thấy rằng 7-Eleven tuy nhỏ nhưng có sự bùng nổ và tập trung hoàn toàn vào một khu vực nhất định”, ông Suzuki cho biết thêm.

Lãnh đạo này lý giải,một khi một cửa hàng được mở thì những cửa hàng sau sẽ mọc lên rất nhanh. Với sự truyền miệng, mọi người sẽ trở nên ngày càng quen với các cửa hàng và đến thường xuyên hơn. Dù ban đầu, các cửa hàng chỉ có lợi nhuận rất nhỏ nhưng một khi thương hiệu đã đạt được đến một mức nhất định, mọi người sẽ thấy sự tăng trưởng đột biến về cả khách hàng và doanh số.

7-Eleven đang rục rịch tuyển quân để tiến vào thị trường Việt Nam. Liệu chiến lược mà thương hiệu này áp dụng bấy lâu nay có giúp họ bùng nổ tại quốc gia hình chữ S?

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM